Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa là Donald Trump đang có được một đồng minh quan trọng theo một cách khá ngẫu nhiên: những bản báo cáo việc làm hàng tháng của nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo việc làm tháng Chín: Lợi thế cho Donald Trump?

Nhàn Đàm | 09/10/2016, 08:17

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa là Donald Trump đang có được một đồng minh quan trọng theo một cách khá ngẫu nhiên: những bản báo cáo việc làm hàng tháng của nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo việc làm hàng tháng là một trong những thước đo quan trọng nhất phản ánh tình trạng của nền kinh tế, và việc những nội dung chính của nó đang xấu dần đi trong vòng 3 tháng trở lại đây đang vô tình tạo ra một lợi thế đáng kể cho Donald Trump, khi vị tỷ phú bất động sản này là một trong những người lớn tiếng chê bai Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và chính phủ của tổng thống Obama đã bất lực trong việc đưa ra các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Bản báo cáo việc làm tháng Chín được đánh giá là ở dưới mức kỳ vọng vì thế đang đem lại một sự cân bằng không nhỏ cho ông Trump, người đang bị bủa vây bởi vấn đề lách thuế và có hành vi khiếm nhã với phụ nữ.

Bản báo cáo việc làm tháng Chín vừa được công bố có thể xem như một sự thất vọng lớn với không chỉ FED và chính phủ, mà còn với phần lớn người dân Mỹ - những người đang kỳ vọng về một sự thoát ra khỏi nguy cơ suy thoái của nền kinh tế. Theo đó, đã chỉ có khoảng 156.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng Chín, thấp hơn khá nhiều so với con số kỳ vọng là 180.000, trong đó sự sụt giảm chủ yếu diễn ra ở những khu vực như đầu tư công và xây dựng.

Đây đã là tháng thứ 2 liên tiếp số việc làm mới được tạo ra tại Mỹ ở dưới mức 160.000 mỗi tháng, khi mức tăng trong tháng Tám cũng chỉ đạt 151.000. Đây được xem là dấu hiệu của một nguy cơ trì trệ và suy thoái ngày càng rõ ràng hơn, khi mức trung bình việc làm mới được tạo ra trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 190.000/tháng, đạt đỉnh vào tháng Bảy với con số 255.000 việc làm.

Không chỉ sụt giảm mạnh số lượng việc làm mới được tạo ra, mà các nội dung quan trọng khác trong báo cáo việc làm tháng Chín cũng có chiều hướng xấu đi đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp sau khi được duy trì ổn định ở mức 4,9% kể từ đầu năm nay đã tăng lên 5% trong tháng Chín.

Sự chênh lệch về tỷ lệ thất nghiệp giữa lao động có bằng đại học và không có bằng cấp cũng được nới rộng, ở mức 6% so với 8,5% của những lao động chỉ tốt nghiệp trung học. Chất lượng việc làm và thu nhập cũng đáng báo động, khi số việc làm bán thời gian có thu nhập thấp chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số việc làm mới được tạo ra.

Hiện có khoảng 6-7 triệu lao động phải làm việc bán thời gian muốn có một công việc toàn thời gian, và theo thống kê trong số 2,3 triệu việc làm mới tạo ra từ đầu năm đến nay thì 40% trong số đó là những công việc có mức lương thuộc diện thấp nhất trong nền kinh tế Mỹ. Nói cách khác, mức tăng trưởng số lượng việc làm không những đang chậm hẳn lại, mà chất lượng công việc và mức thu nhập thì lại đang có xu hướng ngày càng tệ hơn.

FED dĩ nhiên đang là cơ quan phải gánh chịu sức ép lớn nhất từ kết quả tồi tệ này. Đã 2 tháng liên tiếp tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế thấp hơn hẳn so với dự kiến, và nó được xem như là kết quả trực tiếp của việc điều hành chính sách tiền tệ không phù hợp của Cục dự trữ Liên bang. Ở thời điểm hiện tại, FED đang được xem là thiếu đi các biện pháp kích thích kinh tế cần thiết, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong việc tăng số lượng việc làm mới.

Chính phủ của tổng thống Barack Obama cũng không là ngoại lệ. Như báo cáo việc làm tháng Chín đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm số lượng việc làm mới được tạo ra chủ yếu là do sự sụt giảm trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư công và xây dựng hạ tầng – vốn liên quan chặt chẽ đến các dự án đầu tư của chính phủ. Nói cách khác, vì chính phủ Mỹ đang có xu hướng giảm các khoản đầu tư công trong một loạt các lĩnh vực khiến cho số lượng việc làm mới cũng bị giảm theo.

Điều này có lợi cho ứng cử viên của đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton, người ủng hộ triệt để giải pháp tăng thu thuế của người giàu và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời tăng cường các dự án đầu tư công như những biện pháp kích thích tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm mới, hay không? Câu trả lời dường như là “chưa chắc”.

Tình trạng tăng trưởng số lượng việc làm mới bị giảm sút mạnh trong tháng Chín do sự sụt giảm từ khu vực đầu tư công đang là một trong những dẫn chứng cho thấy, mô hình kích thích tăng trưởng và tăng số lượng việc làm bằng cách tăng đầu tư công của chính phủ Mỹ hiện tại đã tới giới hạn.

Về mặt chính sách kinh tế, bà Hillary đang lặp lại gần như nguyên vẹn công thức của tổng thống Obama, và hai bản báo cáo việc làm của tháng Tám và tháng Chín đang chỉ ra một thực tế rằng chính sách đó đang không còn đạt được hiệu quả như trước, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là gia tăng nợ công khi tổng nợ công của nước Mỹ đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 2 nhiệm kỳ của tổng thống Obama.

Tình trạng này hiện đang đem lại lợi thế cho Donald Trump, dù không thực sự quá rõ ràng. Hiện tại, không ai có thể khẳng định chính sách kinh tế của ông Trump sẽ hiệu quả hơn của tổng thống Obama và bà Hillary, nhưng ít nhất nó cũng đem lại hy vọng về một giải pháp mới so với chính sách đang ngày càng bị coi là hết tác dụng của bà Hillary.

Ít nhất, ông Trump cũng đang có nhiều khả năng hơn trong việc tranh thủ được sự ủng hộ của một bộ phận lớn cử tri đang bất mãn và tức giận với tình trạng trì trệ của nền kinh tế và thị trường việc làm hiện nay.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Thời gian và nguồn lực có hạn, làm việc nào cần dứt điểm việc đó
“Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong bối cảnh công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian và nguồn lực có hạn”, Thủ tướng nói.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo cáo việc làm tháng Chín: Lợi thế cho Donald Trump?