Nghiên cứu với hơn 340.000 người ở Bangladesh đưa ra một số bằng chứng thực tế mạnh mẽ nhất cho thấy việc sử dụng khẩu trang có thể giúp cộng đồng làm chậm sự lây lan COVID-19.

Thấy gì từ nghiên cứu lớn nhất về khẩu trang trong làm chậm lây lan COVID-19?

Sơn Vân | 02/09/2021, 10:59

Nghiên cứu với hơn 340.000 người ở Bangladesh đưa ra một số bằng chứng thực tế mạnh mẽ nhất cho thấy việc sử dụng khẩu trang có thể giúp cộng đồng làm chậm sự lây lan COVID-19.

Nghiên cứu được tiến hành trên 600 ngôi làng ở vùng nông thôn Bangladesh, là thử nghiệm ngẫu nhiên lớn nhất để chứng minh hiệu quả của khẩu trang y tế, đặc biệt trong việc hạn chế sự lây truyền coronavirus.

Dù các nghiên cứu trước đây, nhỏ hơn trong các phòng thí nghiệm và bệnh viện đã chỉ ra rằng khẩu trang có thể giúp ngăn chặn sự lây lan COVID-19, nhưng những phát hiện mới đã chứng minh hiệu quả đó trong thế giới thực và trên quy mô rất lớn.

Laura Kwong, Giáo sư khoa học sức khỏe môi trường tại Đại học California (thành phố Berkeley, Mỹ) và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Đây là dữ liệu chắc chắn kết hợp việc kiểm soát một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với các hành động thực tế của nhiều người trên thế giới để xem liệu chúng ta có thể khiến họ đeo khẩu trang hay không và liệu khẩu trang có hiệu quả không".

Nghiên cứu sơ bộ đã được đăng trực tuyến hôm 1.9 bởi tổ chức phi lợi nhuận Đổi mới cho Hành động Giảm nghèo và đang được đánh giá ngang hàng.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng với các quốc gia đang dựa vào các biện pháp để làm chậm sự lây lanCOVID-19 cho đến khi vắc xin sẵn có hơn. Thế nhưng cũng có những bài học có thể áp dụng cho các quốc gia như Mỹ, nơi một số cộng đồng đang đặt ra lại quy định đeo khẩu trang để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta.

"Câu hỏi chính sách mà chúng tôi đang cố gắng trả lời là: Nếu bạn có thể phân phát khẩu trang và đề nghị mọi người đeo chúng, liệu họ có làm theo?", theo đồng tác giả nghiên cứu Mushfiq Mobarak, Giáo sư kinh tế tại Đại học Yale (Mỹ).

Trong 5 tháng bắt đầu từ tháng 11.2021, Mushfiq Mobarak và các đồng nghiệp của ông đã theo dõi 342.126 người Bangladesh trưởng thành và các ngôi làng được chọn ngẫu nhiên để triển khai các chương trình quảng bá việc sử dụng khẩu trang, bao gồm phân phát khẩu trang miễn phí cho các hộ gia đình, cung cấp thông tin về tầm quan trọng của khẩu trang và củng cố việc sử dụng chúng trong cộng đồng.

Trong số khoảng 178.000 người được khuyến khích đeo khẩu trang, các nhà khoa học nhận thấy rằng việc đeo khẩu trang đã tăng gần 30% và sự thay đổi trong hành vi vẫn tồn tại 10 tuần hoặc hơn. Sau khi chương trình được thiết lập, các nhà nghiên cứu đã báo cáo giảm 11,9% các ca mắc COVID-19 có triệu chứng và giảm 9,3% tỷ lệ mắc bệnh có triệu chứng theo huyết thanh (vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện trong các xét nghiệm máu).

Dù hiệu quả có vẻ nhỏ nhưng kết quả cho thấy cái nhìn thoáng qua về mức độ quan trọng của khẩu trang, Mushfiq Mobarak nói.

Ông Mushfiq Mobarak cho hay: “Việc đeo khẩu trang tăng 30% dẫn đến giảm 10% ca COVID-19, vì vậy hãy tưởng tượng nếu có mức tăng 100% - nếu mọi người đều đeo khẩu trang và chúng ta thấy sự thay đổi 100%”.

nghien-cuu-lon-nhat-ve-khau-trang-trong-lam-cham-lay-lay-covid-19.jpg
Người phụ nữ Bangladesh đeo khẩu trang bế con

Các nhà khoa học cho biết khẩu trang làm giảm đáng kể ca nhiễm SARS-CoV-2 ở người lớn tuổi và nhận thấy rằng khẩu trang y tế hiệu quả hơn so với phiên bản vải.

Laura Kwong cho biết những phát hiện đó có thể đặc biệt quan trọng với các quốc gia như Mỹ, nơi người dân dành nhiều thời gian trong nhà hơn so với những người ở nông thôn Bangladesh.

Bà nói: “Hiện tại, nhiều nơi nói là che mặt nhưng họ không nói là che mặt kiểu gì. Nếu trường học, nơi làm việc và các không gian công cộng trong nhà khác bắt buộc đeo khẩu trang, họ nên bắt đeo khẩu trang y tế".

Ajay Sethi, nhà dịch tễ học và phó giáo sư khoa học sức khỏe dân số tại Đại học Wisconsin-Madison (không tham gia vào nghiên cứu) gọi nghiên cứu này là "được kết hợp một cách chu đáo và ấn tượng ở nhiều cấp độ khác nhau".

Ông nói thêm rằng dự án đã chứng minh rằng các chiến lược có thể được thực hiện hiệu quả trong các cộng đồng để thay đổi hành vi đeo khẩu trang. Tại Mỹ, các quan chức y tế công cộng đã phải vật lộn để quảng bá việc sử dụng khẩu trang sau khi chúng bị chính trị hóa sớm trong đại dịch.

"Hành vi chuẩn mực là những gì cần được nhắm mục tiêu. Việc sử dụng khẩu trang không chỉ cần được áp dụng, mà còn là sự hiểu biết về lý do tại sao cần sử dụng khẩu trang và nhấn mạnh rằng vi rút là nghiêm trọng", Ajay Sethi nói.

Laura Kwong và các đồng nghiệp đang mở rộng nghiên cứu của họ để bao gồm các ngôi làng và thành phố khác ở châu Á, châu Phi cận Sahara. Các nhà nghiên cứu cũng có ý định theo dõi ảnh hưởng của khẩu trang với sự lây truyền không có triệu chứng.

Tiến sĩ Isaac Bogoch, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và Phó giáo sư y khoa tại Đại học Toronto, nói nghiên cứu này giúp củng cố những gì đã biết về hiệu quả của khẩu trang, nhưng ông nhấn mạnh rằng mọi người nên xem chúng chỉ là một trong nhiều biện pháp can thiệp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan COVID-19.

Ông nói: “Chúng ta cần tiêm vắc xin, thông gió tốt hơn trong môi trường trong nhà, kiểm soát đám đông, giữ khoảng cách - tất cả những lớp bảo vệ bổ sung khác nhau này. Khẩu trang chắc chắn có ích nhưng nó phải là con đường thoát khỏi đại dịch".

Bài liên quan
CDC Mỹ: Người tiêm 2 liều vắc xin vẫn phải đeo khẩu trang để phòng biến thể Delta
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cuộc chiến chống lại COVID-19 đã thay đổi vì biến thể Delta rất dễ lây lan, đề xuất một thông điệp rõ ràng hơn, tiêm vắc xin bắt buộc cho nhân viên y tế và quay trở lại việc đeo khẩu trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ nghiên cứu lớn nhất về khẩu trang trong làm chậm lây lan COVID-19?