Trí tuệ nhân tạo (AI) đã đến và làm thay đổi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung diễn ra trong suốt 5 năm qua. Sự thật này đã được thể hiện rõ ràng tại Hội nghị AI Thế giới (WAIC) diễn ra tại thành phố Thượng Hải từ ngày 6 - 8.7.

Phát ngôn của Elon Musk ở hội nghị AI lớn nhất Trung Quốc có thể khiến nhiều người Mỹ khó chịu

Sơn Vân | 17/07/2023, 17:00

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã đến và làm thay đổi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung diễn ra trong suốt 5 năm qua. Sự thật này đã được thể hiện rõ ràng tại Hội nghị AI Thế giới (WAIC) diễn ra tại thành phố Thượng Hải từ ngày 6 - 8.7.

Trong khi WAIC 2023 thu hút tất cả công ty lớn nhất ở Trung Quốc, thì chỉ có duy nhất một nhà tài trợ từ Mỹ là hãng thiết kế chip di động Qualcomm. Điều đó minh họa rõ tình trạng căng thẳng của các hãng công nghệ Mỹ khi cố gắng hoạt động tại Trung Quốc. WAIC trước đại dịch vào năm 2019 có sự tài trợ của ba công ty Mỹ là IBM, Microsoft và Amazon Web Services.

Hội nghị năm nay ít nhất có một nhân vật công chúng nước ngoài có thể gây chú ý: Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX và chủ sở hữu Twitter). Điều này có thể không gây ngạc nhiên.

Với nhà máy Tesla tại Thượng Hải đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung cấp ô tô điện toàn cầu cho công ty, Elon Musk có lợi ích kinh doanh rất lớn tại Trung Quốc. Trong bài phát biểu 8 phút được phát trực tuyến tại WAIC 2023, Elon Musk thể hiện rõ sự nhiệt tình với AI Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ trở nên xuất sắc ở bất cứ lĩnh vực gì mà họ đặt tâm trí vào, gồm cả AI”, tỷ phú giàu nhất thế giới nói.

Trong cuộc trò chuyện trên Twitter Spaces, Elon Musk nói ông tin rằng Trung Quốc quan tâm đến một khuôn khổ hợp tác quốc tế về AI sau các cuộc trò chuyện khi đến thăm nước này vài tuần trước.

"Trung Quốc chắc chắn quan tâm đến việc tham gia trong một khuôn khổ hợp tác quốc tế về quy định AI", tỷ phú 51 tuổi người Mỹ cho hay. Elon Musk nói ông ủng hộ các quy định và giám sát AI, gồm cả trong các cuộc họp của ông ở Trung Quốc.

Những lời trên của Elon Musk có thể khiến nhiều người Mỹ khó chịu.

phat-ngon-cua-elon-musk-o-hoi-nghi-ai-lon-nhat-trung-quoc-khien-nguoi-my-kho-chiu.jpg
Elon Musk phát biểu trực tuyến ở WAIC 2023 - Ảnh: SCMP  

Một số hãng công nghệ Mỹ xuất hiện lặng lẽ tại WAIC 2023, bao gồm đại diện của Apple, Amazon và Microsoft. Tuy nhiên, hội nghị gồm chủ yếu là dành cho những hãng công nghệ Trung Quốc. Huawei và SenseTime (hai gã khổng lồ công nghệ bị Mỹ trừng phạt) là nhà tài trợ WAIC cùng với Tencent, Ant Group và Alibaba.

AI từ lâu đã là một lĩnh vực được Trung Quốc quan tâm. Vào năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã chỉ định đây là 1 trong 7 “công nghệ tiên phong” để phát triển. Sự gia tăng mức độ phổ biến của ChatGPT, ra mắt vào tháng 11.2022, đã khởi động một cuộc đua AI mới và cho thấy Trung Quốc kém xa Mỹ như thế nào trong một lĩnh vực cụ thể của AI, đó là mô hình ngôn ngữ lớn.

Tại WAIC 2023, Xu Xiaolan, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cho biết Trung Quốc đang phát triển chuỗi giá trị AI từ “chip thông minh và khung thuật toán đến các mô hình ngôn ngữ lớn dành riêng cho từng ngành”.

Những người hoài nghi đã đặt ra câu hỏi liệu việc kiểm duyệt có cản trở sự phát triển generative AI của Trung Quốc hay không, vì tính sáng tạo của các chatbot như ChatGPT chủ yếu dựa vào việc tiếp thu lượng lớn nội dung và tạo ra các phản hồi độc đáo, đôi khi bất ngờ cho các truy vấn.

Song vài tháng qua, các hãng công nghệ Trung Quốc đã đổ nhiều nguồn lực vào việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn trong nước và triển khai chúng trong các ứng dụng dành cho người tiêu dùng lẫn mục đích thương mại. Trung Quốc hiện có nhiều công ty khởi nghiệp về AI hơn bất kỳ quốc gia nào, đạt con số 22 vào cuối nửa đầu năm nay, so với 21 ở Mỹ.

Phần lớn hoạt động AI của đất nước đang diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có khoảng 1/2 trong số 80 mô hình ngôn ngữ lớn của Trung Quốc.

Khi WAIC diễn ra vào tháng này, các công ty đang rất háo hức thể hiện những thành quả công việc mà họ đạt được. Nhiều công ty đã giới thiệu sản phẩm giống ChatGPT của riêng họ dành cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm logistics (hậu cần), giáo dục, tài chính và xây dựng.

Về vấn đề kiểm soát nội dung ảnh hưởng đến học máy, Bắc Kinh tin rằng đó là một thách thức có thể vượt qua. 7 cơ quan quản lý Trung Quốc đã đưa ra các quy định chi tiết nhất thế giới về generative AI, tạm thời yêu cầu các sản phẩm liên quan phải “tuân thủ các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và khuyến khích tạo ra “nội dung tích cực, lành mạnh”.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Cũng trong tháng 7, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã thành lập Viện Tiêu chuẩn hóa Điện tử Trung Quốc để thiết lập các tiêu chuẩn mô hình ngôn ngữ lớn. Cơ quan này đã nhờ sự hỗ trợ từ gã khổng lồ công nghệ Baidu, Huawei, 360 Security và Alibaba.

Cũng như nhiều công nghệ mới, truyền thông nhà nước đã cảnh báo về cả rủi ro và lợi ích của AI. Cuối tháng 6, Nhân dân Nhật báo cho biết AI gây ra rủi ro liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư và gian lận, nhưng cũng cho biết công nghệ này sẽ là "động lực quan trọng với sự chuyển đổi công nghiệp".

Vào tháng trước, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cũng cho biết rằng AI phải “đáng tin cậy và có thể kiểm soát được”.

Các hãng công nghệ lớn đã đưa ra gợi ý. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm và là người đứng đầu bộ phận điện toán đám mây của Alibaba, đã nhấn mạnh sự hạn chế theo quy định trong bài phát biểu vào tháng trước.

Nhấn ga đồng thời đạp phanh để đảm bảo an ninh là hai điều quan trọng không kém nhau”, Daniel Zhang nói, sử dụng phép ẩn dụ cho thấy ngành công nghiệp AI sẽ gặp khó khăn trong tương lai.

Tất nhiên, các hãng công nghệ Trung Quốc không chỉ đối mặt với các quy định trong nước mà thôi. Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến được sử dụng cho các ứng dụng AI sang Trung của Mỹ vẫn còn hiệu lực và ngày càng leo thang. Hơn nữa, các nguồn tin cho biết chính quyền Biden đang cân nhắc các hạn chế việc sử dụng các dịch vụ AI trên đám mây.

Các công ty Trung Quốc tin rằng họ có lợi thế trong ít nhất một số lĩnh vực. Baidu cho biết phiên bản Ernie Bot mới nhất đã vượt qua ChatGPT trong một số nhiệm vụ được thực hiện bằng tiếng Trung.

Vượt ra ngoài thị trường nội địa có thể khó khăn hơn nhưng Hồng Kông tin rằng họ có thể là một cầu nối cho việc đó. Paul Chan Mo-po, Thư ký tài chính của Hồng Kông, đã xuất hiện tại WAIC 2023, ca ngợi sức mạnh của thành phố này về khoa học và giáo dục. Sau chuyến đi, Paul Chan Mo-po viết blog rằng chính quyền Hồng Kông “đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực” về việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, việc vươn ra toàn cầu có thể nói dễ hơn làm với các công ty Trung Quốc ngày nay. Elon Musk tỏ ra ủng hộ Trung Quốc, như lời ông nói trong cuộc trò chuyện trên Twitter Spaces, nhưng rõ ràng Giám đốc điều hành Tesla đang đi ngược lại xu hướng chính trị ở quê nhà về vấn đề đó.

Bài liên quan
OECD: AI khiến 27% công việc có thể bị tự động hóa, người lao động lo sợ
Hơn 1/4 công việc trong 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dựa vào các kỹ năng có thể dễ dàng tự động hóa trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát ngôn của Elon Musk ở hội nghị AI lớn nhất Trung Quốc có thể khiến nhiều người Mỹ khó chịu