Ngày 29.9, Bộ Y tế có Công văn số 8186/BYT-KCB về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 19.9, cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong tại 9 tỉnh, thành phố: Bình Phước (6 ca), TP.HCM (2 ca), Đồng Nai (2 ca), Bình Dương (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Phú Yên (2 ca), Sóc Trăng (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Bình Thuận (1 ca).
Để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để bố trí cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng theo các mô hình phù hợp.
Bộ Y tế cũng yêu cầu, thông tin rộng rãi để người dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh sốt xuất huyết và thông tin các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất có thể đến để được khám bệnh, tư vấn. Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết trong tình hình dịch COVID-19, nhằm bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm COVID-19.
Mặt khác, bố trí phòng khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết và người bệnh khác. "Tích cực, chủ động triển khai ngay công tác tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22.8.2019, cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng lên.
Đồng thời, củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Đường dây nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần", Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch COVID-19, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết.
PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cũng chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng khó cứu chữa, đó là chủ quan không đi khám bệnh; hết sốt là khỏi bệnh và chỉ mắc bệnh một lần trong đời. Trên thực tế, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao. Ngoài ra, sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng týp riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp vi rút khác nhau.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) khuyến cáo, với sốt xuất huyết sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương, gây tình trạng cô đặc máu. Vì vậy, trong chế độ ăn, uống cho người bệnh quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol. Bên cạnh đó, người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn giúp bệnh sớm cải thiện.