Cuộc gặp giữa Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia với Thủ tướng Albin Kurti của Kosovo đã không đạt thỏa thuận nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, theo Deutsche Welle.
"Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Serbia-Kosovo đồng ý tiếp tục đàm phán trong những ngày tới”, ủy viên đối ngoại EU Josep Borrell cho biết.
Sau cuộc gặp do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian ở Brussels ngày 18.8, trợ lý của Tổng thống Serbia nói, ông Vucic sẽ có “một trong những bài phát biểu quan trọng nhất về vấn đề Kosovo” tại thủ đô Belgrade của Serbia vào ngày 19.8 (theo giờ châu Âu).
Giới truyền thông nhà nước Serbia đưa tin Tổng thống Vucic đã lên kế hoạch ngày 21.8 “họp khẩn cấp” với lãnh đạo cộng đồng Serbia thiểu số sống ở Kosovo.
Căng thẳng gần đây nhất giữa Serbia - Kosovo bùng lên ngày 31.7, khi chính quyền Kosovo tuyên bố giấy tờ xuất - nhập cảnh và biển số xe do Serbia cấp cho cộng đồng Serbia thiểu số sống ở phía bắc Kosovo sẽ không còn giá trị trong lãnh thổ Kosovo.
Các cụm dân Serbia sống chủ yếu ở miền bắc Kosovo đã phản ứng giận dữ với qui định trên, đặt rào chắn, gióng còi báo động không kích và bắn súng chỉ thiên và nhắm vào cảnh sát Kosovo. May mắn là không ai bị thương.
Do sức ép của phương Tây, Thủ tướng Kurti đã phải hoãn áp dụng qui định này trong một tháng, và sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1.9 tới.
Kosovo từng là một tỉnh của Serbia, năm 2008 đã tuyên bố độc lập và được hơn 100 quốc gia công nhận.
Tuy nhiên, Serbia, Nga, Trung Quốc và LHQ không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.
Serbia và Kosovo đều muốn gia nhập EU. EU cũng tuyên bố Serbia và Kosovo phải bình thường hóa quan hệ nếu hai nước muốn gia nhập EU. Từ nhiều năm qua, EU đã tổ chức nhiều vòng đàm phán để Kosovo - Serbia bình thường hóa quan hệ.
Hồi tháng 7, Kosovo nói sẽ chính thức đăng ký gia nhập EU từ cuối năm 2022.
Serbia vẫn xem Kosovo là một phần lãnh thổ. Belgrade đã cáo buộc hiến pháp Kosovo không chấp nhận cộng đồng Serbia thiểu số sống ở Kosovo. Cộng đồng này chiếm 5% trong tổng số 1,8 triệu dân ở Kosovo.
Hiện Lực lượng gìn giữ hòa bình Kosovo Force (KAFOR) do Nato lãnh đạo có khoảng 3.800 quân trú đóng ở Kosovo, đảm trách duy trì hòa bình dù mong manh. Bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào do Serbia hoặc Kosovo phát động sẽ gây ra một cuộc chiến tranh.