Việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra cho Việt Nam vấn đề là nên giành quyền đánh thuế hay giữ lại ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI?

Việt Nam nên giành quyền đánh thuế hay ưu đãi tiếp các 'đại bàng' FDI?

Tuyết Nhung | 18/05/2023, 07:59

Việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra cho Việt Nam vấn đề là nên giành quyền đánh thuế hay giữ lại ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI?

Việt Nam có nên giành quyền đánh thuế?

Làm rõ quan điểm Việt Nam cần giành quyền đánh thuế theo mức thuế tối thiểu toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để chuẩn bị ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

thue-toi-thieu-toan-cau.png
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần làm hành động để duy trì tính cạnh tranh - Ảnh: IT

Về việc Việt Nam nên chủ động giành quyền đánh thuế tối thiểu, hay giữ lại các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI như trước đây, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên chủ động ban hành mới quy định pháp luật để giành quyền đánh thuế theo mức thuế tối thiểu toàn cầu, như vậy các ưu đãi sẽ thay đổi so với trước đây Việt Nam đã cam kết.

Trong trường hợp đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ các giải pháp của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là dành các ưu đãi cho nhà đầu tư theo nguyên tắc phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

"Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ tài chính, gồm cả trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng sau khi Việt Nam giành quyền đánh thuế, thay đổi chính sách ưu đãi, cụ thể hóa các chính sách này", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện Việt Nam đã thu hút FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu vốn FDI.

Ngành Thuế đã khảo sát khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn FDI số thu ngân sách nhà nước. Thống kê trong 3 năm 2020-2022, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) từ khu vực DN FDI trên tổng số thu thuế TNDN chiếm 18% - 21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực DN FDI chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực DN FDI chiếm khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế TNDN.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính nhóm các DN có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã có các cuộc họp, tham gia hội thảo và lắng nghe các kiến nghị của các DN FDI, có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của thuế tối thiểu toàn cầu.

Nêu quan điểm về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các DN FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình DN để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo. Nói cách khác, cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế TNDN đã bị ảnh hưởng bởi quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

"Việc hỗ trợ này được thực hiện thông qua các quy trình thủ tục đăng ký sau khi các DN đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế kể cả thuế bổ sung tối thiểu, nên Chính phủ Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn tài chính cũng như thực hiện các thủ tục hỗ trợ tiếp theo", Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ.

Để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT).

Nếu DN nộp đủ thuế suất 15% tại Việt Nam theo QDMTT, Việt Nam sẽ có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ lại các DN các khoản chi phí như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao. Ví dụ như: Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra.

Chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các DN, quy định hỗ trợ sẽ dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình DN, như vậy sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS).

Điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp với quy định trong thuế tối tiểu toàn cầu

Trao đổi với Một Thế Giới về việc Việt Nam nên giành quyền đánh thuế hay ưu đãi tiếp các "đại bàng" FDI, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, khi áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt ở các nước vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi thì sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Theo TS Lực, Việt Nam cần cân nhắc những hành động quyết liệt để bảo vệ nguồn thu ngân sách cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh thông qua những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư lành mạnh và bền vững, sát với định hướng phát triển kinh tế. Theo đó, là nước nhận vốn đầu tư của nước ngoài lớn và có nhiều chính sách ưu đãi về thuế TNDN, Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các giải pháp chính sách phù hợp.

TS Lực đưa ra giải pháp: Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như: môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì hướng tới ưu đãi về thuế. Theo đó, cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các DN, các ngành và nền kinh tế.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì chắc chắn sẽ  ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài với các DN đã đầu tư ở Việt Nam và cả các doanh nghiệp mới chuẩn bị chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Do đó, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các DN đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho DN; chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, qua đó giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các DN đang gánh chịu. Ngoài ra, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm... giúp DN giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bài liên quan
Thuế tối thiểu toàn cầu: Có thể thu thêm hàng chục nghìn tỉ đồng từ doanh nghiệp FDI
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là cơ hội để nước ta thu thêm hàng chục nghìn tỉ đồng tiền thuế từ doanh nghiệp FDI.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam nên giành quyền đánh thuế hay ưu đãi tiếp các 'đại bàng' FDI?