Chính quyền Đài Loan cho biết sẽ phạt Foxconn vì đầu tư trái phép vào một nhà sản xuất chip Trung Quốc ngay cả sau khi hãng này đã đồng ý bán cổ phần.

Đầu tư trái phép vào hãng chip Trung Quốc, đối tác hàng đầu của Apple bị Đài Loan phạt

Sơn Vân | 18/12/2022, 09:30

Chính quyền Đài Loan cho biết sẽ phạt Foxconn vì đầu tư trái phép vào một nhà sản xuất chip Trung Quốc ngay cả sau khi hãng này đã đồng ý bán cổ phần.

Đài Loan đã cảnh giác với tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc và đang thắt chặt luật pháp để ngăn chặn điều mà họ nói là Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của họ.

Foxconn, nhà cung cấp iPhone lớn nhất cho Apple và là hãng sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, tiết lộ vào tháng 7 rằng họ là cổ đông của Tsinghua Unigroup, công ty chip Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Cuối ngày 16.12, Foxconn cho biết trong một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Đài Bắc rằng công ty con của họ ở Trung Quốc đã đồng ý bán toàn bộ cổ phần trong Tsinghua Unigroup.

Tuyên bố họ phải phê duyệt tất cả khoản đầu tư nước ngoài, Cơ quan kinh tế Đài Loan sẽ yêu cầu Foxconn vào 19.12 đưa ra lời giải thích đầy đủ về khoản đầu tư.

"Với việc khoản đầu tư không được khai báo trước, số tiền vẫn sẽ được tính toán theo công thức và hình phạt sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật", Cơ quan kinh tế Đài Loan thông báo nhưng không đưa ra chi tiết.

Foxconn không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Những người quen thuộc với vấn đề này trước đây nói với hãng tin Reuters rằng Foxconn đã không xin phép chính quyền Đài Loan trước khi thực hiện khoản đầu tư. 

Trong tuyên bố hôm 17.12 trước Cơ quan kinh tế Đài Loan, Foxconn cho biết khi thời điểm cuối năm đến gần, khoản đầu tư ban đầu "vẫn chưa được quyết toán".

Foxconn nói Xingwei (Trung Quốc), được kiểm soát 99% bởi đơn vị niêm yết tại Trung Quốc là Foxconn Industrial Internet Co Ltd (FII), đã đồng ý bán cổ phần của mình với giá ít nhất 5,38 tỉ nhân dân tệ (772 triệu USD) cho Yantai Haixiu (Trung Quốc).

Xingwei kiểm soát 48,9% cổ phần trong một thực thể khác nắm giữ 20% cổ phần của Shengyue Guangzhou, công ty sở hữu toàn bộ Tsinghua Unigroup.

"Để tránh những điều không chắc chắn do sự chậm trễ hơn nữa hoặc ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và triển khai vốn linh hoạt, Xingwei Fund sẽ chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại Shengyue Guangzhou sang Yantai Haixiu. Sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất, FII sẽ không còn gián tiếp nắm giữ bất kỳ cổ phần nào trong Tsinghua Unigroup", Xingwei nói.

Tsinghua Unigroup đã không trả lời câu hỏi về vấn đề này.

Hồi tháng 3.2022, FII cho biết đã đầu tư 9,8 tỉ nhân dân tệ vào Xingwei.

Luật pháp Đài Loan quy định chính quyền có thể cấm đầu tư vào Trung Quốc "dựa trên việc xem xét an ninh và phát triển công nghiệp". Những người vi phạm luật có thể bị phạt nhiều lần cho đến khi sửa sai.

Foxconn đặc biệt muốn sản xuất chip ô tô khi mở rộng sang thị trường xe điện. Công ty Đài Loan đang tìm cách mua lại các nhà máy làm chip trên toàn cầu khi tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới từng gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa từ ô tô đến đồ điện tử.

Đài Loan cấm các công ty xây dựng xưởng đúc tiên tiến nhất của họ ở Trung Quốc để đảm bảo không đặt công nghệ tốt nhất của mình ở ngoài đảo.

dua-tu-trai-phep-vao-hang-chip-trung-quoc-doi-tac-so-1-cua-apple-bi-dai-loan-phat.jpg
Chính quyền Đài Loan sẽ phạt Foxconn vì đầu tư trái phép vào Tsinghua Unigroup, nhà sản xuất chip Trung Quốc

Tsinghua Unigroup "lên voi xuống chó"

Khởi nguồn là một chi nhánh Đại học Thanh Hoa danh tiếng, Tsinghua Unigroup nổi lên trong thập kỷ trước với tư cách là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp chip tụt hậu của Trung Quốc.

Thế nhưng, Tsinghua Unigroup rơi vào cảnh nợ nần dưới thời cựu Chủ tịch Zhao Weiguo, khiến công ty vỡ nợ với một số khoản thanh toán trái phiếu vào cuối năm 2020, cuối cùng phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Li Bin, Chủ tịch mới của Tsinghua Unigroup, đã hứa về "khởi đầu mới" cho công ty trong bức thư ngỏ gửi nhân viên. Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi chính thức tiếp quản Tsinghua Unigroup hôm 11.7, Li Bin viết rằng công ty sẽ bắt đầu kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của ông bằng cách trả nợ cho các chủ nợ và giảm tỷ lệ nợ. Sau đó, Li Bin viết rằng công ty sẽ “vào trận” bằng cách nghiên cứu sự cạnh tranh trong và ngoài nước.

Li Bin đã chỉ trích sự quản lý của chủ sở hữu trước đây, Zhao Weiguo, người khiến Tsinghua Unigroup rơi vào cảnh nợ nần trong khi xây dựng tập đoàn.

Li Bin viết: “Các công ty trong nhóm đang chiến đấu với nhau và không có sự chia sẻ tài nguyên, quản lý hợp tác hoặc hiệp lực. Dù quy mô của chúng tôi đã lớn, nhưng thành tựu kinh doanh và mức độ chất lượng của chúng tôi không đồng đều".

Tsinghua Unigroup cho biết trong hồ sơ thị trường cuối ngày 11.7 rằng họ đã hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc chính thức đặt nó dưới quyền sở hữu của Wise Road Capital, Jianguang Asset Management và một số quỹ trực thuộc chính quyền Trung Quốc.

Li Bin kiểm soát cả Jianguang Asset và Wise Road Capital.

Wise Road Capital đứng sau thương vụ 1,4 tỉ USD mua lại không thành công của nhà sản xuất chip Magnachip (trụ sở ở Hàn Quốc và được niêm yết tại Mỹ). Thương vụ này sụp đổ do sự giám sát của pháp luật.

Wise Road Capital cũng đàm phán bán Newport Wafer Fab (Anh) cho Nexperia, công ty bán dẫn Hà Lan do hãng công nghệ Wingtech Technology (Trung Quốc) sở hữu 100%, vào năm 2021. Hồi tháng 5.2022, chính phủ Anh đã ra lệnh xem xét an ninh quốc gia với thương vụ này. Đến tháng 11, Anh đã yêu cầu Wingtech Technology hoàn tác việc mua lại Newport Wafer Fab hơn một năm sau khi thỏa thuận hoàn tất, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Newport Wafer Fab là nhà máy sản xuất chip lớn nhất nước Anh tính theo sản lượng, chuyên tạo ra linh kiện cho thiết bị điện tử dùng trong các lĩnh vực như xe điện. Newport Wafer Fab cũng đóng vai trò quan trọng trong một nhóm doanh nghiệp đầu tư vào bán dẫn công nghệ cao của khu vực.

Tsinghua Unigroup vẫn chưa tạo ra bất kỳ thành tựu lớn toàn cầu nào trong lĩnh vực bán dẫn. Song trong những năm gần đây, hai đơn vị của Tsinghua Unigroup là Unisoc và Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) đã có những bước tiến đầy hứa hẹn.

Unisoc, nhà sản xuất bộ vi xử lý cho smartphone, đã giành được thị phần sau khi bộ phận chip Hisilicon của Huawei sụp đổ do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

YMTC là nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, hiện kiểm soát 5 đến 6% thị trường bộ nhớ NAND flash toàn cầu, theo nghiên cứu của công ty quản lý tài sản Bernstein. Thế nhưng mới đây, YMTC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể).

Theo Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty tư vấn ngành công nghiệp chip ICWise có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), YMTC sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu máy móc, vật liệu và linh kiện để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip do bị thêm vào danh sách thực thể.

Việc sản xuất và vận hành bình thường sẽ trở nên khó khăn”, Wang Lifu nhận xét.

Danh sách thực thể sẽ gây ra sự gián đoạn thương mại lớn hơn với YMTC, bởi phạm vi của nó “bao gồm mọi thứ”. Các quy tắc hiện tại yêu cầu các công cụ có khả năng sản xuất chip NAND flash 128 lớp phải được Mỹ phê duyệt để xuất khẩu sang Trung Quốc.

G. Dan Hutcheson, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights, nói: “Việc YMTC bị thêm vào danh sách thực thể sẽ không làm giảm hoàn toàn hoạt động sản xuất hiện tại của công ty. Thế nhưng, nó sẽ cản trở quá trình sản xuất và phát triển sản phẩm do hạn chế tiếp cận các nhà cung cấp Mỹ”.

Dylan Patel, nhà phân tích chính của công ty SemiAnalysis (có trụ sở tại thành phố Los Angeles, Mỹ), nói YMTC vẫn có thể sản xuất trong một thời gian do có nhiều công cụ dự phòng, nhưng công nghệ của nó sẽ bị giới hạn ở 128 lớp. Chip nhớ hàng đầu trong ngành hiện có hơn 200 lớp.

Được thành lập vào năm 2016, YMTC đến sau trong ngành NAND flash nhưng đã vượt lên trở thành công ty hàng đầu trên thị trường. Một báo cáo gần đây của hãng TechInsights ghi nhận "YMTC với việc sản xuất NAND flash 232 lớp đã đi trước các đối thủ”, giúp công ty Trung Quốc trở thành đối thủ nặng ký với những gã khổng lồ toàn cầu như Micron Technology (Mỹ), Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc).

Tờ FT từng đưa tin YMTC dường như đã vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách cung cấp chip nhớ NAND cho smartphone của Huawei.

Các nhà làm luật Mỹ trong nhiều tháng đã thúc ép chính quyền Biden đưa YMTC vào danh sách thực thể. Các nhà làm luật Mỹ cũng đã cảnh báo rằng Apple sẽ phải đối mặt với sự giám sát gắt gao nếu tiến hành kế hoạch mua chip từ YMTC.

Nhà Trắng từng mô tả YMTC là “nhà vô địch quốc gia Trung Quốc”. Ngoài lo ngại YMTC vi phạm luật pháp Mỹ, chính quyền Biden còn sợ YMTC sẽ bán chip nhớ dưới giá thành và gây áp lực lên các công ty Mỹ cũng như các nước đồng minh.

Vào tháng 10, trang FT đưa tin rằng YMTC đã dự trữ thiết bị sản xuất chip nước ngoài trong nhiều tháng khi dự đoán rằng chính quyền Biden đang chuẩn bị thực hiện hành động gây tổn hại cho công ty.

Bài liên quan
Apple đầu tư hơn 100 tỉ USD vào mạng lưới cung ứng ở Nhật, Tim Cook thăm trung tâm chip
Apple hôm 13.12 cho biết đã đầu tư hơn 100 tỉ USD vào mạng lưới cung ứng tại Nhật Bản trong 5 năm qua, khi Giám đốc điều hành Tim Cook đến thăm trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư trái phép vào hãng chip Trung Quốc, đối tác hàng đầu của Apple bị Đài Loan phạt