Hơn 125.000 giáo viên ở Myanmar đã bị chính quyền quân sự đình công tác chỉ vì tham gia phong trào bất tuân dân sự phản đối cuộc đảo chính. Một quan chức của Liên đoàn giáo viên Myanmar cho biết thông tin này.
Việc đình chỉ công tác diễn ra vài ngày trước khi bắt đầu năm học mới, mà một số giáo viên và phụ huynh đang tẩy chay như một phần của chiến dịch đã làm tê liệt đất nước kể từ khi cuộc đảo chính hôm 1.2 cắt ngắn một thập kỷ cải cách dân chủ.
Tổng cộng 125.900 giáo viên đã bị đình chỉ công tác tính đến 22.5. Quan chức của Liên đoàn giáo viên Myanmar cho biết thông tin này nhưng từ chối nêu tên vì sợ bị trả thù. Anh đã nằm trong danh sách truy nã của quân đội Myanmar vì tội kích động sự bất mãn.
Theo số liệu gần nhất, Myanmar có 430.000 giáo viên phổ thông từ hai năm trước.
"Đây chỉ là những tuyên bố đe dọa mọi người hãy quay lại làm việc. Nếu thực sự sa thải nhiều người như này thì cả hệ thống sẽ dừng lại", một giáo viên cho biết. Anh nói đã được thông báo rằng những cáo buộc mà mình phải đối mặt sẽ được giảm nếu trở lại làm việc.
Reuters đã không thể liên lạc với một phát ngôn viên của quân đội hoặc bộ giáo dục để đưa ra bình luận.
Tờ Global New Light of Myanmar do quân đội điều hành đã kêu gọi giáo viên và học sinh quay trở lại trường để bắt đầu lại hệ thống giáo dục.
Sự gián đoạn tại các trường học diễn ra sau khi lĩnh vực y tế và doanh nghiệp tư nhân cũng chìm trong hỗn loạn bởi cuộc đảo chính và vụ bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu là Aung San Suu Kyi.
Khoảng 19.500 nhân viên trường đại học cũng đã bị đình chỉ, theo nhóm giáo viên.
Phụ huynh giữ con ở nhà
Việc đăng ký bắt đầu vào tuần tới cho kỳ học từ tháng 6, nhưng một số phụ huynh cũng có kế hoạch cho con nghỉ học.
Myint (42 tuổi, có con gái 14 tuổi) cho biết: "Tôi sẽ không đăng ký cho con gái mình theo học vì tôi không muốn cho nó học hành dưới chế độ độc tài quân sự. Tôi cũng lo lắng về sự an toàn của nó”.
Các sinh viên, những người đi đầu trong các cuộc biểu tình hàng ngày, cũng lên kế hoạch tẩy chay các lớp học.
Lwin (18 tuổi) nói: “Tôi sẽ chỉ quay lại trường học nếu chúng ta lấy lại được nền dân chủ”.
Hệ thống giáo dục của Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 92/93 nước ở cuộc khảo sát toàn cầu vào năm ngoái.
Ngay cả dưới sự lãnh đạo của bà Suu Kyi, mức chi tiêu cho giáo dục Myanmar dưới 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đó là một trong những tỷ giá thấp nhất trên thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia, được thành lập bởi những người phản đối chính quyền quân sự, cho biết sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ giáo viên và học sinh - kêu gọi các nước ngoài ngừng tài trợ cho Bộ giáo dục do quân đội Myanmar kiểm soát.
"Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà giáo dục của Myanmar, những người từ chối ủng hộ quân đội tàn ác. Những người thầy vĩ đại và những người thầy dũng cảm này sẽ không bao giờ bị bỏ lại phía sau", Tiến sĩ Sasa, phát ngôn viên của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, cho biết trong một email gửi tới Reuters.