Tờ báo kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã cảnh báo về vòng xoáy metaverse khi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đổ xô chạy theo ngành công nghiệp đang bùng nổ này, ngay cả khi Meta Platforms cắt giảm việc làm quy mô lớn.

Báo Trung Quốc cảnh giác với cơn sốt metaverse khi Meta sa thải hàng ngàn nhân viên

Sơn Vân | 09/11/2022, 18:12

Tờ báo kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã cảnh báo về vòng xoáy metaverse khi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đổ xô chạy theo ngành công nghiệp đang bùng nổ này, ngay cả khi Meta Platforms cắt giảm việc làm quy mô lớn.

Thuật ngữ metaverse thường được sử dụng để mô tả thế giới ảo nhập vai, nơi các đại diện kỹ thuật số của người dùng có thể tương tác với nhau. Một số người kỳ vọng rằng đó sẽ là lần lặp lại tiếp theo của internet, dù hiện tại có rất ít các ứng dụng thương mại.

Ngành công nghiệp metaverse nghe có vẻ hứa hẹn, nhưng nó có thể không phù hợp với mọi khu vực. Hãy cảnh giác với việc sốt sắng chạy theo metaverse và đặt cược lớn vào nó trong khi xa rời thực tế”, theo một bài viết của Nhật báo Kinh tế (Economic Daily), tờ báo do Quốc vụ viện Trung Quốc điều hành.

Bài viết kêu gọi “sự thận trọng khi mở rộng sang ngành công nghiệp metaverse”, cho biết hơn 30 chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển metaverse và hơn 18 khu công nghiệp tổng hợp cụ thể được thành lập.

Nhật báo Kinh tế đã so sánh metaverse với sự cuồng nhiệt xung quanh ngành công nghiệp năng lượng mới những năm trước đây, dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở nhiều khu vực. Bài viết không đề cập trực tiếp đến Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook).

Kể từ năm ngoái, chính quyền ở một số thành phố lớn đã công bố kế hoạch hỗ trợ sự phát triển của metaverse, bao gồm cả Thượng Hải, Hàng Châu và Vũ Hán.

Tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc) xem metaverse như ngành công nghiệp trung tâm tiếp theo. Tỉnh Hà Nam từng định vị mình là nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thập kỷ qua nhờ sở hữu khu phức hợp sản xuất iPhone lớn nhất thế giới đặt tại thủ phủ là thành phố Trịnh Châu.

Theo một kế hoạch dự thảo được công bố gần đây, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp metaverse trị giá hàng trăm tỉ nhân dân tệ vào năm 2025. Tỉnh này muốn xây dựng một “khu vực đổi mới” cho metaverse với “ảnh hưởng đáng kể” và thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan, các quan chức cho biết trong tài liệu.

Có tên “Kế hoạch hành động phát triển ngành tổng hợp của Hà Nam trong những năm 2022 đến 2025”, kế hoạch trình bày chi tiết các nhiệm vụ chính của tỉnh những năm tới, bao gồm giải quyết các công nghệ chính như thực tế mở rộng, tài sản kỹ thuật số và giao diện máy tính não.

Thực tế mở rộng là thuật ngữ đề cập để tất cả đến các môi trường được kết hợp giữa thực-và-ảo và các tương tác người-máy được tạo ra bởi công nghệ máy tính cùng các thiết bị đeo. Nó bao gồm đại diện hình như thực tế tăng cường, tăng cường ảo và thực tế ảo và các khu vực nội suy giữa chúng.

Những công nghệ đó sẽ được áp dụng cho các lĩnh vực khác nhau, với mục đích tạo ra “metaverse công nghiệp”, “metaverse năng lượng”, “metaverse giáo dục” và “metaverse con người ảo”.

Bằng cách tham gia cùng hàng loạt các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã công bố các sáng kiến ​​để thúc đẩy sự phát triển của metaverse, Hà Nam đang cạnh tranh với một số trung tâm kinh doanh lớn tại nước này để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Vào tháng 7, chính quyền Thượng Hải cho biết muốn thành lập một quỹ công nghiệp, với tài sản khoảng 10 tỉ nhân dân tệ (1,4 tỉ USD) dành riêng cho phát triển metaverse.

Tại thủ đô Bắc Kinh, Hiệp hội Công nghiệp Máy tính Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn đã thành lập một ủy ban tổng hợp trong năm nay để soạn thảo các tiêu chuẩn ngành, giúp các cơ quan hữu quan tạo ra bản đồ lộ trình của ngành và thành lập quỹ 1 tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp.

Hồi tháng 1, thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc (miền trung Trung Quốc) và Hợp Phì của tỉnh An Huy (phía đông Trung Quốc) đều cam kết sẽ thúc đẩy phát triển metaverse trong 5 năm tới.

Vũ Hán cho biết họ nhằm mục đích tích hợp siêu dữ liệu lớn, big data (dữ liệu lớn), điện toán đám mây và blockchain với “nền kinh tế thực”, trong khi Hợp Phì thông báo sẽ phát triển một số công ty và sản phẩm hàng đầu trong “các lĩnh vực tiên tiến” như metaverse.

Thế nhưng, một số nơi đã trở nên thận trọng hơn với một số yếu tố metaverse nhất định. Khi cập nhật kế hoạch metaverse công nghiệp  từ năm 2022 đến 2025, chính quyền thành phố Vũ Hán đã xóa một dòng về NFT (mã thông báo không thể thay thế).

Được công bố vào tháng 8, kế hoạch dự thảo ban đầu tuyên bố rằng các nhà chức trách sẽ tăng cường nỗ lực thu hút doanh nghiệp và đầu tư vào Vũ Hán trong các lĩnh vực như NFT. Tuy nhiên, vì giao dịch và khai thác tiền mã hóa bị cấm ở Trung Quốc, các tổ chức nhà nước đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển blockchain mà không có sự tham gia của NFT.

bao-trung-quoc-canh-giac-voi-con-sot-metaverse11.jpg
Một khách dùng thử kính thực tế tăng cường tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải vào tháng 9.2022 - Ảnh: Bloomberg

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã duy trì việc cảnh giác về metaverse. Tờ Nhân dân Nhật báo đề cập vào tháng 11.2021 rằng người dân cần “duy trì lý trí để hiểu rõ về cơn cuồng loạn hiện tại”. Một tháng sau, Nhân dân Nhật báo cho biết bất kỳ ai tham gia vào việc bán tài sản ảo đều có nguy cơ "bị bỏng".

Tháng 11.2021, Nhật báo Kinh tế cũng đã cảnh báo chống lại giao dịch đầu cơ với các cổ phiếu liên quan ý tưởng metaverse, khiến giá chúng lao dốc trước khi tăng trở lại. Trong một bài bình luận, Nhật báo Kinh tế cho biết các nhà giao dịch bán lẻ nên tránh vội vàng đầu tư vào một ý tưởng “chưa trưởng thành” như metaverse, vì nó là thứ đòi hỏi đầu tư và phát triển lâu dài.

Ngành công nghiệp metaverse đối mặt với một con đường gập ghềnh

Ở nước ngoài, ngành công nghiệp metaverse cũng đang phải đối mặt với một con đường gập ghềnh. Facebook đã đổi tên thành Meta Platforms vào năm ngoái để thể hiện cam kết của mình với ý tưởng tương lai nhưng chuẩn bị sa thải hàng ngàn nhân viên vào sáng 9.11 (giờ địa phương).

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, nói hôm 8.11 rằng ông phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của công ty và sự lạc quan quá mức về sự tăng trưởng dẫn đến tình trạng thừa nhân viên, theo tờ Wall Street Journal.

Mark Zuckerberg đề cập các đợt cắt giảm lực lượng lao động giảm lớn, đặc biệt nhắc đến các đội tuyển dụng và kinh doanh như những người phải đối mặt với việc bị sa thải.

Lori Goler, người đứng đầu bộ phận nhân sự của Meta Platforms, cho biết những nhân viên bị mất việc sẽ được trợ cấp ít nhất 4 tháng lương, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn từ những người quen thuộc với vấn đề này. Meta Platforms thông báo có hơn 87.000 nhân viên vào cuối tháng 9.

Động thái này diễn ra sau khi Twitter cắt giảm một nửa lực lượng lao động của mình trong các nhóm từ truyền thông, quản lý nội dung, sản phẩm đến kỹ thuật thời điểm Elon Musk tiếp quản công ty với giá 44 tỉ USD. Tuy nhiên, tờ Bloomberg đưa tin Twitter đã liên hệ với hàng chục nhân viên bị sa thải, đề nghị họ quay trở lại làm việc.

Một số trong số những người được đề nghị trở lại Twitter từng bị sa thải do nhầm lẫn. Những người khác bị cho thôi việc trước khi ban lãnh đạo nhận ra rằng công việc và kinh nghiệm của họ có thể cần thiết để xây dựng các tính năng mới mà Elon Musk hình dung.

Microsoft cũng sa thải khoảng 1.000 nhân viên tại một số bộ phận vào tháng 10, theo trang Axios.

bao-trung-quoc-canh-giac-voi-con-sot-metaverse.jpg
Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms cam kết với metaverse dù đang thua lỗ nặng

Theo đuổi metaverse có thể khiến Meta Platforms gặp nhiều khó khăn trong tương lai khi công ty dự kiến ​​mức lỗ cao hơn đáng kể vào năm 2023 cho Reality Labs. Thế nhưng, Mark Zuckerberg từng kêu gọi các cổ đông hãy kiên nhẫn, nói rằng những ai đầu tư vào Meta Platforms "cuối cùng sẽ được đền đáp".

Điều đó không làm Phố Wall hài lòng. Giá cổ phiếu Meta Platforms đã giảm hơn 70% cho đến nay trong năm 2022.

Reality Labs, đơn vị giám sát các hoạt động metaverse của Meta Platforms, đã báo cáo khoản lỗ 3,67 tỉ USD trong quý 3/2022. Điều này đưa tổng số lỗ của Reality Lab kể từ đầu năm 2021 là gần 20 tỉ USD.

David Wehner, Giám đốc tài chính Meta Platforms, cho biết trong một thông cáo báo chí công bố thu nhập quý 3/2022 của công ty: “Chúng tôi dự đoán rằng khoản lỗ hoạt động của Reality Labs vào năm 2023 sẽ tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước”.

Dù vậy, Mark Zuckerberg tuyên bố trong cuộc họp báo thu nhập rằng: "Mọi người sẽ nhìn lại nhiều thập kỷ kể từ bây giờ" và nói về tầm quan trọng của dự án.

"Tôi hiểu rằng nhiều người có thể không đồng ý với khoản đầu tư này. Thế nhưng, tôi nghĩ đây sẽ là một điều rất quan trọng và sẽ là sai lầm nếu chúng tôi không tập trung vào bất cứ gì trong lĩnh vực này mà về cơ bản sẽ quan trọng với tương lai”, Mark Zuckerberg nói trong cuộc gọi với các nhà phân tích.

Mark Zuckerberg nhấn mạnh cam kết của mình với metaverse, nói rằng đó không chỉ là về tai nghe VR (thực tế ảo), thiết bị mà hầu hết mọi người liên kết với dự án vì nó là thứ đầu tiên Meta Plaforms ra mắt. Tuy nhiên, đó là một "danh mục đầu tư khá rộng" với các sáng kiến ​​khác, chẳng hạn nền tảng metaverse xã hội, theo Mark Zuckerberg.

Ngay bây giờ, đó vẫn là phiên bản đầu tiên của sản phẩm cuối cùng mà vẫn còn một chặng đường dài trước khi nó xuất hiện", Giám đốc điều hành Meta Plaforms nói thêm.

Bài liên quan
Tim Cook tiết lộ lý do Apple không chạy theo metaverse như Meta và các đối thủ
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng truyền thông Bright (Hà Lan) rằng sự lưỡng lự của công ty với việc tham gia vào trào lưu metaverse là có chủ đích.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Trung Quốc cảnh giác với cơn sốt metaverse khi Meta sa thải hàng ngàn nhân viên