Hãng truyền thông Yonhap đưa tin hôm 17.5 rằng Triều Tiên đã cử máy bay đến Trung Quốc để nhận hàng y tế sau khi nước này xác nhận đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.

Yonhap: 3 máy bay Triều Tiên đến Trung Quốc nhận hàng y tế

Sơn Vân | 17/05/2022, 18:12

Hãng truyền thông Yonhap đưa tin hôm 17.5 rằng Triều Tiên đã cử máy bay đến Trung Quốc để nhận hàng y tế sau khi nước này xác nhận đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.

Theo hãng truyền thông Yonhap (Hàn Quốc), 3 máy bay Air Koryo từ Triều Tiên đã bay đến thành phố Thẩm Dương (Trung Quốc) vào ngày 16.5 trong các chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây hơn 2 năm. Sau đó, 3 máy bay trở lại Triều Tiên cùng với các vật tư y tế vào cuối ngày.

"Họ có thể khai thác thêm các chuyến bay vì số lượng hàng y tế vận chuyển lần này dường như không đủ", Yonhap dẫn lời một nguồn tin đề cập đến Triều Tiên.

Triều Tiên đang vật lộn với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên do biến thể Omicron BA.2 gây ra, được xác nhận vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế lớn do thiếu vắc xin và cơ sở hạ tầng y tế đầy đủ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không biết thông tin trên các phương tiện truyền thông và không nêu chi tiết về bất kỳ khoản viện trợ nào cho Triều Tiên.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ giúp Triều Tiên chống lại đại dịch nếu nhận được lời đề nghị.

Tờ NK News (Hàn Quốc) cũng tiết lộ hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động bất thường xung quanh một sân bay quốc tế ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hôm 16.5, một dấu hiệu có thể là chuẩn bị cho các chuyến bay.

3-may-bay-trieu-tien-den-trung-quoc-nhan-hang-y-te.jpg
Người dân xem TV phát bản tin về đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Triều Tiên, tại một nhà ga thuộc Seoul, Hàn Quốc, ngày 17.5 - Ảnh: Reuters

Hôm 17.5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên - KCNA báo cáo thêm 269.510 người bị “sốt”, nâng tổng số lên hơn 1,483 triệu, trong đó có 56 trường hợp tử vong. KCNA không cho biết có bao nhiêu người đã xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Triều Tiên chưa bắt đầu tiêm vắc xin đại trà và khả năng xét nghiệm còn hạn chế, làm dấy lên lo ngại rằng có thể khó đánh giá mức độ lây lan nhanh chóng và rộng rãi của dịch bệnh cũng như xác minh số trường hợp mắc và tử vong được xác nhận.

Trong điều kiện không có vắc xin, Triều Tiên đang sử dụng thuốc kháng sinh và các biện pháp tại nhà để điều trị COVID-19.

Để điều trị COVID-19 và các triệu chứng của nó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại kháng sinh khác - không chống lại vi rút nhưng đôi khi được kê đơn cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.

Trước đây thường coi vắc xin “không phải thuốc chữa bách bệnh", các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã khuyến cáo người dân súc miệng bằng nước muối, uống trà lonicera japonica (kim ngân) hoặc trà lá liễu ba lần một ngày.

Hơn nữa, Triều Tiên cách ly những người có triệu chứng tại các trại tạm trú để đối phó với vi rút SARS-CoV-2. Tính đến 17.5, ít nhất 663.910 người ở nước này đã bị cách ly.

Các nỗ lực truy vết cũng được tăng cường, với khoảng 11.000 cán bộ y tế, giáo viên và sinh viên y khoa tham gia một cuộc "khám sức khỏe chuyên sâu cho tất cả người dân" trên toàn quốc để xác định vị trí và điều trị những người bị “sốt”.

Hôm 17.5, KCNA cho biết quân đội đã triển khai các sĩ quan từ các đơn vị y tế của mình để giúp vận chuyển thuốc đến các hiệu thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi bắt đầu mở cửa 24/24 để đối phó với cuộc khủng hoảng do SARS-CoV-2 gây ra. Chưa rõ loại thuốc được cấp cho người bệnh.

KCNA nói các đơn vị quân đội “bày tỏ ý muốn phân phát những loại thuốc quý, thần dược của sự sống, gắn liền với tình yêu vĩ đại của ông Kim Jong Un dành cho nhân dân tới Bình Nhưỡng”.

Nhiệm vụ của lực lượng này là "xoa dịu cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Bình Nhưỡng”.

Theo KCNA, một số thành viên cấp cao trong Bộ chính trị của đảng Lao động đã đến thăm các hiệu thuốc, văn phòng quản lý thuốc để kiểm tra cung và cầu, sau khi ông Kim Jong Un chỉ trích việc phân phối thuốc không hiệu quả.

Họ kêu gọi thiết lập một trật tự nghiêm ngặt hơn trong việc lưu giữ và xử lý các nguồn cung cấp y tế, duy trì nguyên tắc ưu tiên nhu cầu và sự thuận tiện của người dân trong việc cung cấp”, KCNA thông báo.

Ngoài việc không có vắc xin COVID-19 cho 26 triệu dân, Triều Tiên còn phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng và các điều kiện nghèo đói khác, đồng thời thiếu các công cụ y tế công cộng, bao gồm cả thuốc kháng vi rút hoặc các đơn vị chăm sóc đặc biệt – từng ngăn các trường hợp nhập viện và tử vong ở các quốc gia khác.

Một số chuyên gia cho rằng số người chết ở Triều Tiên có thể cao hơn số thống kê và tỷ lệ tử vong có thể tăng cao trong những tuần tới vì những người phát triển các triệu chứng sau đó không chống chọi được với bệnh tật.

Nước này đã từ chối nhận hàng triệu liều vắc xin từ chương trình phân phối COVAX có thể do các yêu cầu giám sát quốc tế gắn liền với những mũi tiêm đó.

Hàn Quốc đã công khai đề nghị gửi vắc xin COVID-19, thuốc men và nhân viên y tế, nhưng Triều Tiên cho đến nay đã phớt lờ đề xuất này trong bối cảnh quan hệ giữa họ đang băng giá vì bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân lớn hơn giữa Mỹ với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lo ngại về tác động tiềm tàng của đợt bùng phát dịch với người dân Triều Tiên và ủng hộ việc viện trợ vắc xin cho nước này.

"Vì mục tiêu đó, chúng tôi đặc biệt ủng hộ và khuyến khích nỗ lực của các tổ chức y tế và viện trợ của Mỹ lẫn quốc tế trong việc tìm cách ngăn chặn sự lây lan COVID-19 và cung cấp các hình thức hỗ trợ nhân đạo khác cho các nhóm dễ bị tổn thương trong nước này", theo một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng lời khen ngợi từ ông Kim Jong Un về phản ứng với đại dịch của Trung Quốc trong cuộc họp về COVID-19 tuần trước cho thấy Triều Tiên sẽ sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ đồng minh chính của mình.

Các chuyên gia cho biết sự trợ giúp thực tế từ ​​bên ngoài sẽ là nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 hạn chế và thuốc kháng vi rút để giảm tử vong ở các nhóm nguy cơ cao, bao gồm cả người già và người có bệnh nền, vì đã quá muộn để ngăn chặn Omicron lây lan rộng rãi ở Triều Tiên.

Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Với việc đất nước vẫn chưa bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19, có nguy cơ vi rút có thể lây lan nhanh chóng trong dân chúng trừ khi được ngăn chặn bằng các biện pháp thích hợp và tức thì”. Ông nói WHO sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên sự hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường xét nghiệm cũng như các loại thuốc và vật tư y tế thiết yếu.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi Triều Tiên thảo luận với cơ quan này về việc mở các kênh hỗ trợ nhân đạo, bao gồm cả thuốc men và vắc xin.

Văn phòng cũng thúc giục Triều Tiên cho phép các nhân viên của Liên Hợp Quốc được phép nhập cảnh vào nước này để hỗ trợ cuộc chiến chống lại sự bùng phát COVID-19.

Bài liên quan
WHO: Triều Tiên chưa thông báo về đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên
Hôm 12.5, quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về đợt bùng phát COVID-19 được xác nhận lần đầu tiên ở Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yonhap: 3 máy bay Triều Tiên đến Trung Quốc nhận hàng y tế