Trước thềm Tết Nguyên đán 2021, nhiều chợ đầu mối ở TP.HCM đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.
Hàng Tết đã sẵn sàng
Theo ông Phan Thanh Tân, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, trung bình mỗi ngày chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ khoảng 250 tấn thực phẩm gồm: rau củ quả, thịt, thủy hải sản... Dự kiến, trong 10 đêm cận Tết Nguyên đán lượng hàng hóa về chợ có thể tăng bình quân 20%-25% so với ngày thường.
Đặc biệt, vào những đêm cao điểm nhất vào 27 và 28 tháng Chạp, sản lượng có thể tăng từ 50%-60%, đạt khoảng 3.600 đến 4.000 tấn/đêm. Mặt hàng thịt heo vào đêm cao điểm có thể tăng hơn 2 lần, mặt hàng rau củ có thể tăng gấp 2 lần và trái cây tăng gấp 4 lần so với ngày thường.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, lượng hàng về chợ hiện ổn định, dao động từ 3.200-3.400 tấn/đêm, giá một số mặt hàng bắt đầu tăng nhẹ.
Các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức cũng đã có kế hoạch đặt hàng tại các nhà vườn trước Tết, khoảng 2-3 tuần nữa các mặt hàng phục vụ Tết sẽ về chợ rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết Tân Sửu 2021 là 19.679,7 tỉ đồng, tăng 652,4 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020.
Tại chợ đầu mối, dự kiến thời điểm cận Tết Nguyên đán, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 -16.000 tấn/ngày.
Siết chặt việc kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay, lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 về TP.HCM đang rất dồi dào. Các lực lượng chức năng đang làm hết công suất để thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trước Tết 2 tháng, Ban đã thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, đặc biệt là ở các kho nguyên liệu. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đang tập trung kiểm tra nhiều ở các kênh phân phối như các chợ truyền thống, cửa hàng… Ngoài ra, đơn vị này còn kết hợp với quản lý thị trường, công an kinh tế và lực lượng kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện tăng cường kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Lan cho biết để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm Tết, rượu bia, bánh mứt, rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, các kho lạnh tích trữ thực phẩm để phục vụ Tết...
Từ đầu tháng 10.2020, đơn vị này đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận Bình Tân, Bình Thạnh, quận 5, quận 10 và huyện Bình Chánh...
Trong 2 tháng vừa qua, có tới 10% các cơ sở được kiểm tra có các vi phạm, đã được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM xử phạt hành chính.
"Cách đây vài ngày, chúng tôi phát hiện 1 kho lạnh ở quận Bình Tân chứa gần 6 tấn thực phẩm, sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ và có những biểu hiện kém chất lượng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy và xử phạt 90 triệu đồng", bà Lan thông tin.
Bà Lan còn nói rằng tại 3 chợ đầu mối gồm Chợ Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, ngoài lực lượng túc trực thường xuyên, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tăng cường thêm lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm tra hàng hóa nhập vào chợ.
Điển hình, tại chợ đầu mối Bình Điền, các lực lượng chức năng lấy 500 mẫu thủy sản kiểm tra nhanh, trong đó 300 mẫu thủy sản kiểm tra hàn the, 100 mẫu thủy sản kiểm tra formol, 100 mẫu thủy sản khô kiểm tra màu. Đối với mặt hàng rau củ quả và trái cây, Công ty chợ Bình Điền chủ động lấy mẫu tăng cường số lượng với 300 mẫu để giám sát kiểm tra chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu, chất tẩy trắng trong rau củ quả.
Đối với thịt gia súc, gia cầm, tất cả thịt heo nhập vào chợ đầu mối Bình Điền phải được đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định. Chợ đầu mối này cũng phối hợp kiểm tra giấy kiểm dịch, dấu niêm phong của lô hàng từ nơi giết mổ về chợ; kiểm tra chất lượng sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển đối với các sản phẩm động vật nhập vào chợ. Trường hợp vi phạm thúy y lập biên bản vi phạm và tiêu hủy lô hàng theo quy định.
Giá thịt heo vẫn ổn định
Theo khảo sát của Một Thế Giới, hiện nay, giá bán mặt hàng thịt heo tại các chợ lẻ vẫn ổn định. Cụ thể, thịt đùi có giá 130.000 đồng/kg, ba chỉ 170.000 đồng/kg, sườn 200.000 đồng/kg; xương ống 85.000 đồng/kg…
Còn tại các siêu thị, Sở Tài chính TP.HCM thông tin có 8 sản phẩm thịt heo trong chương trình bình ổn giá được áp dụng tăng từ 6.000-15.000 đồng/kg, tương ứng tỷ lệ tăng từ 4,1-10%.
Cụ thể, thịt heo đùi từ 145.000 đồng tăng lên 151.000 đồng/kg; thịt vai từ 145.000 đồng lên 158.000 đồng/kg; thịt cốt lết từ 140.000 đồng lên 153.000 đồng/kg; chân giò 129.000 đồng lên 139.000 đồng/kg; thịt nách từ 127.000 đồng lên 137.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt nạc vai, đùi cùng có giá 190.000 đồng/kg; xương đuôi heo 113.000 đồng/kg; xương bộ heo 85.000 đồng/kg.
Sở Tài chính TP.HCM cho rằng hiện nay, mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường 5%-23,4%, đáp ứng đúng quy định của chương trình. Mức giá này sẽ được giữ ổn định giai đoạn từ ngày 13.2.2021 đến ngày 13.3.2021 (1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết) và không điều chỉnh tăng. Trường hợp giá nguyên liệu đầu vào, giá thị trường có xu hướng giảm, Sở Tài chính sẽ yêu cầu các đơn vị trong chương trình thực hiện giảm giá hoặc khuyến mãi; nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc của chương trình.