Theo kế hoạch, ngày 13.6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự luật còn có ý kiến trái chiều.
Mấu chốt trong lần sửa luật này liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội hay Chính phủ trong việc quyết các danh mục đầu tư công trung hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tiếp thu đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, Quốc hội sẽ quyết định tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo tại kỳ họp gần nhất.
Phương án 2, Quốc hội chỉ quyết định danh mục dự án quan trọng quốc gia còn lại, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các nguồn từ ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, cả 2 phương án đều không quá bán. Như vậy, Quốc hội sẽ tiếp tục tiếp thu, thảo luận và xin ý kiến.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng nếu để Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục thì không những khối lượng quyết định quá lớn mà còn khó sâu sát và kém linh hoạt.
Theo đó, ông Hà cho rằng Quốc hội nên tập trung những nội dung trọng yếu, tổng vốn đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, danh mục, mức vốn, dự án quan trọng của quốc gia, đồng thời phân công để thực hiện hậu kiểm, giám sát.
“Tôi cho rằng chúng ta nên điều chỉnh dự thảo Luật Đầu tư công theo hướng: Những thay đổi mang tính khách quan như trượt giá, thay đổi tỉ giá mà không thay đổi quy mô hay mục tiêu thì không cần trình lại chủ trương đầu tư đối với dự án”, ông Hà đề xuất.
Theo TS Võ Trí Hảo từ Đại học Kinh tế TP.HCM, thông lệ quốc tế là chuyển hết quyền về Quốc hội vì Quốc hội với vai trò là một cơ quan dân cử, sẽ phải làm hai việc: huy động tiền cho Chính phủ (bằng cách ban hành các luật liên quan đến thuế, phí) và quyết định việc chi tiền.
“Nhân dân sẵn sàng đóng thuế nếu việc chi dùng là hợp lý và Quốc hội cũng sẵn sàng huy động và duyệt một định mức chi ngân sách cao nhưng phải biết rõ ngân sách đó sử dụng vào việc gì. Không thể chia quyền quyết định danh mục đầu tư được. Tôi cho việc chia là không ổn, kỷ luật ngân sách sẽ khó kiểm soát”, ông Hảo nói.
Như vậy, chuyên gia này cho rằng để giải quyết việc quá tải thì Quốc hội sẽ phải tin tưởng vào các cơ quan của mình như Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Kinh tế. Còn về dài hạn thì thực tế trên đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa Quốc hội.
Cũng theo ông Hảo, Quốc hội phải hoạt động theo mô hình của thời bình chứ không thể duy trì mãi mô hình thời chiến. Đại biểu chuyên trách trong Quốc hội hiện chỉ khoảng 30% chỉ thích hợp trong thời chiến, vì triệu tập đại biểu gặp khó khăn vì sợ địch ném bom. Còn giờ hòa bình rồi, tại sao lại duy trì một tỷ lệ thấp như vậy?
“Nếu đưa các đại biểu chuyên trách lên 60% - 70% thì năng lực Quốc hội sẽ tăng lên. Tăng số người có chuyên môn, dành 100% thời gian cho nghiên cứu và xử lý công việc Quốc hội thì sẽ đủ ngay thôi”, ông Hảo nêu.
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết ông hoàn toàn đồng ý thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc về Quốc hội.
“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách và vấn đề đầu tư. Tuy nhiên trong thực tiễn, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả 5 năm, còn Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, khối lượng dự án 5 năm đối với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi là rất lớn. Nếu nhiệm kỳ tới cũng khoảng chừng đó dự án thì đây sẽ là một khối lượng rất lớn nếu Quốc hội muốn tự quyết danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Chúng ta đều biết rằng trong thực tế, các dự án thường phải điều chỉnh, ví dụ do đấu thầu thừa ra khoảng 10 tỉ hay một dự án điều chỉnh về tên gọi. Việc điều chỉnh này là hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn hợp pháp, hợp lý. Điều bất lợi là dù chỉ thay đổi nhỏ, chúng ta vẫn phải báo cáo lại Quốc hội. Mỗi một dự án chỉ cần điều chỉnh 3, 4, 5 lần thì nhân 10.000 dự án lên… sẽ rất nặng nề cho Quốc hội”, Bộ trưởng Dũng phân tích.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng Chính phủ muốn Quốc hội giao việc này cho Chính phủ thực hiện. Và đây là việc Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm.
“Quốc hội vẫn phải đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất, là quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm đó là bao nhiêu, cơ cấu đầu tư thế nào, ngành nào, địa phương nào, vùng miền nào, tiêu chí, nguyên tắc ra sao, thứ tự ưu tiên ra sao thì Quốc hội phải quyết và Quốc hội phải giữ.
“Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết, chứ Chính phủ không thể ra ngoài. Tôi nghĩ nếu giao được như vậy cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội. Vì Quốc hội một năm có 2 kỳ, mỗi kỳ 1 tháng mà có biết bao nội dung, biết bao công việc, nếu chúng ta chỉ sa đà vào thực hiện một việc thế này, tôi nghĩ rất là khó cho Quốc hội và tính khả thi yếu đi”, Bộ trưởng nói.
Sơn Lam