Bị các công tố viên Mỹ cáo buộc đánh cắp công nghệ của Mỹ để làm lợi cho Huawei, Bo Mao hôm 4.12 đã nhận tội nói dối FBI. Bo Mao dự kiến sẽ được phép trở về nhà sau khi các công tố viên quyết định không truy tố ông một cáo buộc nghiêm trọng hơn.
Giáo sư Trung Quốc - Bo Mao đã bị buộc tội âm mưu lừa đảo CNEX Labs và phải đối mặt với án tù 20 năm. Bo Mao là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Texas khi bị bắt vào tháng 8.2019 và giam giữ trong 6 ngày.
CNEX Labs là công ty khởi nghiệp với công nghệ SSD ở Thung lũng Silicon, phía Bắc California, Mỹ, cung cấp các giải pháp hệ thống sáng tạo dưới dạng chất bán dẫn và phần mềm.
Năm nay 37 tuổi, Bo Mao đã nhận tội với tội danh nhẹ hơn là đưa ra tuyên bố sai sự thật trong một video xuất hiện trước Thẩm phán Pamela Chen ở quận Brooklyn, thành phố New York. Mỹ. Dự kiến Bo Mao sẽ bị kết án có thời hạn và rời khỏi Mỹ vào ngày 16.12 tới.
Bo Mao ban đầu bị cáo buộc đã ký một thỏa thuận với công ty không xác định để sử dụng bảng mạch của họ cho việc nghiên cứu và chia sẻ thông tin độc quyền với một công ty Trung Quốc. Theo Reuters, hai công ty này lần lượt là CNEX Labs và Huawei.
Tại phiên điều trần, Bo Mao thừa nhận thông qua một phiên dịch viên tiếng Quan Thoại nói với các nhân viên FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ) rằng không biết bất kỳ ai tại một trường Đại học Texas sở hữu bảng mạch này. Thế nhưng, Bo Mao đã tìm cách tiếp cận bảng mạch.
Công tố viên Sarah Evans đã tuyên bố với thẩm phán rằng Bo Mao nói dối để che giấu nỗ lực tiếp cận bảng mạch thay một công ty được cho là Huawei.
Vụ bắt giữ Bo Mao diễn ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp Mỹ đàn áp ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường đại học vì cáo buộc gián điệp và Chính phủ Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Hôm 2.12, hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phải rời Mỹ trong bối cảnh Mỹ siết chặt chiến dịch xử lý các đối tượng đánh cắp công nghệ.
Theo Reuters, John Demers, Giám đốc Bộ phận An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hàng loạt nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã rời Mỹ khi bộ này khởi tố nhiều vụ án hình sự nhằm vào các gián điệp kinh tế và công nghệ.
"Chỉ người Trung Quốc mới có đủ nguồn lực, khả năng cũng như ý chí để tham gia những hoạt động gây ảnh hưởng nước ngoài mà các cơ quan Mỹ đã phát hiện trong những năm gần đây", ông Demers nhấn mạnh.
Một quan chức khác cho biết thêm, nhóm này khác với những người thuộc nhóm mà Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến hồi tháng 9 khi Washington quyết định thu hồi thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc bị cho là mang lại "nguy cơ an ninh".
Theo quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, các nhà nghiên cứu mà ông Demers đề cập đến là những người mà giới chức Mỹ tin rằng có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, đã rời Mỹ sau khi FBI tiến hành các cuộc thẩm vấn ở hơn 20 thành phố và Bộ Ngoại giao Mỹ đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hồi tháng 7.
Trong khi đó, William Evanina, người đứng đầu bộ phận phản gián của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI), cho biết các đặc vụ Trung Quốc đã nhắm đến các thành viên trong chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden và những người thân cận.
Tuy nhiên, Evanina không nêu chi tiết về điều này và khẳng định các nhà nghiên cứu Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của Washington đều đến Mỹ theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc.
Vụ bắt giữ Bo Mao cũng diễn ra trước khi các công tố viên liên bang Brooklyn bổ sung các cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại vào bản cáo trạng năm 2018 của họ với Huawei.
Vụ kiện chống lại Huawei đang chờ xử lý ở Brooklyn. Vào năm 2018, Huawei và Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu (con gái nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei - Nhậm Chính Phi) đã bị buộc tội lừa dối ngân hàng hòng che giấu hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran – vi phạm lệnh trừng phạt do chính quyền Trump áp đặt.
Các cáo buộc được bổ sung vào tháng 2.2020 bao gồm hành vi trộm cắp bí mật thương mại của CNEX. Song, Huawei đã không nhận tội.
Trong một vụ kiện dân sự ở Texas, bồi thẩm đoàn năm ngoái đã phát hiện Huawei đã chiếm đoạt bí mật của CNEX, nhưng không có thiệt hại nào.
Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada vào năm 2018 liên quan đến vụ án hình sự. Mạnh Vãn Châu nói rằng vô tội và đã chiến đấu với việc dẫn độ.
Các luật sư của ấy Mạnh Vãn Châu đang đàm phán với Bộ Tư pháp Mỹ, báo hiệu một khả năng kết thúc vụ kiện chống lại bà, vốn đã làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada. Nguồn tin của Reuters tiết lộ Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra đề nghị với phía Mạnh Vãn Châu rằng sẽ thả bà trở về Trung Quốc nếu nhận tội. Giám đốc Tài chính Huawei một mực khẳng định bản thân không làm gì sai nên chần chừ chưa nhận tội, nguồn tin cho biết.
Hiện Huawei, Bộ Tư pháp Mỹ và Bộ Ngoại giao Canada đều chưa đưa ra bình luận gì.