PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chi phí để thực hiện 3 tại chỗ rất lớn (ăn, ở, xét nghiệm, khử khuẩn…) nên chi phí sản xuất đội cao lên. Theo đó, cơ quan quản lý, cơ quan thuế cần phải hỗ trợ doanh nghiệp.

Bài toán chi phí với doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”

Lam Thanh | 04/08/2021, 17:19

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chi phí để thực hiện 3 tại chỗ rất lớn (ăn, ở, xét nghiệm, khử khuẩn…) nên chi phí sản xuất đội cao lên. Theo đó, cơ quan quản lý, cơ quan thuế cần phải hỗ trợ doanh nghiệp.

Mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly trước nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng phương thức là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” chỉ nên là giải pháp tình thế. Theo đó, chỉ nên áp dụng biện pháp này trong ngắn hạn, trong vài tuần, rất khó để áp dụng lâu dài. Lý do là nhà máy có chức năng làm việc, sản xuất chứ không có công năng để ở, sinh hoạt, do đó nếu áp dụng lâu dài sẽ rất bất tiện.

Mặt khác, chi phí duy trì “3 tại chỗ” hiện nay quá cao, doanh nghiệp vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống ngày 3 bữa và xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.

Do đó, ông Thịnh cho rằng nhà nước cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Cụ thể, chi phí để thực hiện 3 tại chỗ rất lớn (ăn, ở, xét nghiệm, khử khuẩn…) nên chi phí sản xuất bị đội cao lên. Theo đó, cơ quan quản lý, cơ quan thuế phải xem chi phí này là chi phí sản xuất hợp lý để trừ thuế cho doanh nghiệp.

dinh-trong-thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ

Theo ông Thịnh, nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng đối với nguồn cung cấp chính thức về vật tư y tế, phục vụ cho “3 tại chỗ”.

“Khi thực hiện 3 tại chỗ, một loạt các mặt hàng như lều cá nhân, dung dịch sát khuẩn… sẽ trở nên khan hiếm, khó tiếp cận, hoặc doanh nghiệp phải chịu mua với giá cao. Khi đó, nhà nước phải có trách nhiệm kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận những thiết bị này với giá cả hợp lý và nhanh chóng”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, để thực hiện 3 tại chỗ cũng cần phải chú ý đến tâm lý của người lao động và hỗ trợ cho họ cả vật chất lẫn tinh thần. Lý do đây là đại dịch chưa từng gặp, việc áp dụng các biện pháp giãn cách trong sản xuất là điều công nhân lần đầu thực hiện, điều này gây ra nhiều bất tiện cho công nhân. Có những công nhân muốn về nhà  bởi sợ dịch kéo dài.

Chuyên gia Thịnh cũng cho rằng các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần phải xây dựng và công bố các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy, không để bị động, lúng túng. Đồng thời, tiến hành thật nhanh việc tiêm vắc xin vì chỉ có vắc xin mới là giải pháp hữu hiệu nhất.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện kiểm soát được.

Ở TP.HCM và các tỉnh phía nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người thì các nhà máy “3 tại chỗ” dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, nguy cơ bùng phát bệnh rất cao.

Đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết; xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy.

Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh quá khủng hoảng như tình trạng một số nhà máy trở thành “chùm F0”.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm văc xin ngừa COVID-19.

3-tai-cho.jpg
Nhiều nhà máy xí nghiệp phải áp dụng 3 tại chỗ để duy trì sản xuất

Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động. Trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện y tế tại chỗ .

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần. Mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.

Hiệp hội VASEP cũng cho rằng ngoài triển khai các gói hỗ trợ đã có thì cần có các chính sách ưu tiên về: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH, BHYT… cho DN, và đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế…

Theo đề xuất của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đối với các doanh nghiệp phía nam với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”. Trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh.

Bài liên quan
Tiền Giang sẽ xét từng trường hợp cụ thể để tạm ngưng hay tiếp tục sản xuất với ‘3 tại chỗ’
Việc UBND tỉnh Tiền Giang phát đi công văn quyết định tạm dừng hoạt động doanh nghiệp (DN) “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp khiến một số DN lo lắng. Tuy nhiên, tỉnh sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để các DN đủ điều kiện vẫn có thể hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán chi phí với doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”