Có thể Nga - Trung Quốc cùng đóng tàu sân bay, khi hai nước đang xây dựng quan hệ hữu nghị, theo báo Wall Street Journal, trong khi trang National Interest nêu dự án này sẽ không thể hình thành vì nhiều lý do.
Khả năng Nga - Trung Quốc cùng đóng tàu sân bay được xem là một bước đại nhảy vọt trong mối quan hệ hợp tác quân sự. Báo Wall Street Journal viết: “Nga thể hiện điều họ gọi là “một liên minh chiến lược với TQ, điều có thể phát triển thành kế hoạch cùng đóng một tàu sân bay”.
Nhưng một quan chức công nghệ quốc phòng Nga nêu: TQ đang nâng yêu cầu lên, muốn nắm phần chính trong dự án trên. Người này nói: “Chúng tôi đều có lợi trong quan hệ này. Nhưng sự thật là TQ đang chơi rắn”.
Theo trang National Interest, hiện Nga đang sắp hoàn tất việc bán chiến đấu cơ Su-35 hiện đại cho TQ, nên hai bên đang xem xét việc cùng đóng vũ khí tối thượng trên biển xa là tàu sân bay. Nhưng có nhiều lý do để Moscow và Bắc Kinh có thể tiến hành dự án này, hoặc có thể không.
Những lý do mà Nga muốn tránh một kiểu quan hệ đối tác này rất thẳng: Nga đang phải chịu đựng những thách thức kinh tế vốn bị phương Tây cấm vận, với cớ vu cáo Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Ukraine.
Tàu sân bay đòi hỏi hàng tỷ USD thiết kế, chạy thử và sản xuất. Khả năng hợp tác với TQ bị xem là một ý tưởng “khùng”, vào lúc Nga bị trừng phạt kinh tế, giá dầu giảm sâu, khiến Nga phải xem xét lại việc theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa quân sự với những phần cứng đắt tiền. Bộ quốc phòng Nga đã phải giảm mua chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi T-50 từ 100 xuống còn 12 chiếc, là một ví dụ.
Ngược lại, Nga có thể muốn hợp tác, nếu TQ sẵn lòng tài trợ và giúp Nga nỗ lực đóng một chiếc tàu sân bay mới, vốn tốn hàng tỷ USD và sẽ có thể nuốt cạn nguồn ngân sách quân sự của Nga.
Nếu TQ sẵn sàng gánh đa phần kinh phí, thì Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ. Nhưng Nga có thật sự muốn tặng công nghệ quân sự hiện đại hơn cho TQ, khi Moscow còn phải tính đến nguy cơ này: nếu ngày nào đó mối quan hệ với Bắc Kinh xấu đi, TQ có thể sử dụng chính công nghệ Nga để chống lại Nga.
Bắc Kinh rất muốn hợp tác với Nga trong dự án tàu sân bay này, vì nhiều lý do khác nhau:
Từ nhiều thập niên qua, mục tiêu hàng đầu của TQ là phát triển tàu sân bay. Theo học giả Harris, năm 1985, TQ muốn mua tàu sân bay Melbourne thời Thế chiến 2 của Úc, nhưng sau khi xem xét mẫu thiết kế, họ hủy kế hoạch này.
TQ cũng mua 3 tàu sân bay đóng từ thời Liên Xô hồi những năm 1990, trong đó hai chiếc Kiev và Minks bị chuyển thành công viên chuyên đề. Nhưng TQ nghiên cứu kỹ 2 chiếc này trong nỗ lực phát triển công nghệ tàu sân bay.
Trong khi hai chiếc này không có khả năng của tàu sân bay Mỹ hiện đại, nhưng bất kỳ bí mật công nghệ nào mà TQ biết được đều có thể có ích cho các tàu sân bay sau này.
Ban đầu chi hàng triệu - thay vì hàng tỷ USD - TQ có thể rút được bài học từ những thành quả và thất bại của các nước khác, để tăng tốc nỗ lực đóng tàu sân bay và làm lợi cho các nhà vạch kế hoạch quân sự TQ.
Nhưng nỗ lực của Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Họ mua tàu sân bay thứ ba, chiếc Varyag của Ukraine hồi tháng 3.1998 với giá 20 triệu USD.
Công ty TQ mua tàu này có quan hệ chặt chẽ với quân đội TQ, nhưng vụ mua này bị đình trệ 15 tháng: Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép tàu này đi qua eo biển của họ. Có tin đồn TQ “đút lót” hơn 360 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do” hỗ trợ kinh tế và du lịch”, để được thông quan “sòng bạc casino nổi” này về TQ.
Ở TQ, chiếc Varyag không trở thành “sòng bạc casino”, nhưng được nâng cấp thành một tàu sân bay có tên Liêu Ninh.
Dù TQ có thể đóng nhiều tàu sân bay, có sự hợp tác với Nga hay không, ai cũng biết tàu sân bay không là một loại vũ khí độc lập: cần phải có tàu ngầm, tên lửa, tàu nổi bảo vệ, tức tốn thêm hàng tỷ USD nữa.
Vào lúc kinh tế TQ bắt đầu suy thoái, liệu Bắc Kinh có dám ném hàng tỷ USD vào dự án cùng Nga đóng tàu sân bay ?
Còn một lý do mạnh mẽ nữa, để khẳng định dự án Nga - TQ cùng đóng tàu sân bay sẽ không thành: sự tiến bộ của công nghệ.