Ciaran Martin nói rằng Vương quốc Anh sẽ không thay đổi lập trường với Huawei khi Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, chê chính quyền Trump chống lại công nghệ Trung Quốc theo cách lộn xộn nhưng cho thấy những lỗ hổng trong an ninh mạng ở các nước châu Âu.

‘Chính quyền Biden sẽ không đảo ngược các lệnh trừng phạt Huawei của Trump'

Nhân Hoàng | 30/11/2020, 12:20

Ciaran Martin nói rằng Vương quốc Anh sẽ không thay đổi lập trường với Huawei khi Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, chê chính quyền Trump chống lại công nghệ Trung Quốc theo cách lộn xộn nhưng cho thấy những lỗ hổng trong an ninh mạng ở các nước châu Âu.

"Nhà chức trách Anh sẽ không thay đổi quyết định loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của nước này sau khi Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng". Đây là nhận định của Ciaran Martin, cựu quan chức an ninh mạng Anh - từng đứng đầu phương pháp tiếp cận của London.

Theo trang Politico, Ciaran Martin, cựu lãnh đạo Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh chuyên giám sát các quy tắc bảo mật của các nhà khai thác viễn thông và cũng kiểm tra thiết bị Huawei, cho biết: “Quyết định của Vương quốc Anh khó có thể thay đổi”.

Ciaran Martin không tin chính quyền Biden sắp tới sẽ đảo ngược các lệnh trừng phạt Huawei của Trump. Theo ông, ngay cả khi lệnh trừng phạt được lùi lại thì nó có thể cũng được khôi phục.

“Điểm mấu chốt của việc cắt giảm và thay đổi liên tục bây giờ cho chúng ta biết rằng sự tham gia của Huawei có thể bị tê liệt bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ", Ciaran Martin cho hay.

Chính phủ Anh vào tháng 7 đã quay lưng lại với nhà cung cấp Trung Quốc bằng quyết định cấm mua thiết bị Huawei mới từ tháng 1.2021 và buộc các nhà khai thác phải tách bộ công cụ Huawei hiện có khỏi mạng 5G vào năm 2027.

Reuters đưa tin các công ty viễn thông của Anh có thể bị phạt tới 10% doanh thu hoặc 100.000 bảng Anh (133.140 USD) mỗi ngày nếu vi phạm lệnh cấm sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất theo luật mới được đưa ra hôm 24.11. Dự luật Viễn thông (An ninh) sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn bảo mật của các mạng viễn thông Vương quốc Anh và loại bỏ mối đe dọa từ các nhà cung cấp có rủi ro cao.

Quyết định hồi tháng 7 của Vương quốc Anh đánh dấu một thời điểm quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thuyết phục các nhà lập pháp trên toàn thế giới cấm công ty viễn thông Trung Quốc, vốn có thị phần đáng kể về cung cấp thiết bị cho các mạng viễn thông châu Âu.

Ciaran Martin, người đang giảng dạy tại Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik của Đại học Oxford (Anh) kể từ khi rời nhiệm sở vào mùa hè, đã chê bai cách tiếp cận của chính quyền Trump trong việc làm tê liệt công nghệ Trung Quốc, gọi chiến lược này là "rất lộn xộn".

Ciaran Martin nói: “Đối với các kỹ sư bảo mật, thuật ngữ ‘Mạng lưới sạch’ không có ý nghĩa gì cả", đề cập đến chiến lược của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc về các công nghệ bao gồm điện toán đám mây, mạng xã hội và cơ sở hạ tầng internet".

Tuy nhiên, Ciaran Martin cho biết chiến dịch của Mỹ đã tiết lộ một lỗ hổng quan trọng ở Anh và các nước châu Âu bằng cách chứng minh các biện pháp trừng phạt đơn phương với một công ty Trung Quốc có thể trở thành rủi ro không thể kiểm soát được.

Theo Ciaran Martin, lỗ hổng quan trọng còn lại trong bảo mật mạng viễn thông của Vương quốc Anh là thiếu các nhà cung cấp thiết bị khả thi để cạnh tranh với Ericsson và Nokia – hai đối thủ châu Âu của Huawei đang thống trị các thị trường mà các nhà cung cấp Trung Quốc bị cấm.

"Bạn không thể chỉ tuyên bố tồn tại trong các nền kinh tế thị trường thay thế cho Huawei. Sẽ mất rất nhiều thời gian, rất nhiều tiền, rất nhiều sự phối hợp. Chúng ta đang nói về việc cạnh tranh với một nền kinh tế 1,5 tỉ dân do nhà nước kiểm soát với chiến lược 25 năm. Vì vậy, bạn đang nói về sự liên kết chưa từng có của các quốc gia cùng chí hướng, hợp tác theo những cách họ chưa từng làm. Đó là một nhiệm vụ lớn, rất lớn", Ciaran Martin nói.

chinh-quyen-biden-se-khong-duoc-nguoc-quyet-dinh-trung-phat-huawei-cua-trump-hinh-anh.jpg
Ciaran Martin tin chính quyền Biden sẽ không đảo ngược các lệnh trừng phạt Huawei của Trump

Hôm 30.11, Chính phủ Anh cho biết các công ty viễn thông nước này không được lắp đặt thiết bị Huawei 5G mới sau tháng 9.2021. Đây là một phần trong kế hoạch loại bỏ thiết bị của công ty Trung Quốc khỏi mạng di động tốc độ cao.

Anh đã ra lệnh tách tất cả thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của mình vào cuối năm 2027 vì cho rằng công ty Trung Quốc là rủi ro bảo mật.

Trung Quốc đã chỉ trích quyết định đó. Huawei cho biết rất thất vọng khi Anh đang tìm cách loại trừ họ khỏi việc triển khai 5G sau khi công bố luật mới hôm 24.11 có thể khiến các công ty viễn thông bị phạt tiền nếu vi phạm lệnh cấm.

Thông báo hôm 30.11 được đưa ra trước cuộc tranh luận về luật viễn thông mới tại Quốc hội Anh và đưa ra lịch trình loại bỏ thiết bị.

Tôi đang vạch ra một con đường rõ ràng để loại bỏ hoàn toàn các nhà cung cấp rủi ro cao khỏi mạng 5G của chúng ta. Điều này sẽ được thực hiện thông qua các quyền lực mới, chưa từng có để xác định và cấm các thiết bị viễn thông gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của chúng ta”, Bộ trưởng kỹ thuật số Anh - Oliver Dowden tuyên bố.

Chính phủ Anh cũng đã công bố một chiến lược mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng 5G, bao gồm khoản đầu tư ban đầu 250 triệu bảng Anh, các thử nghiệm phối hợp với công ty NEC của Nhật Bản và thành lập các cơ sở nghiên cứu mới.

Anh cho biết quyết định hồi tháng 7 liên quan đến mối lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ với công nghệ chip có thể ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng. Thời điểm đó, Huawei cho biết quyết định này là đáng thất vọng và do tác động của Mỹ hơn là lo ngại an ninh quốc gia.

Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen (danh sách thực thể) vào năm ngoái. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ bị hạn chế bán sản phẩm cho Huawei.

Các công ty Mỹ phải có giấy phép từ chính phủ nếu muốn bán hàng cho các hãng Trung Quốc trong danh sách đen.

Tháng 5.2020, Washington sửa đổi quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị và công nghệ sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi có thể bán chất bán dẫn cho Huawei. Chính phủ Mỹ đã thắt chặt quy tắc này vào tháng 8.2020, động thái có thể dẫn đến việc loại Huawei khỏi mảng bán dẫn quan trọng.

Huawei thiết kế chip smartphone của riêng mình có tên Kirin thông qua công ty con HiSilicon. Thế nhưng, Kirin được sản xuất bởi Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC). Đây là nhà sản xuất chip theo hợp đồng của Đài Loan và dựa trên công nghệ Mỹ. Từ ngày 15.9, TSMC không thể cung cấp chip cho Huawei theo lệnh từ chính quyền Trump.

Bài liên quan
Huawei bị Mỹ kìm hãm, các công ty smartphone Trung Quốc đua nhau xâu xé thị phần
Các công ty sản xuất smartphone Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo đang có động thái tích cực để giành lấy thị phần từ Huawei sau khi các biện pháp trừng phạt tăng cường từ Mỹ làm cản trở chuỗi cung ứng của gã khổng lồ này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Chính quyền Biden sẽ không đảo ngược các lệnh trừng phạt Huawei của Trump'