Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đang mất nhiều thị phần hơn vào tay đối thủ ở Trung Quốc, với BMW, Volkswagen và General Motors báo cáo doanh số tiếp tục giảm trong tháng 8.
Thế giới số

BMW, General Motors, Toyota mất thêm thị phần ở Trung Quốc khi quá trình chuyển đổi sang ô tô điện chậm

Sơn Vân 18:56 20/09/2024

Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đang mất nhiều thị phần hơn vào tay đối thủ ở Trung Quốc, với BMW, Volkswagen và General Motors báo cáo doanh số tiếp tục giảm trong tháng 8.

Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài từ BMW (Đức) đến Toyota (Nhật Bản) đang mất thêm thị phần về tay đối thủ Trung Quốc tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, phải trả giá cho quá trình chuyển đổi chậm hơn sang điện khí hóa, theo số liệu thống kê của ngành.

Điện khí hóa là quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như xăng và dầu diesel, sang năng lượng điện để vận hành các phương tiện, thiết bị hoặc hệ thống. Trong ngữ cảnh ô tô, điện khí hóa thường đề cập đến việc phát triển và sản xuất các loại ô tô điện hoặc xe hybrid (lai) sử dụng động cơ điện thay vì chỉ sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

Hiệp hội Ô tô chở khách Trung Quốc (CPCA) thông báo các thương hiệu quốc tế, thông qua các liên doanh địa phương của họ, đã giao 480.000 xe hơi vào tháng 8, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của họ trong cùng kỳ giảm từ 48% xuống còn 36,6%. Doanh số ô tô của BMW ở Trung Quốc trong tháng 8 giảm 42% xuống còn 34.846 chiếc.

Việc suy giảm nhanh chóng này trái ngược sự thống trị của các thương hiệu nước ngoài chỉ một thập kỷ trước, khi họ chiếm 80% thị phần ở Trung Quốc, trước khi sự chuyển dịch sang ô tô điện diễn ra mạnh mẽ và mối lo ngại về biến đổi khí hậu cùng khí thải carbon gia tăng.

“Chỉ có một tỷ lệ nhỏ ô tô điện đến từ các thương hiệu nước ngoài khiến chúng mất đi sức hấp dẫn với người mua sắm Trung Quốc. Ngược lại, các công ty trong nước đã tăng tốc vào tháng 8 với doanh số ô tô điện tăng vọt”, Cui Dongshu, Tổng thư ký CPCA tại Thượng Hải, cho hay.

Doanh số ô tô điện, gồm các mẫu xe chạy bằng pin và xe hybrid chạy bằng xăng lẫn pin, tăng 43,2% lên 1,03 triệu chiếc vào tháng 8 ở Trung Quốc, chiếm 53,9% lượng xe được giao trên toàn quốc. CPCA cho biết ô tô điện cũng bán chạy hơn xe hơi chạy bằng xăng vào tháng 7, với tỷ lệ 51,1% so với 48,9%.

Trong số lượng giao hàng của các thương hiệu ô tô Trung Quốc, gần 4 trong 5 xe (tức 75,9%) là các mẫu xe thuần điện hoặc plug-in hybrid.

Xe plug-in hybrid (PHEV), hay còn gọi là xe hybrid sạc điện, sử dụng kết hợp cả động cơ đốt trong và động cơ điện giống như xe hybrid thông thường. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính so với xe hybrid thông thường là PHEV có thể được sạc điện trực tiếp từ nguồn điện bên ngoài thông qua phích cắm, giúp tăng phạm vi di chuyển bằng điện. Điều này vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm phát thải khí nhà kính so với các ô tô chỉ sử dụng động cơ đốt trong.

Dữ liệu từ CPCA cho thấy tổng doanh số ô tô điện của các thương hiệu nước ngoài, gồm cả 63.456 chiếc Tesla được giao tại Trung Quốc, chỉ chiếm 10% tổng doanh số ô tô điện ở nước này vào tháng 8. Theo dữ liệu của CPCA, lượng ô tô điện được giao bởi các nhà sản xuất ô tô truyền thống nước ngoài như Volkswagen và Honda chỉ chiếm 8% tổng doanh số của họ.

Tốc độ điện khí hóa nhanh chóng trên các con đường Trung Quốc đại lục đã gia tăng áp lực lên các hãng sản xuất ô tô lớn, vốn phải giảm giá xe chạy bằng xăng để tồn tại trong cuộc cạnh tranh. Cui Dongshu cho biết hầu hết nhà sản xuất ô tô từ BYD đến BMW và Xpeng đều đã tham gia vào cuộc chiến giá cả để bảo vệ thị phần của họ trên thị trường Trung Quốc đại lục.

Giữa lúc biên lợi nhuận bị thu hẹp, BMW là hãng đầu tiên từ bỏ việc giảm giá mạnh vào giữa tháng 7. Tất cả đại lý ô tô BMW đã tăng giá 30.000 nhân dân tệ (4.249 USD) lên 50.000 nhân dân tệ, ngừng cung cấp các khoản ưu đãi để giúp củng cố lợi nhuận.

BMW báo cáo doanh số ô tô giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 375.900 chiếc tại Trung Quốc đại lục trong nửa đầu năm 2024, trái ngược với mức tăng 2,3% trong số lượng xe giao trên toàn cầu. Theo báo cáo của CPCA, các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đã gặp phải mức lỗ cao hơn trong hai tháng 7 và 8 so với cùng kỳ năm trước.

bmw-general-motors-toyota-mat-them-thi-phan-o-trung-quoc-khi-qua-trinh-chuyen-doi-sang-xe-dien-cham.jpg
BMW, Volkswagen và General Motors báo cáo doanh số ô tô tiếp tục giảm ở Trung Quốc vào tháng 8 - Ảnh: SCMP

Tian Maowei, Giám đốc bán hàng tại Yiyou Auto Service, cho hay: "Các nhà sản xuất ô tô quốc tế đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan ở đây. Họ sẽ mất doanh số nếu giữ nguyên giá, hoặc duy trì doanh số bằng cách cắt giảm giá nhưng phải trả bằng biên lợi nhuận". Yiyou Auto Service là công ty dịch vụ ô tô tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Theo Tian Maowei, do doanh số giảm mạnh, các hãng ô tô nước ngoài sẽ phải sản xuất nhiều xe điện hơn để thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi của Trung Quốc. "Nếu không, các công ty này sẽ phải vật lộn với vấn đề dư thừa ô tô nghiêm trọng vì xe chạy bằng xăng không còn duy trì được đà bán hàng nữa", ông nhận định.

Theo bản tin của trang Bloomberg tuần này, Volkswagen (Đức) và đối tác SAIC Motor (Trung Quốc) có kế hoạch đóng cửa một nhà máy ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) vào đầu năm 2025, với lý do nhu cầu ô tô chạy bằng động cơ đốt trong đang suy yếu.

Nhà máy tại Nam Kinh này, nơi tạo ra ô tô VW Passat và Skoda, có công suất sản xuất hàng năm là 360.000 chiếc. Theo Bloomberg, liên doanh đó có khả năng sẽ đóng cửa thêm nhiều nhà máy nữa trong tương lai.

SAIC Volkswagen (liên doanh Volkswagen và SAIC Motor) đã giao 85.000 ô tô vào tháng 8, thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Cũng có liên doanh với SAIC Motor, General Motors (Mỹ) báo cáo mức giảm doanh số ô tô 30% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 84.000 chiếc.

Theo CPCA, các thương hiệu ô tô Đức chiếm 16,6% thị phần tại Trung Quốc đại lục vào tháng 8, so với 20,1% ở cùng kỳ năm trước. Thị phần của các hãng ô tô Nhật Bản giảm từ 16,8% xuống còn 12,6% vào tháng 8. Trong khi các công ty ô tô Mỹ chỉ chiếm 5,7% thị phần tại Trung Quốc đại lục vào tháng 8, giảm từ 8,6% của cùng kỳ năm trước.

Các nhà phân tích từ Information Technology and Innovation Foundation (ITIF), nhóm nghiên cứu tại Washington, vừa trình bày những phát hiện của họ tại một sự kiện ở Đồi Capitol, kêu gọi các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách Mỹ giải quyết những thách thức do sự đổi mới của Trung Quốc đặt ra.

"Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng dù hệ thống đổi mới của Trung Quốc không hoàn hảo, nhưng mạnh mẽ hơn nhiều so với sự hiểu biết trước đây. Bằng chứng đến nay cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đứng đầu về tổng thể nhưng đã dẫn đầu trong một số lĩnh vực nhất định. Ở nhiều lĩnh vực khác, các công ty Trung Quốc có khả năng sẽ ngang bằng hoặc vượt qua những hãng phương Tây trong vòng một thập kỷ hoặc lâu hơn", Stephen Ezell, Phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại ITIF, phát biểu tại cuộc họp.

Trong lĩnh vực ô tô, Stephen Ezell mô tả: "Thật đáng kinh ngạc khi Trung Quốc chỉ sản xuất 5.200 xe vào năm 1985 và năm nay dự kiến ​​tạo ra 26,8 triệu chiếc. Con số đó sẽ chiếm 21% thị phần toàn cầu. Dự kiến ​​Trung Quốc sẽ đạt 30% thị phần toàn cầu cuối thập kỷ này".

Hiện tại, Trung Quốc sản xuất 62% ô tô điện và 77% pin ô tô trên thế giới.

Bài liên quan
Dùng AI phát triển pin sạc nhanh hơn, chứa nhiều năng lượng hơn có thể giúp tăng doanh số ô tô điện
Nhu cầu về ô tô ở Mỹ đã hạ nhiệt trong năm qua, khiến một số công ty tạm dừng các khoản đầu tư lớn do doanh số tăng chậm hơn dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giải thưởng chính VinFuture 2024: Vinh danh 5 nhà khoa học nghiên cứu thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Giải thưởng chính VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD được trao cho 5 nhà khoa học vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu (deep learning).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BMW, General Motors, Toyota mất thêm thị phần ở Trung Quốc khi quá trình chuyển đổi sang ô tô điện chậm