Sau khi báo điện tử Một Thế Giới đăng bài “Ì xèo cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL 2019: Tác phẩm Căn cơ đoạt giải và chuyện căn cơ số chữ”, nhiều bạn đọc vẫn tiếp tục băn khoăn, muốn biết thêm thông tin cũng như quan điểm của Ban tổ chức và Ban giám khảo qua việc quyết định trao giải thưởng cao nhất cuộc thi truyện ngắn cho tác phẩm có số lượng lên đến hơn 24.000 chữ...

Ban giám khảo cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL: ‘Kết cấu là truyện ngắn thì nó là... truyện ngắn’

07/01/2020, 09:39

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới đăng bài “Ì xèo cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL 2019: Tác phẩm Căn cơ đoạt giải và chuyện căn cơ số chữ”, nhiều bạn đọc vẫn tiếp tục băn khoăn, muốn biết thêm thông tin cũng như quan điểm của Ban tổ chức và Ban giám khảo qua việc quyết định trao giải thưởng cao nhất cuộc thi truyện ngắn cho tác phẩm có số lượng lên đến hơn 24.000 chữ...

Ban tổ chức cuộc thi trao thưởng cho tác giả có tác phẩm đoạt giải nhất - Ảnh: Thanh Hồng

Như thông tin đã đưa, cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL 2019 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Tháp, thay mặt các Hội VHNT ĐBSCL đăng cai tổ chức đã tổng kết, trao giải ngày 26.12.2019. Cuộc thi này có 5/12 tác giả đoạt giải chính thức có địa chỉ ở Đồng Tháp - đơn vị chủ nhà, trong đó tác giả Nguyễn Phước Thảo (đơn vị Đồng Tháp) được trao giải nhất với tác phẩm Căn cơ. Truyện ngắn này dài đến... 24.000 chữ, tương đương khoảng 90 trang sách.

Truyện ngắn, ngắn hay dài chỉ là… tương đối?

Theo thể lệ cuộc thi (do Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp ban hành), Ban tổ chức cuộc thi truyện ngắn khu vực ĐBSCL 2019 gồm các thành viên là lãnh đạo và cán bộ thuộc Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, do ông Phạm Khiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp làm Trưởng ban. Trao đổi với PV, ông Phạm Khiêm cho biết Trưởng giám khảo cuộc thi là ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Các thành viên là bà Bích Ngân, Ủy viên Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam và ông Trần Hoài Anh, PGS.TS, Ủy viên Hội đồng Phê bình - Dịch thuật thuộc Hội Nhà văn TP.HCM.

Ông Phạm Khiêm khẳng định: “Vì cuộc thi không giới hạn chữ cho mỗi tác phẩm nên chúng tôi trao giải dựa trên chất lượng tác phẩm chứ không căn cứ vào độ ngắn hay dài. Sở dĩ như vậy là do các cuộc thi truyện ngắn trước đây đều quy định số lượng chữ tối đa cho từng tác phẩm, trong khi thực tế có tác phẩm đạt chất lượng tốt nhưng phải bị loại vì vi phạm quy chế, thừa số chữ”.

Ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, cho rằng, thể loại cũng chỉ là tương đối, cho dù tác phẩm có dài 50 hay 100 trang nhưng kết cấu của nó là truyện ngắn thì nó là truyện ngắn. Nếu như nó chỉ mươi, mười lăm trang nhưng kết cấu là tiểu thuyết thì vẫn là tiểu thuyết. “Ví dụ cuốn Ông già và biển cả của Hemingway có bao nhiêu đâu, chỉ 60 trang nhưng vẫn là tiểu thuyết. Về cách bố cục, quy mô thì tác phẩm Căn cơ là truyện ngắn. Vấn đề không phải là ngắn hay dài, vấn đề là quy mô của nó chỉ là cái truyện ngắn”, ông Tuấn nhắc lại.

Ông Trần Hoài Anh, PGS.TS, Ủy viên Hội đồng Phê bình - Dịch thuật thuộc Hội Nhà văn TP.HCM, nói: “Về dung lượng, Ban tổ chức vuộc thi truyện ngắn ĐBSCL 2019 không quy định truyện ngắn bao nhiêu số lượng từ nên tiêu chí đó không bắt buộc ban giám khảo phải theo, không đặt ra cho tiêu chí chấm giải. Do tiêu chí ban tổ chức không đặt ra nên tác giả viết thế nào là quyền của tác giả”.

Theo ông Trần Hoài Anh, truyện ngắn là một lát cắt của đời sống nhưng không ai giới hạn nó có bao nhiêu ngàn từ cả, chỉ là cảm nhận của người đọc. Cho nên truyện ngắn Căn cơ dài hay ngắn không quan trọng nhưng tác giả cho nó là truyện ngắn và người đọc có quyền tiếp nhận nó. Truyện ngắn, người ta không khẳng định nó là bao nhiêu từ cho nên đó không phải là tiêu chí. Tất nhiên nếu kết cấu nó chặt chẽ, càng ngắn nhưng dung lượng hiện thực lớn, phản ánh được vấn đề của thời đại, quan tâm đến số phận con người thì tốt; còn không thì nó có thể dài, có thể nhiều trang, nhiều từ nhưng đảm bảo được tinh thần của truyện ngắn.

Giám khảo là những người nổi tiếng nên không cần ai giám sát!

Theo phản ánh từ bạn đọc, trong các cuộc thi thơ và văn xuôi (truyện ngắn, bút ký) gần đây ở ĐBSCL, ban tổ chức ở mỗi địa phương đăng cai đều thành lập 2 hội đồng giám khảo, gồm sơ khảo và chung khảo. Không những thế, trước khi mở niêm phong kết quả từ hội đồng chung khảo, đại diện hội trực (đơn vị tiếp theo đăng cai tổ chức cuộc thi) phải được mời giám sát. Vậy mà không hiểu tại sao ở cuộc thi lần này, Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp có cách làm khác hẳn.

Thông báo về cuộc thi do Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp ban hành - Ảnh: Thanh Hồng

Lý giải về đều này, ông Phạm Khiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL 2019 cho biết: “Hội đồng giám khảo đều là những người nổi tiếng nên chúng tôi... không cần ai giám sát cả. Mặc khác, do tác phẩm dự thi gửi về không nhiều nên cả 2 hội đồng (sơ khảo và chung khảo) gộp lại cho thuận tiện. Tại lễ tổng kết, trao giải, tôi đã cung cấp số liệu của từng người rồi nên không có gì phải giám sát. Trong hội đồng giám khảo, ai cho bao nhiêu điểm chúng tôi vẫn còn giữ, còn ai thắc mắc thì chúng tôi sẽ cung cấp”, ông Khiêm nói.

Để biết thêm quan điểm của giám khảo về giá trị nghệ thuật của tác phẩm đoạt giải nhất, PV nêu câu hỏi và được ông Trần Văn Tuấn, trả lời ngắn gọn: “Chuyện xảy ra cách đây mấy tháng rồi nên tôi cũng quên rồi!”. Và cũng nêu thêm, người đoạt giải với tác phẩm Căn cơ là lãnh đạo một ngân hàng ở Đồng Tháp!

Thanh Hồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban giám khảo cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL: ‘Kết cấu là truyện ngắn thì nó là... truyện ngắn’