Block nhĩ thất độ 3 là một dạng rối loạn nhịp hiếm gặp. Việc khởi phát block nhĩ thất độ 3 trong thai kỳ lại càng hiếm gặp. Nhưng một sản phụ ở Hậu Giang vừa mắc chứng bệnh này.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, block nhĩ thất độ 3 có thể liên quan đến các bất thường bẩm sinh về tim sẵn có, như nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim, thuốc hoặc các rối loạn chuyển hóa hay rối loạn miễn dịch. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp gồm có mệt mỏi, nặng đầu, đau đầu, đánh trống ngực, khó thở và ngất.
Nếu bệnh nhân có thai, có thể bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh cho thai, tăng nguy cơ tử vong khi chuyển dạ cho cả mẹ và con. Đáng lưu ý là có gần 1/3 người bị block nhĩ thất độ 3 không có triệu chứng lâm sàng, dẫn đến việc bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán trễ.
Ngay sáng 15.1, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết vừa có một sản phụ mắc chứng bệnh này. Đó là sản phụ Nguyển Thị Thúy A. (25 tuổi, ngụ H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Trước đó sản phụ A. được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán chuyển dạ sớm, thai 39 tuần 2 ngày - block nhĩ thất độ 3 - Nhịp thoát bộ nối 50 lần.
Qua khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm... các bác sĩ nhận định sản phụ chuyển dạ sanh có dịch ối lẫn phân xu, có chỉ định mổ cấp cứu lấy thai trên nền bệnh lý rối loạn nhịp chậm nặng. Nhận định đây là một trường hợp có bệnh phối hợp phức tạp, cần xử trí cấp cứu, nên các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn bệnh viện với các chuyên khoa.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu với điều kiện bắt buộc đặt máy tạo nhịp tạm thời trước để đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật. Theo BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong các rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong.
Do đó, đặt máy tạo nhịp tim là lựa chọn điều trị tối ưu ở những bệnh nhân có triệu chứng hoặc có nguy cơ tim mạch cao. Tình trạng block nhĩ thất độ 3 với nhịp tim chậm như vậy, nếu tiến hành phẫu thuật cấp cứu như trường hợp của sản phụ A. thì nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao. Vì vậy để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ quyết định cần phải đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật cho sản phụ.
Sau khi thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân tăng lên 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật. Thời gian thực hiện đặt máy tạo nhịp là 25 phút. Và êkíp y bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Kết quả, sản phụ “vượt cạn” thành công, với 1 bé trai nặng 2,6kg. Hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, vết mổ khô, nhịp tim ổn định 60 lần/phút.
Phong Phạm