Các đối tác lắp ráp sản phẩm cho Apple xem Ấn Độ và Việt Nam như trung tâm sản xuất tiếp theo, khi tìm cách bổ sung khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chủ yếu tập trung ở Trung Quốc vốn đang bị ảnh hưởng.

Các đối tác của Apple tăng tốc chuyển sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, giảm phụ thuộc Trung Quốc

Sơn Vân | 19/12/2022, 14:57

Các đối tác lắp ráp sản phẩm cho Apple xem Ấn Độ và Việt Nam như trung tâm sản xuất tiếp theo, khi tìm cách bổ sung khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chủ yếu tập trung ở Trung Quốc vốn đang bị ảnh hưởng.

Theo hai nhà phân tích Ivan Lam và Shenghao Bai của công ty Counterpoint Research, các nhà sản xuất thiết bị điện tử chủ chốt cho Apple đang tiến nhanh hơn để đa dạng hóa năng lực của họ trên toàn cầu, tận dụng các chính sách khuyến khích từ địa phương.

Ivan Lam và Shenghao Bai cho biết Foxconn (đối tác hàng đầu của Apple) có thể chuyển tới 30% công suất của mình sang Việt Nam, Ấn Độ và Brazil sau nỗ lực kéo dài nhiều năm bắt đầu từ trước đại địch cho đến khi xảy ra các đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc.

Hai nhà phân tích nói rằng một sự thay thế trực tiếp cho Trung Quốc ngay lập tức là không thể, nhưng các công ty Đài Loan như Foxconn và Pegatron Corp đang đặt nền móng để xử lý nhiều khâu lắp ráp cuối cùng và đóng gói sản phẩm bên ngoài Trung Quốc.

Dẫn đầu là Foxconn và Pegatron, hai công ty đã đầu tư vào các nhà máy, dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất tương đối tiên tiến và đào tạo nhân sự ở Ấn Độ”, Ivan Lam và Shenghao Bai viết.

Dân số khá đông giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm cuối cùng cũng như cơ sở sản xuất. Hơn nữa, lực lượng lao động ở Việt Nam chiếm ít chi phí hơn Trung Quốc. Theo báo cáo, Việt Nam đã thu hút 21 nhà cung cấp của Apple hoạt động trong nước.

Hồi tháng 8, trang AppleInsider đưa tin Foxconn đã ký một biên bản ghi nhớ đầu tư 300 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang (Việt Nam) nhằm mở rộng cơ sở sản xuất của họ.

Theo biên bản ghi nhớ, mục tiêu của việc mở rộng cơ sở chính là nhằm đa dạng hóa và thúc đẩy sản xuất. Nhà máy mới của công ty Đài Loan sẽ được đặt trên một khu đất rộng 50,5 ha ở tỉnh Bắc Giang, hứa hẹn tạo ra 30.000 việc làm tại địa phương.

Động thái này diễn ra không lâu sau khi nguồn tin cho biết Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền bắc Việt Nam.

Ngoài ra, trang Nikkei cũng đưa tin Apple chọn Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất MacBook, Apple Watch và iPad như một phần trong nỗ lực tránh phụ thuộc Trung Quốc. Trước đó, Apple cũng chọn Việt Nam sản xuất tai nghe AirPods.

Foxconn đã có mặt tại Bắc Giang được 15 năm. Công ty Đài Loan hiện đã chuyển một phần sản xuất iPad và AirPods đến Khu công nghiệp Quang Châu, thuộc tỉnh Bắc Giang. Hiện vẫn chưa rõ nhà máy sản xuất mới của Foxconn sẽ chịu trách nhiệm sản xuất loại sản phẩm nào cũng như công suất hoạt động ra sao.

Năm ngoái, Foxconn được cho là đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam. Dù vậy, đến nay Foxconn vẫn chưa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất iPhone.

cac-doi-tac-cua-apple-tang-toc-xay-co-so-san-xuat-o-viet-nam-va-an-do.jpg
Bên ngoài nhà máy Foxconn ở Bắc Giang

Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, smartphone được sản xuất tại Ấn Độ đã tăng 16% trong quý 2/2022, đạt hơn 44 triệu chiếc.

Trung Quốc đã chứng kiến lực lượng lao động của mình bị thu hẹp kể từ năm 2020, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Đội ngũ công nhân lành nghề đã được giáo dục và đào tạo đã trở thành xương sống cho Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.

Counterpoint cho biết Apple đã thực hiện phần việc của mình để giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy riêng lẻ hoặc lao động lành nghề bằng cách làm cho iPhone dễ lắp ráp hơn và có thể chuyển giao giữa các cơ sở. Apple đã tập trung vào việc giúp bảo trì và triển khai lắp ráp sản phẩm mới dễ dàng hơn.

Theo hai nhà phân tích, khó khăn trong sản xuất đã giảm đáng kể với các mẫu iPhone 14 và iPhone 14 Plus. Họ viết: “Giờ đây, các nhà máy ở Ấn Độ có thể sản xuất iPhone 14 gần như đồng thời với các nhà máy ở Trung Quốc. Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ trong năm nay nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước”.

Apple được cho muốn tăng gấp ba công suất sản xuất iPhone tại Ấn Độ trong vòng 2 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và sang các khu vực khác trên thế giới.

Theo trang Mint, một lãnh đạo cấp cao trong ngành giấu tên cho biết: “Apple đang tìm cách tăng quy mô sản lượng iPhone tại Ấn Độ. Nó có thể tăng hơn ba lần so với những gì Apple đặt mục tiêu trong năm nay".

Mint trích dẫn lời một giám đốc khác cho biết Apple đã chỉ thị Foxconn, Pegatron và Wistron, ba trong số các nhà cung cấp lớn nhất của công ty, tăng cường năng lực và nhân lực tại Ấn Độ.

Foxconn được cho đã đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ với hy vọng tăng năng lực hoạt động tại quốc gia Nam Á này.

Sau iPhone, một số nguồn tin tiết lộ Apple có kế hoạch mở rộng sản xuất các sản phẩm khác tại Ấn Độ, gồm cả iPad.

Nguồn cung các mẫu iPhone 14 Pro trước kỳ nghỉ lễ bị hạn chế nghiêm trọng do nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gặp sự cố về vấn đề lao động do nCoV.

Vào tháng trước, Apple cho biết trong một thông cáo báo chí rằng đang "làm việc chăm chỉ" để khôi phục nguồn cung về mức bình thường.

Đầu tháng 12, tờ Wall Street Journal cũng đưa tin Apple đang tích cực tìm cách chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á, gồm cả Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, các nguồn tin cảnh báo rằng việc thiếu nhân sự tay nghề cao và cá nhân có chuyên môn trong việc chế tạo các thiết bị có độ phức tạp cao như iPad có thể làm chậm kế hoạch này ở Ấn Độ.

Bối cảnh chính sách đối ngoại cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của Apple vì căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vài năm qua, hai nước láng giềng thường xuất hiện tranh chấp lãnh thổ dẫn đến việc leo thang quân sự ở biên giới Ấn - Trung.

Chuyên gia Gene Munster tại công ty đầu tư Loop Ventures dự đoán sẽ có lượng lớn iPhone được sản xuất tại Ấn Độ nhưng sản lượng sẽ tăng với tốc độ chậm.

Tôi nghĩ trong 5 năm tới, 35% iPhone sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Apple sẽ bổ sung việc sản xuất iPhone sang các nước khác ngoài Ấn Độ và Trung Quốc trong khoảng thời gian đó, có thể là Việt Nam, Malaysia và Mỹ”.

Trong một lưu ý gửi khách hàng, nhà phân tích Harsh Kumar của công ty dịch vụ tài chính Piper Jaffray viết rằng: “Dù Apple đã nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng theo chúng tôi, Ấn Độ vẫn chiếm chưa đến 5% tổng sản lượng iPhone 14 và có khả năng chỉ hỗ trợ mức độ hạn chế tại thời điểm này”.

Apple ngày càng giảm phụ thuộc Trung Quốc về sản xuất

Một phân tích từ hãng tin Reuters về dữ liệu chuỗi cung ứng của Apple cho thấy sự phụ thuộc Trung Quốc trong hoạt động sản xuất toàn cầu của công ty Mỹ đang giảm dần. Trong 5 năm tính đến 2019, Trung Quốc chiếm 44% đến 47% địa điểm sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple, nhưng con số đó đã giảm xuống 41% vào năm 2020 và 36% vào 2021.

Dữ liệu cho thấy nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất của Apple và các nhà cung cấp của công ty Mỹ. Điều này đang định hình lại cấu trúc nguồn cung toàn cầu, dù các nhà phân tích và học giả cho rằng Apple sẽ vẫn tiếp xúc nhiều với Trung Quốc nhiều năm tới.

Eli Friedman, phó giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ), người nghiên cứu về lao động ở Trung Quốc, nhận xét: “Chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ không biến mất chỉ sau một đêm. Việc tách rời là không thực tế với các công ty này vào thời điểm hiện tại”, nhưng ông kỳ vọng quá trình đa dạng hóa sẽ tăng tốc.

Sự tập trung các nhà cung cấp ở Trung Quốc là một đặc điểm chính của Apple, hãng smartphone có lợi nhuận cao nhất thế giới. Trong đó, hầu hết iPhone được sản xuất tại nhà máy của Foxconn, chiếm 70% số iPhone xuất xưởng trên toàn cầu,

Thế nhưng, chiến lược đang thay đổi, không chỉ do các lệnh phong tỏa và hạn chế liên quan đến đại dịch của Trung Quốc, mà còn vì căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ gây ra những rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn.

Foxconn đang đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ, với kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng lao động tại nhà máy iPhone của họ trong vòng 2 năm, theo các quan chức chính phủ am hiểu về vấn đề này.

Trong khi sự dịch chuyển của Apple khỏi Trung Quốc ngày càng rõ ràng, gồm cả ở dữ liệu chuỗi cung ứng của chính họ, thì rủi ro từ việc tập trung hoạt động sản xuất tại quốc gia này cũng vậy.

Các vấn đề về lao động tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu phần lớn do yêu cầu của chính sách ngăn chặn nCoV, yêu cầu công nhân phải cách ly với thế giới bên ngoài trong các hệ thống khép kín để duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất.

Bài liên quan
Vì sao sản phẩm lớn lao tiếp theo của Apple chưa trình làng?
VR rất cần Apple đóng vai trò là chất xúc tác cho công nghệ, nhưng gã khổng lồ có trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) vẫn chưa sẵn sàng cung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
20 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các đối tác của Apple tăng tốc chuyển sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, giảm phụ thuộc Trung Quốc