Không như trước đây, nhiều người Nhật Bản đã cởi mở hơn với việc mua smartphone cũ.
Trong nhiều năm, người Nhật Bản háo hức mua sắm những thiết bị điện tử mới nhất. Giờ đây, đồng yên giảm giá khiến một số người không thể tiếp cận với những chiếc iPhone 14 và kích thích hoạt động buôn bán đồ cũ ngày càng tăng tại thị trường lớn của Apple.
Đồng yên của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với USD, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thúc đẩy sự thay đổi chi tiêu rộng rãi hơn trong nền kinh tế số 3 thế giới. Những chuyên gia theo dõi ngành cho biết người mua sắm ở Nhật Bản đã cởi mở hơn với việc mua đồ cũ, một phần nhờ vào sự gia tăng của các trang đấu giá trực tuyến.
Vào tháng 7, Apple đã tăng giá iPhone 13 lên gần 1/5. iPhone 14 cơ bản sau đó đã ra mắt với giá cao hơn 20% so với iPhone 13, ngay cả khi giá ở Mỹ không đổi ở mức 799 USD. Trong khi USD tăng so với các đồng tiền toàn cầu năm nay thì đồng yên bị ảnh hưởng đặc biệt, giảm 22%.
Salaryman Kaoru Nagase muốn có một chiếc smartphone mới nhưng bỏ qua iPhone 14, giá khởi điểm 119.800 yên (814 USD). Thay vào đó, Salaryman Kaoru Nagase mua chiếc iPhone SE 2 đã qua sử dụng tại khu điện tử Akihabara của Tokyo (thủ đô Nhật Bản) với giá chưa đến 1/3.
"Với giá hơn 100.000 yên, chiếc iPhone 14 quá đắt và tôi không đủ tiền mua nó. Sẽ ổn thôi nếu pin kéo dài trong 10 năm", Salaryman Kaoru Nagase nói.
Theo Salaryman Kaoru Nagase, iPhone SE 2 (được phát hành vào năm 2020) không có camera kép phía sau như iPhone 14 nhưng là sự cân bằng tốt giữa chi phí và tính năng.
Apple từ chối bình luận về câu chuyện này. Song trong một hồ sơ quy định hàng năm vào tháng trước, Apple nói doanh số bán hàng của Nhật Bản đã giảm 9% vào năm tài chính kết thúc hôm 24.9 do đồng yên suy yếu.
Luca Maestri, Giám đốc tài chính Apple, cũng thừa nhận với các nhà phân tích vào tháng trước rằng đồng USD mạnh dẫn đến việc tăng giá sản phẩm của họ ở một số quốc gia, nhưng doanh số bán hàng vẫn tăng hai con số tại Việt Nam, Indonesia và các thị trường khác đang đối mặt với những thách thức về tiền tệ.
Theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ MM Research Institute, doanh số smartphone đã qua sử dụng tăng gần 15% ở Nhật Bản lên mức kỷ lục 2,1 triệu chiếc trong năm tài chính vừa qua và có khả năng đạt 3,4 triệu chiếc vào 2026.
"iPhone mới nhất hiện có giá trên 100.000 yên"
Taishin Chonan mua chiếc iPhone 13 đã qua sử dụng sau khi màn hình bị nứt trên một trong hai thiết bị mà anh mang theo để sử dụng cho mục đích cá nhân. Đó là sự thay thế có độ phân giải cao hơn, pin và camera tốt hơn iPhone 7 mà Taishin Chonan đang dùng.
"Trước đây, tôi chỉ mua điện thoại di động mới. Đây là lần đầu tiên tôi mua điện thoại di động đã qua sử dụng, còn smartphone mới thì đắt tiền", chàng trai 23 tuổi nói.
Ngay cả sau khi tăng giá, iPhone 14 được bán ở Nhật Bản vẫn rẻ nhất trong số 37 quốc gia khi chưa tính thuế, MM Research Institute báo cáo trong một cuộc khảo sát hồi tháng 9. Công ty nghiên cứu này cho biết thêm đồng yên suy yếu có thể khiến Apple tăng giá một lần nữa, có khả năng làm giảm 50% thị phần smartphone của họ trên thị trường Nhật Bản.
Daisuke Inoue, Giám đốc điều hành Belong Inc, một đơn vị của nhà kinh doanh Itochu Corp chuyên bán điện thoại di động đã qua sử dụng trực tuyến, nói những chiếc iPhone mới nhất hiện có giá trên 100.000 yên. Đây là "rào cản tâm lý lớn" với nhiều người mua sắm.
Daisuke Inoue nói doanh số bán hàng trung bình trên trang thương mại điện tử Nicosuma của Belong Inc đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Apple tăng giá vào tháng 7 so với mức trung bình ba tháng trước đó. Tại trung tâm điều hành của Belong Inc bên ngoài Tokyo, các lô hàng điện thoại di động đã qua sử dụng được mở hộp và phân loại trước khi công nhân ngồi trên bàn dài kiểm tra, phân loại, làm sạch.
Những chiếc điện thoại này sau đó được chụp từ nhiều góc độ để rao bán trên mạng. Daisuke Inoue nói Belong Inc sử dụng mạng lưới toàn cầu của Itochu Corp để cung cấp các thiết bị đã qua sử dụng ở cả Nhật Bản và nước ngoài, tùy thuộc vào nơi có giá tốt nhất.
Một số thiết bị được mua từ các doanh nghiệp, chẳng hạn máy tính bảng trước đây sử dụng để thanh toán trong quán cà phê hoặc màn hình hiển thị trên taxi, ông nói.
Nhiều người Nhật Bản có truyền thống cảnh giác với đồ cũ, gồm cả đồ điện tử, nhưng điều đó đang thay đổi.
Trang web thương mại Mercari đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số smartphone đã qua sử dụng, trong khi doanh số bán thiết bị gia dụng và điện tử cũng tăng trưởng.
Việc Nhật Bản mở cửa trở lại với khách du lịch nước ngoài giúp thị trường iPhone cũ phát triển thêm. Chuỗi bán lẻ Iosys Co Ltd đã chứng kiến lượng khách du lịch nước ngoài mua iPhone đã qua sử dụng tăng vọt trong hai tháng qua.
Takashi Okuno, Giám đốc điều hành Iosys Co Ltd, cho biết: “Đồng yên tiếp tục suy yếu. Xu hướng đến thăm Nhật Bản và mua iPhone đang quay trở lại".