Thái Lan đã cứng rắn hơn một chút với Myanmar khi nói rằng “rất lo ngại” về việc đổ máu leo ​​thang kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2, nhưng các mối quan hệ quân sự chặt chẽ và lo ngại về làn sóng người tị nạn có nghĩa là họ khó có thể đi xa hơn.

Quan hệ thân tình của Thống tướng Aung Hlaing với Thái Lan, quân đội Myanmar kêu gọi dân bỏ trốn về quê

Nhân Hoàng | 02/04/2021, 18:46

Thái Lan đã cứng rắn hơn một chút với Myanmar khi nói rằng “rất lo ngại” về việc đổ máu leo ​​thang kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2, nhưng các mối quan hệ quân sự chặt chẽ và lo ngại về làn sóng người tị nạn có nghĩa là họ khó có thể đi xa hơn.

Điều đó khiến Thái Lan lạc bước với một số thành viên của Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar, nhưng cũng có thể coi như một bên hòa giải khả thi.

Panitan Wattanayagorn, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan), nói với Reuters: “Vị trí của Thái Lan là khó khăn, nhưng tôi nghĩ có một cơ hội vì chúng tôi đã trở thành đối tác quan trọng với Myanmar”.

Sự gần gũi của quân đội Thái Lan và Myanmar được nhấn mạnh bởi lời thỉnh cầu từ Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing gửi đến Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha mong ủng hộ chính quyền của mình trong vòng những ngày sau khi lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

quan-he-than-tinh-giua-thong-tuong-aung-hlaing-voi-thai-lan.jpg
Tướng Min Aung Hlaing (giữa) đi bên cạnh ông Prayuth Chan-ocha khi còn là Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan trong cuộc gặp tại trụ sở Quân đội Hoàng gia Thái Lan vào ngày 4.7.2014

Đại tướng Prayuth Chan-ocha cũng nắm quyền ở Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014 khi còn là tổng tư lệnh quân đội, sau đó đảm nhận vai trò Thủ tướng vào năm 2019 và bác bỏ cáo buộc của phe đối lập rằng cuộc bỏ phiếu đã bị thao túng.

Mối quan hệ cá nhân đã bắt đầu sớm hơn nhiều khi quân đội hai nước dường như từ lâu đã bỏ lại đằng sau sự cạnh tranh lịch sử giữa hai quốc gia từng được gọi là Miến Điện và Xiêm.

Năm 2018, Min Aung Hlaing đã được Nhà vua Thái Lan trao tặng Huân chương Voi trắng cao quý nhất “để vinh danh sự hỗ trợ mà ông ấy đã thể hiện với quân đội Thái Lan”, tờ Bangkok Post cho biết vào thời điểm đó.

Lalita Hingkanonta, Giáo sư lịch sử tại Đại học Kasetsart (Thái Lan) cho biết: “Đối với họ, tình anh em trong quân đội là rất, rất quan trọng. Tôi không nghĩ rằng sự leo thang của bạo lực sẽ thay đổi quyết định của Chính phủ Thái Lan về việc tiếp nhận thêm người tị nạn... Tôi nghĩ họ chỉ muốn làm bạn với Myanmar nhiều hơn”.

Thái Lan có khả năng có nhiều cổ phần ở Myanmar hơn bất kỳ thành viên nào khác của ASEAN, vì nước này có chung đường biên giới dài 2.400 km. Đây cũng là đường biên giới dài nhất của Myanmar với bất kỳ nước láng giềng nào.

Vị trí địa lý và truyền thống ngoại giao thận trọng là những lý do khiến Myanmar đặc biệt quan tâm đến các nhận xét về cuộc đảo chính. Thái Lan chỉ dùng ngôn từ mạnh hơn hơn một chút sau khi số dân thường thiệt mạng lên đến 500 trong cuộc đàn áp của quân đội Myanmar với những người biểu tình chống đảo chính.

Cách nói của Thái Lan vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với nước quốc gia ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Rủi ro ở biên giới hai nước được nhấn mạnh bởi sự gia tăng của vài ngàn người tị nạn trong tuần này chạy trốn sau cuộc không kích của máy bay quân sự Myanmar vào lực lượng phiến quân người Karen. Đây là một cuộc di cư gợi nhớ đến hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi các cuộc chiến của Myanmar những thập kỷ trước.

Thái Lan phủ nhận việc đẩy những người tị nạn mới nhất về lại Myanmar, song họ phàn nàn vì bị lực lượng biên phòng Thái Lan chặn lại. Một quan chức Thái Lan nói trong cuộc họp báo rằng có chính sách chính thức cấm người từ Myanmar nhập cảnh.

Trong khi Thái Lan có thể phải chịu áp lực ngoại giao để chấp nhận người tị nạn từ Myanmar hoặc có lập trường cứng rắn hơn, Giáo sư Lalita Hingkanonta nói rằng chính phủ của Prayuth Chan-ocha khó có thể bị lay chuyển.

Họ sẽ làm điều gì đó để đối phó với áp lực quốc tế, sẽ làm một số việc nhỏ, chỉ để cho thấy rằng, chúng tôi đang đáp ứng rất tốt mối quan tâm của bạn”, Lalita Hingkanonta nói.

Liên kết kinh doanh giữa hai nước cũng mạnh mẽ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar của các doanh nghiệp Thái Lan chỉ xếp sau Trung Quốc và Singapore, với hơn 11 tỉ USD được phê duyệt kể từ năm 1988.

Thương mại xuyên biên giới hàng năm đạt hơn 9 tỉ USD vào năm 2019 và nhiều doanh nghiệp Thái Lan phụ thuộc vào lao động nhập cư Myanmar (khoảng 1,6 triệu người).

Thái Lan thậm chí còn quan trọng hơn với Myanmar, chiếm gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, chủ yếu là khí đốt tự nhiên.

Tuy nhiên, Thái Lan không có khả năng sử dụng đòn bẩy kinh tế tiềm năng của mình để thực hiện bất kỳ lệnh trừng phạt thương mại nào với Myanmar, theo Piti Srisangnam, thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).

Ông Piti Srisangnam gợi ý rằng Thái Lan tốt nhất nên theo đuổi chính sách ngoại giao đằng sau hậu trường, cố gắng khuyến khích các tướng lĩnh của Myanmar kiềm chế bạo lực và tiến hành đàm phán với những thường dân đang bị giam giữa hoặc gán cho là tội phản quốc.

Nếu có một người bạn đã biết từ rất lâu và một ngày anh ta phạm tội giết người, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không làm bạn với anh ta, phải không? Hai người vẫn là bạn, nhưng điều tốt nhất là nói chuyện với anh ấy, để chứng tỏ rằng điều anh ta làm là rất sai trái”, Piti Srisangnam nói.

Quân đội Myanmar kêu gọi dân bỏ trốn về quê

The Global New Light of Myanmar, tờ báo nhà nước đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của chính phủ quân sự Myanmar, đăng tuyên bố chính thức kêu gọi người dân quay trở lại các khu vực quê hương mình. Tuyên bố nhắm vào "một số thanh niên sinh viên, nhân viên nhà nước và công dân" đã chạy đến các khu vực do các tổ chức vũ trang dân tộc hoặc nước ngoài kiểm soát do bị các thành viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi và những người khác ủng hộ chính phủ dân cử trước đây "đe dọa".

The Global New Light of Myanmar nói rằng Hội đồng Hành chính Nhà nước, tên chính thức của quân đội Myanmar sau khi nắm quyền, sẽ thu xếp họ đến các vùng khác nhau của Myanmar  và hứa rằng họ có thể quay trở lại "mà không phải đối mặt với hành động nào được thực hiện theo đúng quy định với pháp luật".

Hôm nay, khoảng 50 thanh niên biểu tình ở thị trấn Sanchaung, phía bắc Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar đã bị lực lượng an ninh bao vây. Các lực lượng được cho là đã nổ súng 20 lần và ít nhất 2 người chết.

Các nhân chứng ở Yangon cho biết 7 người biểu tình đốt các tập sách có chứa hiến pháp hôm 1.4 đã bị cảnh sát bắt.

7 người này nằm trong số những người biểu tình trên khắp đất nước hoan nghênh động thái của Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh (CRPH), quốc hội song song được công chúng Myanmar công nhận, đã tuyên bố bãi bỏ hiến pháp năm 2008 hôm 1.4..

quan-he-than-tinh-giua-thong-tuong-aung-hlaing-voi-thai-lan2.jpg
Hiến pháp năm 2008 của Myanmar bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở Yangon vào ngày 1.4

Một cô gái Rohingya 14 tuổi đang cư trú bất hợp pháp tại bang Assam, đông bắc Ấn Độ đã chính thức bị trục xuất về Myanmar. Cô gái được cho là người Rohingya đầu tiên hồi hương từ Ấn Độ sau khi quân đội Myanmar tổ chức cuộc đảo chính vào ngày 1.2.

Trẻ vị thành niên này đã nhập cảnh vào Ấn Độ 2 năm trước, sau cuộc đàn áp của quân đội Myanmar với người Rohingya ở bang Rakhine.

Bài liên quan
Vì sao Singapore ‘to tiếng’ với Myanmar?
Dù hiếm khi dùng giọng điệu cứng rắn hay thể hiện vai trò đối ngoại quá nổi bật, Singapore đã lên tiếng mạnh mẽ trước tình trạng "đổ máu" tại Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
33 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ thân tình của Thống tướng Aung Hlaing với Thái Lan, quân đội Myanmar kêu gọi dân bỏ trốn về quê