Sản lượng các thiết bị điện tử quan trọng của Trung Quốc sụt giảm trong quý 1/2023 dù nền kinh tế nói chung phục hồi tích cực. Điều này cho thấy sự không đồng đều trong quá trình phục hồi của Trung Quốc.

Sản lượng chip, smartphone và PC của Trung Quốc sụt giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP

Sơn Vân | 18/04/2023, 16:53

Sản lượng các thiết bị điện tử quan trọng của Trung Quốc sụt giảm trong quý 1/2023 dù nền kinh tế nói chung phục hồi tích cực. Điều này cho thấy sự không đồng đều trong quá trình phục hồi của Trung Quốc.

Sản lượng chất bán dẫn giảm gần 15% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm 18.4.

Sản lượng smartphone của Trung Quốc cũng giảm 13,8% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022, do các thương hiệu địa phương như Oppo, Vivo và Xiaomi phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng khó khăn về doanh số đã ảnh hưởng đến thiết bị cầm tay Android trong hơn một năm qua.

Ngoài doanh số bán hàng trong nước này sụt giảm, căng thẳng thương mại với Mỹ đang ngày càng thúc đẩy các thương hiệu điện tử như Apple tìm kiếm các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Lĩnh vực sản xuất công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam. Đó là hai trong số các địa điểm ở châu Á được các nhà lắp ráp điện tử sử dụng để đa dạng hóa địa lý hoạt động của họ ngoài Trung Quốc.

Việc chính quyền Biden hạn chế thương mại với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cũng hạn chế tham vọng chip của Bắc Kinh, vì các nhà sản xuất địa phương không còn khả năng tiếp cận một số công nghệ để chế tạo chip tiên tiến.

Sản lượng các máy tính nhỏ như PC giảm mạnh nhất trong số các loại sản phẩm điện tử quan trọng được tiết lộ trong báo cáo. Sự suy giảm sản lượng điện tử đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tổng sản lượng công nghiệp Trung Quốc, chỉ tăng 3,9% vào tháng 3. Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Cổ phiếu SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) đã giảm tới 5,5% tại Hồng Kông sau khi dữ liệu được công bố. Cổ phiếu Xiaomi đã giảm 2%.

san-luong-chip-va-smartphone-cua-trung-quoc-sut-giam.jpg
Sản lượng chip, smartphone và PC của Trung Quốc sụt giảm trong quý 1/2023 - Ảnh: Internet

Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 22,9% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại và chính quyền Biden gia tăng nỗ lực hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang cường quốc châu Á.

Trung Quốc đã nhập khẩu 108,2 tỉ IC (mạch tích hợp) từ tháng 1 đến tháng 3, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố.

Tổng giá trị nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 26,7% xuống còn 78,5 tỉ USD, giảm từ 107,1 tỉ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan. Sự sụt giảm lớn hơn về giá trị nhập khẩu phản ánh thực tế là giá chip đã giảm vào năm nay trong bối cảnh dư cung và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Trong quý 1/2022, tổng lượng IC nhập khẩu của Trung Quốc giảm 9,6% so với cùng kỳ 2021 xuống 140,3 tỉ chiếc, còn tổng giá trị chip nhập khẩu tăng 14,6% do giá cả cao hơn một năm trước đó.

Xuất khẩu IC của Trung Quốc trong quý 1/2023 đã giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 60,9 tỉ chiếc, so với mức giảm 4,6% một năm trước. Tổng giá trị chip xuất khẩu của Trung Quốc trong quý 1/2023 giảm 17,6%.

Dữ liệu thương mại mới nhất phản ánh căng thẳng địa chính trị và các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ với Trung Quốc đã ảnh hưởng như thế nào đến các giao dịch bán dẫn giữa nước châu Á này và phần còn lại của thế giới.

Kể từ cuối năm ngoái, Mỹ đã thực hiện các biện pháp hạn chế khả năng Trung Quốc sản xuất chip và tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến, với lý do an ninh quốc gia.

Tháng 10.2022, Cục Công nghiệp và An ninh, cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đã cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhắm vào khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển và bảo trì siêu máy tính cũng như sản xuất chất chip tiên tiến được sử dụng trong các ứng dụng quân sự, gồm cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hồi tháng 1, rộ tin Mỹ đã đạt được thỏa thuận chung với Nhật Bản và Hà Lan để phối hợp kiểm soát xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Trong khi đó, Liên minh Chip 4 do Mỹ đề xuất, gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, đang hình thành.

Tuy nhiên, dữ liệu xuất và nhập khẩu chip tháng 3 có sự cải thiện nhẹ so với hai tháng đầu năm 2023. Điều này phản ánh xu hướng phục hồi rộng lớn hơn trong các hoạt động sản xuất của Trung Quốc sau khi nới lỏng các chính sách kiểm soát đại dịch từ tháng 12.2022.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc ghi nhận mức cao hơn dự kiến là 51,9 vào tháng 3, so với 48 vào tháng 11.2022, với các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “đi đúng hướng” để phục hồi sau khi mở cửa trở lại.

Cuối tháng 3, chính phủ Nhật Bản cho biết có kế hoạch hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn, nhằm đưa các quy định kiểm soát thương mại công nghệ nước này vào cùng hướng với nỗ lực của Mỹ hạn chế Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với 6 loại thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip, bao gồm cả làm sạch, lắng đọng, in thạch bản và khắc.

Theo Reuters, Bộ này không nêu tên Trung Quốc là mục tiêu của những biện pháp đó, nói rằng các nhà sản xuất thiết bị sẽ cần phải xin phép xuất khẩu cho tất cả khu vực.

"Chúng tôi đang hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia công nghệ để đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế", Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo, nói thêm rằng mục tiêu của họ là ngăn chặn công nghệ tiên tiến được sử dụng cho mục đích quân sự.

Sẽ có hiệu lực vào tháng 7, các hạn chế xuất khẩu có khả năng ảnh hưởng đến thiết bị do nhiều công ty Nhật Bản sản xuất, chẳng hạn Nikon Corp, Tokyo Electron Ltd, Screen Holdings Co Ltd và Advantest Corp.

"Chúng tôi cho rằng tác động với các công ty trong nước sẽ hạn chế. Chúng tôi không nghĩ đến một quốc gia cụ thể nào với các biện pháp này", Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo.

Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi Mỹ vào tháng 10.2022 áp đặt các hạn chế sâu rộng việc xuất khẩu công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc với lý do lo ngại rằng nước này có kế hoạch sử dụng chất bán dẫn tiên tiến để tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, Mỹ cần Nhật Bản và Hà Lan, hai nhà cung cấp chính các thiết bị như vậy, tham gia để những hạn chế đó có hiệu lực.

Các nguồn tin trước đó cho biết Nhật Bản và Hà Lan vào tháng 1 đã đồng ý cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc có thể được sử dụng để tạo chip dưới 14 nanomet, nhưng không công bố hiệp ước này để tránh chọc giận Bắc Kinh. Nhật Bản chưa bao giờ công khai thừa nhận rằng đã có một thỏa thuận.

Một nanomet (một phần tỉ mét) dùng để chỉ công nghệ cụ thể của ngành bán dẫn, với ít nanomet hơn đồng nghĩa chip tiên tiến hơn.

Từng thống trị sản xuất chip nhưng đã chứng kiến thị phần toàn cầu giảm xuống còn khoảng 10%, Nhật Bản vẫn là nhà cung cấp chính máy sản xuất chip và vật liệu bán dẫn.

Tokyo Electron và Screen Holdings tạo ra khoảng 1/5 công cụ sản xuất chip trên thế giới, còn Shin-Etsu Chemical Co Ltd và Sumco Corp sản xuất hầu hết các tấm silicon.

Hồi tháng 3, chính phủ Hà Lan cũng cho biết có kế hoạch hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Công ty ASML của Hà Lan là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất châu Âu. ASML gần như độc quyền trong việc sản xuất các máy in thạch bản tiên tiến, cần thiết cho việc sản xuất các chip tiên tiến.

Vào ngày 8.3, chính phủ Hà Lan thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu máy in thạch bản bằng tia cực tím sâu (DUV) sang Trung Quốc. Đây là những máy tiên tiến thứ hai của ASML.

ASML chưa bao giờ xuất khẩu những máy tiên tiến nhất của công ty, máy in thạch bản cực tím (EUV), sang Trung Quốc.

Với sự phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ đã kết luận rằng an ninh quốc gia cần phải mở rộng kiểm soát xuất khẩu hiện có với thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể”, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher viết trong thư gửi cho các nhà làm luật Hà Lan.

ASML gửi 18% số đơn đặt hàng đến Trung Quốc, theo trang Politico Europe. Điều này cho thấy Trung Quốc là một thị trường quan trọng với ASML.

Trong bức thư gửi các nhà làm luật Hà Lan, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher nói rằng lệnh cấm sẽ “ngăn hàng hóa Hà Lan góp phần vào mục đích sử dụng cuối không mong muốn, chẳng hạn như triển khai quân sự hoặc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Cùng với hãng sản xuất bản in thạch bản Nikon Corp và nhà cung cấp công cụ sản xuất chip Tokyo Electron (đều ở Nhật Bản), ASML được cho là công ty quan trọng nhất với nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Chính phủ Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra nhiều hạn chế hơn trong mùa hè.

Bài liên quan
Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách nhập khẩu chip của Mỹ vào tháng 2
Trong tháng 2, Việt Nam chiếm 11,6% lượng chip được Mỹ nhập khẩu, nhiều thứ ba thế giới sau Malaysia và Đài Loan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản lượng chip, smartphone và PC của Trung Quốc sụt giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP