Bóng đá Sài Gòn một thời là trung tâm, là ngọn cờ đầu của cả nước về bóng đá, là bộ khung của đội tuyển quốc gia Việt Nam, nhưng tất cả đã đi xuống theo thời gian. Người hâm mộ hoài niệm, các cổ động viên qua bao thế hệ kỳ vọng hy vọng bóng đá Sài Gòn sẽ hồi sinh. Nhưng...

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Tên gọi Sài Gòn bị lợi dụng

Đặng Hoàng | 22/02/2023, 13:52

Bóng đá Sài Gòn một thời là trung tâm, là ngọn cờ đầu của cả nước về bóng đá, là bộ khung của đội tuyển quốc gia Việt Nam, nhưng tất cả đã đi xuống theo thời gian. Người hâm mộ hoài niệm, các cổ động viên qua bao thế hệ kỳ vọng hy vọng bóng đá Sài Gòn sẽ hồi sinh. Nhưng...

Đúng ra là phải nói bóng đá TP.HCM, một thời có đến 4 đội thi đấu giải vô địch quốc gia mà hơn 20 năm qua gọi là V-League. Khi đó, TP.HCM có 4 đội gồm Cảng Sài Gòn, Hải quan, Sở Công nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, sau này thêm Công an TP.HCM nhưng khi đó đội Công nghiệp thực phẩm đã giải thể.

Ngoại trừ Sở Công nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, 3 đội còn lại Cảng Sài Gòn, Hải quan và Công an TP.HCM đều có vinh quang của đội vô địch Việt Nam. Ngoài ra, các đại diện bóng đá TP.HCM đều là những đội mạnh hàng đầu của bóng đá Việt Nam dù đó là Sở Công nghiệp hay Công nghiệp thực phẩm.

Nhưng người hâm mộ vẫn gọi chung là bóng đá Sài Gòn vì biểu tượng của bóng đá Sài Gòn là Cảng Sài Gòn, đội bóng có số lần vô địch quốc gia nhiều nhất của bóng đá TP.HCM, cũng như Cảng Sài Gòn là niềm tự hào vì đội không chỉ đá hay mà còn đá đẹp và đặc biệt được dẫn dắt bởi HLV Phạm Huỳnh Tam Lang, cũng là biểu tượng của bóng đá Sài Gòn trước và sau năm 1975, năm đất nước thống nhất.

Thế rồi, khi bóng đá từ bao cấp chuyển qua bán chuyên nghiệp rồi chuyên nghiệp, đội Cảng Sài Gòn - biểu tượng, niềm tự hào của bóng đá TP.HCM, đã phải gắn thêm tên nhà tài trợ phía trước tên gọi và cuối cùng Cảng Sài Gòn “thời kỳ mới” mất tên do thiếu kinh phí hoạt động. Từ đó, tên gọi Cảng Sài Gòn chính thức bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Sài Gòn "da miền Nam, hồn miền Bắc"

Thế rồi lần lượt Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành xuất hiện ở V-League với Thống Nhất là sân nhà, nhưng 2 đội này chỉ là “Da Sài Gòn” còn “Hồn Sài Gòn”, từ ông chủ, HLV và đa phần cầu thủ đều xuất thân từ miền Bắc.

Đình đám nhất là “vụ chuyển hộ khẩu” từ Hà Nội vào TP.HCM của đội Hà Nội mà ông chủ là bầu Hiển. Năm 2016, bóng đá TP.HCM không có đại diện ở V-League, và thế là Sài Gòn FC xuất hiện vẫn là “Da Sài Gòn”, còn “Hồn Sài Gòn” dĩ nhiên là Hà Nội.

Đến cuối năm 2019, bầu Hiển bán lại Sài Gòn FC cho nhà đầu tư ở Sài Gòn, người này sau đó mời Vũ Tiến Thành - người con của bóng đá TP.HCM từ Mỹ về Việt Nam làm chủ tịch (tháng 1.2020) rồi kiêm luôn HLV (tháng 3.2020) Sài Gòn FC.

Mùa bóng đó, Sài Gòn FC trở thành hiện tượng khi thắng Hà Nội 1-0 ngay tại sân Hàng Đẫy, thắng Đà Nẵng 4-1 ngay trên sân Hòa Xuân, cuối mùa giải Sài Gòn FC hạng 3, Hà Nội về nhì, Quảng Nam rớt hạng. Có nghĩa là thành tích của những đội bóng có liên quan đến bầu Hiển đều không được như những mùa trước đúng vào mùa bóng Sài Gòn FC thuộc về nhà đầu tư ở Sài Gòn và được dẫn dắt bởi đứa con bóng đá thành phố, HLV Vũ Tiến Thành.

Phá sản giấc mơ kiếm tiền từ tên gọi "Sài Gòn" qua dự án "Nhật hóa"

Sau mùa bóng 2020 đình đám của Sài Gòn FC, đội bóng nhận được rất nhiều nhà tài trợ, nhưng quan trọng hơn, người hâm mộ, khán giả đã bắt đầu chú ý đến Sài Gòn FC, đã cùng hy vọng Sài Gòn FC là đội bóng thực sự của Sài Gòn và khán giả đã đến sân cổ vũ Sài Gòn FC ngày một nhiều hơn, tự nhiên hơn – mỗi khi sân vận động Thống Nhất sáng đèn.

Tuy nhiên, người đầu tư Sài Gòn FC đã vội quên đầu tư chuyên môn, thay vào đó đã vội vã kiếm tiền qua dự án Nhật hóa bóng đá trong lòng Sài Gòn FC.

Ông Trần Hòa Bình với mối quan hệ từ Nhật đã được người đầu tư thuê làm Chủ tịch Sài Gòn FC và điều hành đội bóng. Đó là lý do Sài Gòn FC đã vội vã đưa người Nhật lên làm HLV, 4 suất ngoại binh đều là người Nhật. Thậm chí đội còn thuê cả người Nhật về làm dự án đào tạo bóng đá trẻ, thuê luôn người Nhật điều hành đội bóng. Với số lượng người Nhật như thế, ông Trần Hòa Bình thuyết phục những nhà đầu tư qua bánh vẽ: “Người Nhật sẽ quan tâm đến Sài Gòn FC vì có nhiều người Nhật ở mọi vị trí, từ đó Sài Gòn FC sẽ có thêm nhiều nguồn tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp Nhật”.

Nhưng, Trần Hòa Bình đã thuê những người Nhật không thích hợp với V-League, nên thành tích chuyên môn sa sút, hình ảnh, thương hiệu, uy tín Sài Gòn FC ngày càng sa sút, các nhà tài trợ quay lưng, Sài Gòn FC đối mặt với nguy cơ rớt hạng, nên nhà đầu tư đã bán lại nó cho Nova Group. Novaland trở thành nhà tài trợ chính Sài Gòn FC vào gần cuối mùa bóng 2022. Giấc mơ kiếm tiền từ tên gọi Sài Gòn qua dự án Nhật hóa bóng đá đã chính thức phá sản, đồng thời những người đầu tư Sài Gòn FC khi mua lại đội bóng của bầu Hiển ra đi.

Tuy nhiên, khi Sài Gòn FC rớt hạng, đồng thời cũng là lúc Nova Group khó khăn về tài chính, toàn bộ các thành viên Sài Gòn FC lần lượt được thanh lý trước và sau mùa bóng. Sài Gòn FC rớt hạng nên thi đấu giải hạng nhất từ mùa 2023.

Và ai cũng biết, Sài Gòn FC thực chất chỉ còn tên gọi, vì không còn bất kỳ HLV hay cầu thủ cũng như đội ngũ phục vụ nào ở Sài Gòn.

Ngày 20.2.2023, CEO Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Sài Gòn Nguyễn Thảo Quân đã ký và gửi công văn đến VPF để xác nhận lại việc đăng ký tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2023. Nội dung chính của công văn như sau:

Với tư cách là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn xin xác nhận lại là sẽ tham dự giải bóng đá hạng nhất quốc gia năm 2023 với tên gọi: Sài Gòn.

Sân thi đấu là: sân vận động Đà Lạt - 1 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.7, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn thông báo để Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được biết để có kế hoạch họp bốc thăm và xếp lịch thi đấu của giải.

Như vậy, một lần nữa lại “Sài Gòn là da”, còn “Đà Lạt là hồn”.

Vì sao TP.HCM không có đội bóng ở giải hạng nhất mà đội Sài Gòn phải chọn sân vận động Đà Lạt là sân nhà thay vì sân Thống Nhất?

Câu trả lời chỉ có thể là suất ở hạng nhất của Sài Gòn FC đã được bán cho người muốn đầu tư ở Đà Lạt. Nhưng do quy định, khi mua suất của một đội bóng, nếu muốn đổi tên gọi, thì đội bóng mới phải có ít nhất 30% cầu thủ của đội bóng cũ. Mà Sài Gòn FC đã giải tán toàn diện, lấy đâu ra người để đáp ứng cho quy định này ở đội bóng mới. Đó là lý do nhà đầu tư phải chấp nhận tên gọi Sài Gòn, thi đấu ở Đà Lạt, để mùa sau mới đủ điều kiện thay tên đúng theo mong muốn của họ.

Buồn cho tên gọi Sài Gòn khi luôn bị “lợi dụng” ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bao năm qua.

Trước đó, CLB Sài Gòn dự kiến được chuyển giao cho Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo quy định, hồ sơ chuyển đổi CLB bóng đá ngoài chuyên nghiệp thành CLB chuyên nghiệp phải được LĐBĐ Việt Nam (VFF) phê duyệt ít nhất 60 ngày trước ngày khai mạc giải. Lâm Đồng đang đá ngoài chuyên nghiệp, ở giải hạng nhì, không kịp đổi tên khi giải hạng nhất sẽ khai mạc sau 40 ngày nữa.
Trên thực tế, Sài Gòn FC vẫn được chuyển giao về Lâm Đồng, nhưng vì vướng quy định, đội bóng này chưa thể đổi tên theo địa phương mới. Sài Gòn FC sẽ dùng các cầu thủ hạng nhì của Lâm Đồng cùng ê kíp HLV người Thái Lan Issawa Sitong để dự giải hạng nhất 2023.

Theo VNE

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Tên gọi Sài Gòn bị lợi dụng