Ấn Độ đang xem xét cấp phép sử dụng cho vắc xin COVID-19 nội địa có tên Covaxin do công ty dược Bharat Biotech phối hợp cùng các cơ quan chính phủ phát triển.
Ngày 2.1, Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã ra khuyến nghị cơ quan chức năng nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp có giới hạn cho vắc xin COVID-19 nội địa có tên Covaxin. Loại vắc xin này do công ty dược Bharat Biotech phối hợp cùng Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ và Viện Virus học quốc gia phát triển.
Bharat Biotech cho biết đã tuyển chọn được 26.000 tình nguyện viên tham gia quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc xin Covaxin. Đây là số lượng người kỷ lục tham gia một cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin tại Ấn Độ từ trước tới nay. Trong 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước đó, Covaxin đã cho kết quả khả quan về sự an toàn và tính sinh miễn dịch.
Trước đó, cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã phê duyệt, cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc xin ngừa COVID-19 do công ty dược Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang xem xét đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin do hãng dược Pfizer và đối tác Đức BioNTech sản xuất.
Với hơn 10 triệu người nhiễm và 148.000 người chết tính đến ngày 1.1, tổng số ca dương tính với COVID-19 của Ấn Độ hiện cao thứ hai thế giới, sau Mỹ mặc dù tỉ lệ lây nhiễm tại nước này đang giảm đáng kể so với thời điểm đỉnh dịch vào giữa tháng 9.2020.
Ấn Độ kỳ vọng có thể tiêm chủng cho khoảng 300 triệu dân trong 6 đến 8 tháng đầu năm nay. Dự kiến, đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin ở Ấn Độ cũng là người già và các nhân viên chăm sóc họ, nhân viên y tế tuyến đầu, người có bệnh lý nền.