Các thực phẩm tươi sống để chung với nhau, khi sử dụng có thể gây ngộ độc thực phẩm, vì sự lây nhiễm chéo của các loại vi rút, vi khuẩn với nhau của những loại thực phẩm này.

Sử dụng các thực phẩm tươi sống để chung có thể gây ngộ độc

03/01/2020, 19:53

Các thực phẩm tươi sống để chung với nhau, khi sử dụng có thể gây ngộ độc thực phẩm, vì sự lây nhiễm chéo của các loại vi rút, vi khuẩn với nhau của những loại thực phẩm này.

Các thực phẩm tươi sống để chung với nhau sẽ lây nhiễm chéo vi khuẩn, vi rút gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng - Ảnh: PV

Những ngày Tết Canh Tý 2020 đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm, nhất là các thực phẩm tươi sống như: trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến của người dân rất cao.Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều bà nội trợ đi chợ, siêu thị... thường mua nhiều loại thực phẩm tươi sống để chung với nhau mang rồi về nhà chế biến sử dụng. Điều này, theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ rất nguy hiểm, vì lây nhiễm chéo vi khuẩn, vi rút gây ra ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.

“Việc lây nhiễm chéo vi khuẩn, vi rút xảy ra trong quá trình đi chợ khi mua các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua chế biến và để chung với nhau cho tiện việc đem các thực phẩm mua được từ chợ về nhà. Kết quả cuối cùng sau khi bị lây nhiễm chéo với nhau có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng”, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm chia sẻ.

Phân tích của các chuyên gia an toàn thực phẩm cho thấy, nhiễm chéo xảy ra khi vi khuẩn và vi rút được chuyển giao từ một bề mặt bị nhiễm khuẩn đến một bề mặt khác chưa bị nhiễm. Các vi khuẩn và vi rút có thể truyền từ con người, các bề mặt của các thiết bị nơi làm việc và giữa các loại thực phẩm với nhau.

Thực phẩm lây nhiễm chéo xảy ra khi vi khuẩn từ bề mặt của thịt sống, gia cầm, rau sống với bụi bẩn nhìn thấy được bị lây nhiễm sang các thực phẩm không qua chế biến, chẳng hạn như xà lách ăn sống, gạo, mì ống xà lách, thịt hay gia cầm nấu chín, hoặc thậm chí trái cây. Các vi khuẩn trên thực phẩm tươi sống bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín, nhưng chúng sẽ còn lại đối với các thực phẩm ăn sống mà không cần nấu thêm.

Ngoài ra, bàn tay cũng là một trong số các thủ phạm rõ ràng nhất trong việc chuyển vi khuẩn từ các thực phẩm chưa được nấu chín sang các thực phẩm không qua chế biến, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chưa chế biến, thớt bẩn, dao và đồ dùng nấu ăn khác cũng có thể lây nhiễm.

Thậm chí khi lưu trữ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chưa chế biến trong tủ lạnh, để chúng tiếp xúc trực tiếp với các thực phẩm đã được nấu chín, làm cho nước của thịt sống chảy ra và nhỏ giọt lên các thực phẩm đã được nấu, trái cây hay những thực phẩm không qua chế biến khác cũng có thể gây nhiễm chéo.

Để hạn chế thực phẩm bị nhiễm chéo gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân nên sử dụng vật liệu bao gói để chứa đựng thực phẩm tươi sống.

Sử dụng bao gói hợp vệ sinh chứa đựng tách biệt các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm không qua chế biến ngay khi mua tại chợ để hạn chế việc vi khuẩn, vi rút lây nhiễm từ bề mặt thực phẩm tươi sống (thịt sống, gia cầm, rau củ với bụi bẩn nhìn thấy được) sang các thực phẩm không qua chế biến (các loại rau ăn sống, thịt hay gia cầm đã được nấu chín và trái cây).

Dụng cụ sơ chế, chế biến phải được vệ sinh trước khi dùng và sau khi sử dụng (nhất là khi sử dụng cho các thực phẩm tươi sống) bằng nước rửa chén hoặc nước nóng, phơi khô các dụng cụ sau khi rửa để hạn chế các dụng cụ đó không bị gỉ sét hay bị nấm mốc bám trên bề mặt dụng cụ.

Các loại thực phẩm, như thịt gia súc, gia cầm hay cá phải được lưu trữ trong một hộp nhựa cứng hoặc để ở dưới cùng của tủ lạnh để ngăn không cho tiếp xúc với các thực phẩm không qua chế biến hoặc để nước thịt không được nhỏ giọt vào thực phẩm khác. Các thực phẩm không qua chế biến khác cần phải được bọc cẩn thận khi để trong tủ lạnh để giảm thiểu nguy cơ rủi ro bị nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cũng lưu ý người dân khi sử dụng các thớt, đĩa và dao, nếu vừa dùng cho các thực phẩm tươi sống, chưa chế biến cần phải được rửa kỹ bằng nước ấm và xà phòng rửa chén, sau đó để cho ráo nước và để khô trước khi dùng cho các thực phẩm đã nấu chín

Ngoài ra cũng nên thay thớt khi thấy trên bề mặt của thớt đã có nhiều vết xước bởi vi khuẩn có thế mắc trong các kẽ xước đó. Giữ thớt, dao và vật chứa thực phẩm thực sự sạch sẽ và trong tình trạng tốt đảm bảo bữa ăn được an toàn vệ sinh thực phẩm bảo vệ sức khỏe bản thân và người tiêu dùng.

Nếu có điều kiện, mỗi gia đình nên có ba thớt riêng biệt dành riêng để chế biến 3 loại thực phẩm khác nhau là: thức ăn sống, thức ăn chín và trái cây, rau củ để tránh lây nhiễm chéo các vi khuẩn.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng các thực phẩm tươi sống để chung có thể gây ngộ độc