Đại sứ Myanmar ở Liên Hợp Quốc - Kyaw Moe Tun thúc giục cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một trong những nhà đầu tư lớn nhất Myanmar là Nhật Bản, nên ngay lập tức cắt đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục.

Đại sứ Myanmar ở LHQ mong các nước dừng đầu tư: ‘Cứu mạng người phải ưu tiên hơn làm giàu cho quân đội’

Nhân Hoàng | 02/04/2021, 10:07

Đại sứ Myanmar ở Liên Hợp Quốc - Kyaw Moe Tun thúc giục cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một trong những nhà đầu tư lớn nhất Myanmar là Nhật Bản, nên ngay lập tức cắt đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục.

Cách đây 1 tháng đã bất chấp lệnh của quân đội và đưa ra lời tố cáo sâu sắc về việc đảo chính tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Kyaw Moe Tun ngồi lại với trang Nikkei hôm 1.4 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở quê nhà và chia sẻ thông điệp của mình về nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.

Ông Kyaw Moe Tun nói: “Thời gian thực sự quan trọng với người dân Myanmar. Chúng tôi cần cứu mạng sống của những thường dân vô tội, vì vậy chúng tôi tiếp tục khẩn cầu, chúng tôi tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp mạnh nhất có thể để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ người dân Myanmar”.

Cuộc khủng hoảng ở Myanmar tiếp tục leo thang sau khi cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1.2 và đến nay đã ghi nhận ít nhất 536 dân thường thiệt mạng. Việc quân đội Myanmar giết hại dân thường vô tội, bao gồm cả trẻ em, đã dẫn đến đợt chỉ trích và trừng phạt mới từ cộng đồng quốc tế.

Ông Kyaw Moe Tun đã cầu xin cộng đồng quốc tế ngay lập tức cung cấp sự bảo vệ cho người dân Myanmar "khỏi những tội ác chống lại loài người do quân đội gây ra". Điều này bao gồm viện trợ nhân đạo, thiết lập các khu vực cấm bay trong nước, cắt nguồn tài chính cho chế độ quân sự và đình chỉ đầu tư trực tiếp nước ngoài - những lời thỉnh cầu mà ông Kyaw Moe Tun đã đưa ra trong bức thư ngày 29.3 gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Giải quyết mối lo ngại của một số quan sát viên quốc tế rằng các lệnh trừng phạt kinh tế trên diện rộng cũng có thể làm tổn hại đến phúc lợi của người dân Myanmar, nhà ngoại giao chỉ ra tính cấp bách và nghiêm trọng của tình hình trên thực tế.

Hiệu ứng lan tỏa chắc chắn sẽ có, vì vậy lời thỉnh cầu mà chúng tôi có thể đưa ra là làm cho nó ở mức tối thiểu. Nhưng hãy nhìn vào tình hình mà chúng ta đang phải đối mặt: Người bị giết, người bị sát hại, người bị bắt tùy tiện và người bị đánh đập", ông Kyaw Moe Tun nói.

So sánh là giữa tác động kinh tế và nhu cầu cứu sống, ông Kyaw Moe Tun nói tác động với nền kinh tế có thể được giải quyết ở giai đoạn sau.

Giữa các cuộc biểu tình và đàn áp đẫm máu của giới lãnh đạo quân sự, nền kinh tế Myanmar đã trở nên tồi tệ.

Đại sứ Myanmar ở Liên Hợp Quốc bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ Nhật Bản, chỉ ra lịch sử quan hệ lâu đời và gắn bó của hai nước. Kyaw Moe Tun cho biết ông cũng rất bất ngờ và xúc động trước làn sóng ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhiều người đã xuống đường phản đối cuộc đảo chính. Song, ông Kyaw Moe Tun cũng hy vọng sẽ được chứng kiến ​​những hành động cứng rắn hơn từ Nhật.

Ông nói: “Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Myanmar, và vì vậy hãy xem xét lại, tạm dừng liên kết kinh doanh với Myanmar cho đến khi nền dân chủ quay trở lại với đất nước. Sau đó là lĩnh vực ngân hàng: Hãy nhìn vào các dòng tài chính đổ vào chế độ quân sự. Hãy loại bỏ chúng đi”.

dai-su-myanmar-o-lhq-mong-cac-nuoc-dung-dau-tu.jpg
Đại sứ Myanmar ở Liên Hợp Quốc - Kyaw Moe Tun đã có bài phát biểu gay gắt trước Đại hội đồng chống lại chế độ quân sự vào ngày 26.2

Kyaw Moe Tun cũng nhấn mạnh tầm quan trọng từ phản ứng của Mỹ với cuộc khủng hoảng, hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mà họ đã áp đặt cho đến nay, bao gồm động thái gần đây đình chỉ tất cả giao dịch thương mại của Mỹ với Myanmar.

Dòng chảy thương mại của Mỹ với Myanmar tương đối hạn chế. Song, Kyaw Moe Tun cho rằng phản ứng từ chính quyền Biden là quan trọng vì "bất kỳ hành động nào của Mỹ sẽ là tấm gương vững chắc cho các quốc gia khác noi theo".

Với Trung Quốc, ông Kyaw Moe Tun chỉ ra rằng có một nhận thức trong người dân Myanmar rằng Bắc Kinh đứng về phía chế độ quân sự. "Vì vậy, những gì tôi thấy là bây giờ là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc thể hiện rằng họ đang ở bên người dân, không phải với quân đội", ông nói.

Để đạt được điều này, Trung Quốc có thể lên án cuộc đảo chính quân sự và bạo lực do quân đội gây ra, từ chối công nhận chế độ quân sự, ngừng giao dịch với họ về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao, ông Kyaw Moe Tun nói.

Về vai trò của ASEAN, trong đó Myanmar là thành viên, ông Kyaw Moe Tun nói rằng "chúng tôi đánh giá cao vai trò của ASEAN, nhưng đồng thời cũng phải thực tế về việc ASEAN có thể giúp đỡ bao nhiêu trong tình hình khó khăn này".

Ông hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc có một nỗ lực chung với sự hỗ trợ của các nước ASEAN, bất chấp căng thẳng sâu sắc giữa hai cường quốc.

Khi được hỏi liệu có hài lòng với tuyên bố của Hội đồng Bảo an, trong đó không gọi cuộc tiếp quản quân sự là đảo chính hay không, Kyaw Moe Tun nói ông hiểu rằng ngôn ngữ như vậy rất khó đưa vào một tuyên bố báo chí, mà cần phải có sự đồng thuận giữa các thành viên.

Trong một bài phát biểu bất thường trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 26.2, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi các quốc gia thành viên khác "sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào" để hành động chống lại chế độ quân sự và bảo vệ người dân Myanmar, nói rằng "cuộc đảo chính phải thất bại".

Ông Kyaw Moe Tun kết thúc bài phát biểu của mình bằng động tác chào bằng ba ngón tay - động tác trong phim The Hunger Games đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến ở Myanmar. Lãnh đạo quân đội sau đó tuyên bố sa thải Đại sứ ở Liên Hợp Quốc nhưng ông
Kyaw Moe Tun không quan tâm và đến giờ vẫn đảm nhiệm chức vụ này.

"Tôi được chỉ định bởi chính phủ được bầu cử, vì vậy cách duy nhất có thể loại bỏ tôi là bởi chính phủ được bầu cử", ông Kyaw Moe Tun nói với trang Nikkei.

Kyaw Moe Tun cho biết ông không lo lắng về sự an toàn của mình, đang nhờ sự hỗ trợ từ Mỹ với tư cách là nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng người Myanmar địa phương tại đây.

Nghĩ rằng mình nên sử dụng cơ hội này để có tác động tối đa đến cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Kyaw Moe Tun đã trao đổi với Christine Schraner Burgener (đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar) rằng ông hy vọng tuyên bố của bà sẽ "mạnh mẽ nhất có thể".

Vào ngày hôm đó, bà Christine Schraner Burgener kêu gọi các quốc gia không công nhận tính hợp pháp với chế độ quân sự lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính. Bà Burgener nói rằng cuộc đảo chính là sự vi phạm rõ ràng hiến pháp của đất nước.

Hôm 31.1, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar yêu cầu Hội đồng Bảo an hành động để tránh tình trạng 'tắm máu' ở Myanmar.

Bà Christine Schraner Burgener nói trong phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên rằng quân đội nắm chính quyền ở Myanmar vào ngày 1.2 không đủ khả năng quản lý đất nước và cảnh báo tình hình trên thực tế sẽ chỉ tồi tệ hơn.

Hãy xem xét tất cả các công cụ hiện có để thực hiện hành động tập thể và làm những gì đúng, những gì người dân Myanmar xứng đáng và ngăn chặn thảm họa đa chiều ở trung tâm châu Á.

Hội đồng phải xem xét hành động quan trọng tiềm tàng để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì một cuộc tắm máu sắp xảy ra”, bà Burgener cho hay.

Bài liên quan
‘Thế giới cần biết các dân tộc thiểu số cũng đang bị quân đội Myanmar đàn áp, cướp đất’
Hầu như không được thế giới bên ngoài biết đến nhưng quân đội Myanmar cũng đang đàn áp những người dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, theo Denis D. Gray. Ông là cựu phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ), viết về các dân tộc thiểu số của Myanmar từ những năm 1970.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại sứ Myanmar ở LHQ mong các nước dừng đầu tư: ‘Cứu mạng người phải ưu tiên hơn làm giàu cho quân đội’