Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, số nợ của nhà thầu là có nhưng không phải ở mức quá nhiều. TP.HCM đang rà soát phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục thực hiện để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lên tiếng về cảnh báo của Đại sứ Nhật đối với tuyến Metro số 1

04/12/2018, 06:41

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, số nợ của nhà thầu là có nhưng không phải ở mức quá nhiều. TP.HCM đang rà soát phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục thực hiện để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Ảnh: VGP

Trả lời báo chí về lá thư của Đại sứ Nhật cảnh báo tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có nguy cơ dừng thi công tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 3.12, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.388 tỉ đồng, đã bao gồm vốn tài trợ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Theo ông Dũng, sau khi có ý kiến của tư vấn độc lập, bộ ngành liên quan năm 2011, Thành phố đã phê duyệt tổng mức điều tư lên 47.325 tỉ đồng. Như vậy, theo Nghị quyết 49, dự án với tổng mức đầu tư lớn như vậy muốn phê duyệt phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

“TP.HCM vừa qua có báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT sẽ có báo cáo bằng công văn liên quan đến đề nghị của TP.HCM. Hiện Bộ GTVT đang lập báo cáo”, ông nói.

Theo ông Dũng, thư của Đại sứ Nhật gửi lên Thủ tướng bày tỏ lo ngại về việc thanh toán của nhà thầu sẽ khó khăn, mới giải ngân được 52%. Như vậy, số nợ của nhà thầu là có nhưng không phải ở mức quá nhiều. Thành phố đang rà soát phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục thực hiện để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án Tuyến metro số 1, TP.HCM đoạn Bến Thành - Suối Tiên.

Theo ông Umeda Kunio, hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại Dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD, áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn. Đại sứ nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12.2018 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.

“Tôi trân trọng đề nghị ngài Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo mạnh mẽ các sở ngành liên quan của TP.HCM, đặc biệt là Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) để sớm giải quyết vấn đề này”, công thư nêu rõ.

Liên quan đến gói thầu xây lắp CP2 do liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco4 đang thực hiện, Đại sứ Nhật cho biết vì vấn đề giải phóng mặt bằng mà việc thi công gói thầu này đã bị chậm trễ, dẫn tới việc liên danh nhà thầu đã thi công vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng hiện tại (tháng 1.2018).

Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM đã đưa ra ý kiến không thể thanh toán chi phí thi công sau ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng nên việc thanh toán chi phí thi công từ sau tháng 1 đang bị dừng lại. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản nêu ý kiến về việc có thể thanh toán chi phí thi công dù vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng.

Đại sứ Nhật đề nghị Bí thư TP.HCM căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng, chỉ đạo các bên liên quan xúc tiến thủ tục để sớm nối lại việc thanh toán chi phí thi công kể từ sau tháng 1.2019 cho nhà thầu.

Cũng theo Đại sứ Nhật, bước vào năm 2018, các gói thầu phải được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt thiết kế.

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư là 236.626 triệu JPY (tương đương 47.325,2 tỉ đồng, khoảng 2.490,8 triệu USD).

Tính đến cuối tháng 9.2018, đối với nguồn vốn đối ứng, lũy kế giải ngân từ khởi đầu Dự án (tháng 3.2017) là 1.465 tỉ đồng, đạt 27% tỷ lệ tổng vốn đối ứng. Đối với nguồn vốn ODA, lũy kế giải ngân từ khởi đầu Dự án đến thời điểm báo cáo là 69.427 triệu JPY, đạt 45% tổng vốn của 3 hiệp định vay đã ký.

Theo UBND TP.HCM, kể từ tháng 9.2016 đến nay, do vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên kế hoạch vốn ODA hằng năm (cấp phát từ Trung ương) không đáp ứng nhu cầu giải ngân thực tế (riêng năm 2018 dự án không được giao vốn). Để giải quyết khó khăn, UBND TP.HCM đã tạm ứng từ ngân sách Thành phố cho Dự án với tổng cộng số vốn đã tạm ứng là 3.273 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, với cơ chế tài chính hiện đang áp dụng cho dự án thì nhu cầu vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 28.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho giai đoạn này là 7.500 tỉ đồng (thiếu 20.500 tỉ đồng).

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lên tiếng về cảnh báo của Đại sứ Nhật đối với tuyến Metro số 1