Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh. Quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.
5 địa phương phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước 15.9
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 6.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin (không tính nguồn COVAX).
Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15.9.
Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng liên quan. Do đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 cho năm 2022. Tiêm chủng vắc xin phải “thông minh” hơn, linh hoạt, phù hợp trong điều kiện vắc xin còn khan hiếm. Theo đó, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.
15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách mặc dù trong những tháng gần đây có xu hướng giảm nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%). Vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỉ USD, tăng 2%. Chính phủ sắp ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, dù so với mong muốn và yêu cầu thì chưa đáp ứng được.
Đến nay, đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền 8,4 nghìn tỉ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền hơn 2,1 nghìn tỉ đồng; có 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Xuất cấp 134.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai 2 triệu túi an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho biết còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế cần tiếp thu các ý kiến của người dân, của các chuyên gia để có giải pháp khắc phục.
Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến nay mới đạt 40,6% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 7,94%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm; tính chủ động, sáng tạo linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương chưa tương xứng với tình hình.
Kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9
Thủ tướng nêu rõ, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng chống dịch.
“Phải có biện pháp thu phù hợp với tình hình khi người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, có cách làm tốt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, thu thuế trực tuyến để tránh thất thu và an toàn về phòng chống dịch”, Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho hạ tầng cứng và mềm; nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt. Sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành. Các cấp, các ngành chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xuất hiện từ tình hình dịch bệnh cho doanh nghiệp.
Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm (dự kiến 2-3 triệu lượt người).
Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trong triển khai, tổ chức năm học mới phù hợp; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước; tổ chức dạy và học qua truyền hình.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu dứt khoát để các em học sinh được tiếp cận bình đẳng với giáo dục; nghiên cứu, phát động phong trào ủng hộ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Trong lúc khó khăn này, phải biến nguy thành cơ, cơ hội để đánh giá quản trị quốc gia, cơ hội đánh giá cán bộ, cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Càng trong lúc này càng phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau; huy động tối đa các nguồn lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị chú ý cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân, kiến nghị của doanh nghiệp, của đội ngũ trí thức.