Ngũ cốc thu hoạch được của Ukraine đối mặt nguy cơ bị thối rữa trong kho vì cuộc chiến đang diễn ra làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu.
Trước chiến tranh, Ukraine xuất khẩu hơn 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng – hầu hết qua các cảng trên Biển Đen, nhưng hiện nay tàu chiến Nga đang phong tỏa vùng biển này khiến hàng hóa không thể vận chuyển được. Đây là đòn giáng mạnh không chỉ với ngành nông nghiệp Ukraine mà còn với nguồn cung lương thực toàn cầu.
Ukraine, các nước láng giềng và Liên minh châu Âu (EU) đang cố tìm tuyến đường vận chuyển khác để giải cứu ngũ cốc, trong đó đường sắt dường như là lựa chọn khả thi bất chấp vô số thách thức về kho vận.
Ukraine đóng góp 42% dầu hướng dương, 16% ngô, 9% lúa mì giao dịch trên thị trường toàn cầu. Nhiều quốc gia - đặc biệt là quốc gia ở châu Phi và Trung Đông - phụ thuộc vào nguồn cung các mặt hàng này từ Ukraine. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley từng cảnh báo cuộc chiến đang diễn ra sẽ đẩy hàng triệu người vào cảnh đói.
Phía Nga tuyên bố sẵn sàng ngừng phong tỏa Biển Đen với điều kiện phương Tây dỡ bỏ trừng phạt – yêu cầu mà Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích là động thái “tống tiền”. Kyiv không ít lần cáo buộc Moscow cướp bóc ngũ cốc và bán lại cho nước khác.
Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis từng đề xuất lập một liên minh tàu hải quân hộ tống tàu hàng Ukraine ở Biển Đen. Đến nay đề xuất chưa được hiện thực hóa do lo ngại làm leo thang xung đột.
Dù đã có hơn 760.000 tấn ngũ cốc thành công chuyển khỏi Ukraine vào đầu tháng 5, giới chuyên gia nhận xét kế hoạch thực hiện thêm nhiều chuyến tàu hỏa giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo nhà phân tích Harry Nedelcu thuộc trung tâm nghiên cứu Rasmussen Global: “Số liệu bạn nhìn thấy khá tốt. Tuy nhiên nếu nhìn thực tế thì hiện có hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine cần phải xuất khẩu”.
“Ukraine kiểm soát 80% lãnh thổ, vì vậy phần đất nông nghiệp ở đó vẫn đang trồng trọt và ngũ cốc vẫn còn kẹt lại. 90% lượng xuất khẩu chủ yếu đi qua Odesa nhưng cảng bị phong tỏa, rất khó để thay thế bằng đường sắt”, nhà phân tích Nedelcu lý giải.
Andriy Stavnitser - chủ sở hữu kho ngũ cốc TIS gần Odesa - cho biết không lâu sau khi Nga phát động cuộc chiến, các cảng trên Biển Đen đã bị chặn bởi mìn và tàu chiến Nga. Vào giữa tháng 5 ông kể với đài truyền hình Current Time rằng: “Có khoảng 80 tàu bị kẹt tại các cảng của Ukraine. Một số trống rỗng, một số có hàng hóa. Thủy thủ đoàn đến từ khắp nơi trên thế giới. Chúng thực sự là những con tàu ma không thể rời khỏi”.
Stavnitser ước tính Ukraine mất khoảng 15 tỷ USD vì không xuất khẩu được ngũ cốc, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước cũng như cho nông dân.
Hiện tại, nông sản Ukraine chỉ được xuất khẩu trên đường bộ hoặc sà lan qua sông Danube, tàu hỏa là phương thức được ưa chuộng. Nhưng tắc nghẽn đã phát sinh vì hệ thống đường ray của Ukraine (sử dụng từ thời Liên Xô) và của châu Âu có kích thước khác nhau – buộc hàng hóa phải chuyển sang tàu khác mỗi khi đến biên giới.
Theo Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov: “Đường sắt có thể đảm nhận một phần vận chuyển nông sản, đặc biệt là ngũ cốc. Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn do năng lực xuất khẩu qua biên giới của miền Tây Ukraine không được thiết kế để vận chuyển khối lượng lớn như vậy”.
Bất chấp thách thức về kho vận và nguy cơ bị lực lượng Nga tấn công, vẫn có ngày càng nhiều nông sản Ukraine xuất khẩu bằng đường sắt. Công ty đường sắt quốc doanh Ukrzaliznytsia cho biết từ ngày 1 - 16.5 họ xuất được khoảng 768.300 tấn ngũ cốc, tăng so với 642.500 tấn trong tháng 4 và 415.900 tấn trong tháng 3. Lượng hàng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa.
Lithuania nhận chuyến hàng ngũ cốc Ukraine đầu tiên để vận chuyển tiếp từ cảng Klaipeda ở Biển Baltic vào ngày 24.5. Công ty đường sắt quốc doanh LTG dự kiến mở rộng quy mô vận chuyển lên một chuyến/ngày, mỗi chuyến 1.500 tấn ngũ cốc và nông sản khác.
Tại Áo, một chuyến tàu chở 2.000 tấn ngô của Ukraine đã đến vào ngày 6.5 – đánh dấu việc thiết lập “hành lang xanh” vận chuyển hàng thiết yếu giữa hai nước. Đại sứ Ukraine tại Áo Vasyl Khymynets cho biết mỗi tháng có thể có 600.000 tấn ngũ cốc Ukraine xuất khẩu qua nhiều tuyến đường bộ. Một số quốc gia cũng lập nên “hành lang xanh” tương tự.
Công ty đường sắt Áo giúp vận chuyển hàng hóa Ukraine đến miền bắc nước Đức - đi qua Slovakia, Cộng hòa Czech, Ba Lan - ba tuần một lần với tàu hỏa đủ sức chở tới 2.000 tấn. Công ty đường sắt Czech thời gian gần đây vận chuyển 1.800 tấn ngô Ukraine đến EU, hàng sau đó từ cảng Brake (Đức) sang Ai Cập bằng đường biển.
Giáp với cả Ukraine lẫn Biển Đen, Romania - cụ thể là loạt cảng của nước này tại Constanta - góp phần quan trọng giúp Kyiv phá thế phong tỏa. Tàu hỏa, xe tải, sà lan được huy động để vận chuyển nông sản Ukraine từ một số cảng nhỏ như Reni và Izmayil ở tây nam Ukraine. Bulgaria cũng ngỏ ý giúp đỡ bằng cách cho Ukraine dùng các cảng ở Varna xuất khẩu nông sản.
Tình hình sẽ phức tạp hơn khi Ukraine thu hoạch lúa mì, lúa mạch, ngô vào tháng 7 và tháng 8, đem đến áp lực về vận chuyển lẫn lưu trữ.