Ít ai nghĩ một đội tuyển giàu thành tích nhất thế giới lại phải đứng trước câu hỏi “Bao giờ vô địch World Cup?”. Với Brazil, sẽ là 2026? 2030? hay thậm chí lâu hơn nữa? Câu trả lời có thể được lý giải một phần từ chính thất bại trước Croatia vừa rồi…

Brazil: Bao giờ vô địch World Cup trở lại?

Hà Quang Minh | 10/12/2022, 18:10

Ít ai nghĩ một đội tuyển giàu thành tích nhất thế giới lại phải đứng trước câu hỏi “Bao giờ vô địch World Cup?”. Với Brazil, sẽ là 2026? 2030? hay thậm chí lâu hơn nữa? Câu trả lời có thể được lý giải một phần từ chính thất bại trước Croatia vừa rồi…

Thua Croatia, Brazil đã cân bằng một kỷ lục buồn, kỷ lục chờ đợi lâu năm nhất cho lần vô địch World Cup kế tiếp. Họ đã từng đợi 24 năm sau 1970 để được đăng quang ở Mỹ. Và theo tính toán, họ cũng sẽ đợi ít nhất là như vậy cho lần vô địch kế tiếp của 2002. Nhưng hãy nhớ hai tiếng “ít nhất” kia, bởi chưa chắc gì Brazil đã vào chung kết 2026 chứ đừng nói là vô địch. Đợi chờ này có thể còn lâu hơn…

Sau thất bại của Brazil trước Croatia, những chỉ trích cho họ bắt đầu dày lên. Nào là chủ quan, khinh địch, hời hợt vv và vv… Thậm chí, có một điều rất đẹp của Selecao cũng bị lôi ra để làm cái cớ để chứng minh Brazil đáng nhận thất bại. Ấy là điệu nhảy ăn mừng của những cầu thủ vàng xanh, điệu nhảy mang lại rất nhiều cảm xúc. Nó chẳng liên quan gì tới kết quả thắng-thua cả nhưng một khi đã ghét, thượng vàng hạ cám được xếp chung với nhau hết.

Sau thất bại, Neymar đã khóc, y như bao nhiêu lần anh từng khóc. Những giọt nước mắt đó cũng lại bị mang ra để giễu cợt. Ít ai đặt ra câu hỏi rằng “Neymar có quyền bật khóc hay không?”. Đặt mình ở vị trí của Neymar, chúng ta có khi còn khóc to hơn. Đó không chỉ đơn thuần là nước mắt sau một thất bại mà còn là bật ra một ẩn ức của một người ý thức được năng lực của mình cùng các đồng đội của mình. Họ là một tập thể luôn đủ tầm vóc cho chức vô địch World Cup nhưng kể từ 2014 tới giờ, họ chưa bao giờ tới quá gần trận chung kết cả. Nội chừng đó thôi đủ đã tạo nên ẩn ức lớn cho những giọt nước mắt lăn dài.

Bây giờ, hãy nhìn vào trận thua của Brazil và hành trình của họ từ đầu vòng bảng tới giờ để nhận diện Brazil hiện tại đang ở đâu. Trước Croatia, Brazil vẫn chơi đúng phong cách của mình, hứng khởi, điệu nghệ nhưng không hữu hiệu. Chỉ một pha xuất thần của đẳng cấp Neymar mới có thể giúp họ làm rung mành lưới đối thủ mà thôi. Và khi bị gỡ hoà ở hiệp phụ thứ hai, tâm lý họ nhận cú shock quá lớn, dẫn tới hệ luỵ trên chấm 11m. Nhưng điều đáng nói là họ đã chơi thế nào ở 90 phút chính thức, quãng thời gian mà lẽ ra họ cần kết liễu Croatia?

HLV Tite vẫn vận hành Brazil đúng như những gì họ trình làng từ đầu vòng bảng. Brazil xuất phát với sơ đồ 4-2-3-1 mà trong đó, Neymar đóng vai cầu thủ chơi vị trí số 10. Song, khi bóng lăn và Brazil cầm quyền kiểm soát bóng, tổ chức tấn công, họ thực tế vận hành với sơ đồ 4-2-4. Với 4 tiền đạo ở phía trên, bao gồm Vinicius, Richarlison, Raphinha và Neymar, Brazil luôn tạo được uy lực trước các đối thủ yếu hơn mình. Tuy nhiên, hệ thống ấy không vận hành tốt trước một Croatia tranh chấp tay đôi hiệu quả. Và kết quả là gì, tất cả chúng ta đã rõ, không cần nhắc lại thêm một lần.

Điều đáng nói là khi Brazil bế tắc trước Croatia, ngay từ thời gian hiệp chính, Tite không có điều chỉnh chiến thuật sắc nét nào. Ông ta dùng đủ 5 quyền thay người nhưng hoàn toàn chỉ là các điều chỉnh đơn thuần, theo kiểu thay thế nhân sự tương đồng cho một vị trí. Hệ thống vận hành của Brazil thì vẫn cứng nhắc như thế và Croatia quá quen với việc đối phó một hệ thống như thế rồi. Tite thay người, chẳng qua Croatia cần vài phút để tìm hiểu và thích nghi với đối thủ cá nhân mới mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Tite không có những thay đổi để xoay chuyển Brazil sang một hệ thống khác có thể hữu hiệu hơn, ví dụ như 4-3-3 để tăng cường quân số tuyến giữa đang tranh chấp quyết liệt với Croatia; hoặc 3-5-2, để vừa củng cố giữa, vừa tạo áp lực tấn công biên? Tite chậm chạp thụ động hay năng lực ông chỉ giới hạn tới đó? Câu hỏi này không nên trả lời một cách hồ đồ song nếu không phải là Tite, chưa chắc Brazil đã có thể xoay chuyển linh hoạt hệ thống dưới sự dẫn dắt của một HLV khác.

Từ cách vận hành đội bóng của Tite nhìn rộng ra, chúng ta sẽ nhận thấy vấn đề của bóng đá Brazil mấy năm nay. Đó là họ không có HLV giỏi, đủ tầm vóc để chinh chiến ở sân chơi đẳng cấp thế giới. Và ta cũng sẽ giật mình nhận thấy, đã lâu rồi không có HLV Brazil nào được mời vào các ghế huấn luyện ở các CLB hàng đầu châu Âu. Đặc biệt, thế hệ HLV 40-50 tuổi ở Brazil không có mấy gương mặt sáng giá. Với một nền bóng đá thiếu vắng bộ não trầm trọng đến thế, đợi chờ chức vô địch quá lâu là chuyện cũng bình thường.

Nhưng thứ ngăn trở các cầu thủ tài năng của Brazil có thể trở thành nhà vô địch World Cup lại nằm ở tính tự tôn của nền bóng đá này. “Thiếu bộ não thì đi thuê” là điều không thể được tiến hành ở Brazil. Bóng đá Brazil không chấp nhận việc ĐTQG của họ được dẫn dắt bởi một HLV ngoại quốc nào khác. Một nền bóng đá vĩ đại thì chỉ đi dạy người khác chơi bóng chứ không thể hạ mình học ai bao giờ.

Đây mới chính là cái khó của Brazil. Hãy mường tượng nếu lực lượng tuyển thủ Brazil hôm nay được dẫn dắt bởi những người tầm cỡ như Ancelotti hay Pep Guardiola thì sao nhỉ? Có thể Neymar sẽ không còn phải khóc nữa. Song, ở CBF (LĐBĐ Brazil), ai dám quyết việc mời HLV ngoại về dẫn dắt đội tuyển đây.

Bao giờ Brazil vô địch World Cup trở lại? Chỉ khi nào họ có một lớp HLV mới xứng tầm, đủ sức cạnh tranh, cập nhật với các HLV hàng đầu ở châu Âu, họ mới có thể nghĩ về chức vô địch. Còn nếu không, trong ngắn hạn, họ cần phải suy nghĩ lại về vị thế của mình theo tư duy Brazil không còn là một nền bóng đá vĩ đại nữa, mà chỉ còn là một trong những công xưởng vĩ đại trong việc xuất khẩu tài năng bóng đá mà thôi. Từ cách nghĩ ấy, sự cầu thị sẽ giúp họ có được những HLV tài năng đủ tầm thay đổi vận mệnh bóng đá Brazil không chỉ trong cuộc săn lùng cúp vàng thứ 6 mà cả trong việc xây dựng một tương lai lâu dài…

Bài liên quan

(3) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Brazil: Bao giờ vô địch World Cup trở lại?