Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết như thế tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 ở TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương vào hôm nay (6.9).

Bộ Y tế đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh

Hồ Quang | 06/09/2021, 17:59

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết như thế tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 ở TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương vào hôm nay (6.9).

Theo Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế), đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc xin COVID-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% vắc xin trên cả nước.

Hiện TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc xin đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1.

bo-y-te-dang-nghien-cuu-tiem-vac-xin-cho-nguoi-mac-covid-19-khoi-benh-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM- Ảnh: P.V

Tuy nhiên, tốc độ tiêm vắc xin của của 4 địa phương trên đều rất thấp. Cụ thể tính đến ngày 5.9, 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vắc xin và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%). Trong đó, TP.HCM đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vắc xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.

Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.

Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vắc xin.

Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, một trong những nguyên nhân khiến các địa phương trên có tỷ lệ sử dụng vắc xin thấp là do để đảm bảo vắc xin đủ để tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành phố cũng lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vắc xin phân bổ. Do đó, tỷ lệ vắc đã được sử dụng trên tổng vắc xin tiếp nhận, phân bổ bị kéo giảm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra các hạn chế của những địa phương trên trong việc tiêm vắc xin chậm chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện. Vấn đề báo cáo, nhập dữ liệu chưa kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm và số cập nhật lên hệ thống bị chênh. Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu.

Thực tế, qua quá trình báo cáo, kiểm điểm, tổng số vắc xin đã tiêm ở 4 địa phương này nâng lên hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần 1 triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu lên Bộ Y tế, đạt 72% số vắc xin đã tiếp nhận.

“Các địa phương cần có kế hoạch chi tiết về tiềm chủng, vì sau ngày 15.9 mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác. Khi đó, mỗi địa bàn cần hình thức tổ chức tiêm chủng khác nhau. Bên cạnh đó các địa phương cần phải có kế hoạch chi tiết để có sự chỉ đạo thống nhất, sẵn sàng thực hiện khi vắc xin về thêm. Tôi đề nghị kế hoạch chi tiết này phải hoàn thành trước ngày 10.9”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và lưu ý trong kế hoạch này cần tính toán việc tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên.

Về ý kiến tiêm vắc xin cho người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá để hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, việc tiêm vắc xin vẫn thực hiện theo Quyết định 3802, trong đó người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh