Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, đầu tư theo hình thức BOT có nhiều điều tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng ở Việt Nam, các dự án BOT lại có rất nhiều vấn đề khiến người dân phản ứng.

Các dự án BOT đang ngổn ngang sai phạm

Trí Lâm | 15/08/2017, 17:35

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, đầu tư theo hình thức BOT có nhiều điều tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng ở Việt Nam, các dự án BOT lại có rất nhiều vấn đề khiến người dân phản ứng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ bất cập

Sáng 15.8, Ủyban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).

Theo báo cáo, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm thu phí (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm. Tuy nhiên, nhiều dự án đưa vào hoạt động đã gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, hàng loạt dự án BOT đã lộ ra sai phạm.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như nhầm lẫn một số đơn giá định mức, hạng mục khối lượng trong tổng mức đầu tư với tỷ lệ không lớn (kết quả kiểm toán 22 dự án có tổng mức đầu tư là 82.215 tỉ đồng, trong đó sai số là 465,56 tỉ đồng).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các dự án BOT - Ảnh từ VGP

Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc lựa chọn các dự án đầu tư ưu tiên còn chưa hợp lý; từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí còn nhiều tồn tại.

Thời gian qua, chủ yếu các nhà đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Qua công tác kiểm tra cho thấy do các nhà đầu tư trong nước hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu còn tồn tại nhất định.

Ngoài ra, công tác huy động vốn; khâu thực hiện đầu tư (thời gian kéo dài, chất lượng một số công trình thấp); việc xác định vị trí các trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân; việc định giá phí còn cao…

Thế giới không bảo lãnh vốn cho chủ đầu tư

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, đầu tư theo hình thức BOT có nhiều điều tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng hình thức này ở Việt Nam, các dự án BOT lại có rất nhiều vấn đề khiến người dân phản ứng.

Theo ông Thịnh, khi Nhà nước kêu gọi các dự án BOT thì phải đứng ra đảm bảo các điều kiện cho doanh nghiệp từ nguyên vật liệu, nhân công cho đến nguồn vốn... Trong khi trên thế giới hiếm có nước nào đảm bảo về vốn, nếu có cũng chỉ đảm bảo trong ngắn hạn. Khi đã làm BOT thì doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh, có khả năng về công nghệ.

“Khu vực công đang thiếu vốn thì mới cần phải kêu gọi các doanh nghiệp khu vực khác bỏ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì đang cần vốn nên tôi không thể cho anh vay được, nếu anh có đi vay của ai thì đó là việc của anh, Nhà nước không đảm bảo điều đó”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, vị này phân tích, ở nước ta, nền kinh tế đang chuyển đổi, kinh tế thị trường chưa thực sự phát triển nên khu vực tư còn èo uột, khả năng về vốn có giới hạn nên Chính phủ Việt nam đã đứng ra bảo lãnh hoặc cho phép các doanh nghiệp BTO được vay dài hạn với lãi suất thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT có khoản nợ rất lớn mà Chính phủ đứng sau. Điều này khiến nợ công tăng lên, nhất là khi các doanh nghiệp không trả được nợ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu một số bất cập của các dự án BOT

Cũng theo ông Thịnh, các doanh nghiệp tự hạch toán lãi lỗ, Chính phủ sẽ đàm phán với doanh nghiệp về chi phí. Nếu vượt mức quy định ở một mức nào đó thì sẽ phải điều chỉnh, thậm chí dừng thu. Với những dự án BOT đã thu hồi được vốn, có lãi thì phải chuyển giao về cho Nhà nước.

“Để làm được điều đó thì trong hợp đồng phải cực kỳ tỉ mỉ và cụ thể. Trước nay, hầu hết các dự án BOT đều bị đẩy giá trị của dự án lên khiến người dân kêu rất nhiều về tình trạng thu phí”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng có tình trạng khoảng cách BOT quá ngắn, chỉ vài chục km cũng đặt trong khi quy định là phải 70km/trạm. Điều này có nguyên nhân là các doanh nghiệp BOT không có vốn lớn, chỉ thực hiện dự án theo từng khu vực ngắn nên các trạm BOT mọc lên dày đặc.

Ông Thịnh cũng cho biết có hiện tượng nhiều con đường cũ, nhà đầu tư sửa lại một chút rồi thu tiền khiến người dân bức xúc. BOT thì có nhiều hình thứcnênviệc tu bổ các con đường nhỏ cũng được thu phí, tuy nhiên, cần xem xét để đưa ra mức thu cho hợp lý chứ không thể thu như một con đường mới.

Chính phủ sẽ quy trách nhiệm cho từng cá nhân

Về giải pháp, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần đánh giá toàn diện lại các đự án BOT, cả trong giao thông lẫn trong các ngành khác để có chính sách hợp lý để vừa đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, vị này đề nghị phải xem xét quá trình thực thi các dự án, đấu thầu, nhận thầu các dự án BOT. Yếu tố công khai, minh bạch của dự án phải được chú trọng. Nếu điều này được tuân thủ thì sẽ tránh được sự xung đột giữa các bên và giảm được bức xúc trong xã hội.

Tại cuộc họp của UBTVQH sáng nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời phát huy hiệu quả của hình thức hợp đồng BOT trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải tập trung rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương. “Việc kế hoạch hóa đầu tư đang là khâu yếu nhất hiện nay, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đầu tư phong trào, tràn lan, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm về các dự án BOT - ảnh VGP

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện thể chế về đầu tư xây dựng, đặc biệt là cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Luật Đối tác công-tư.

Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư. Chính phủ sẽ có các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo báo cáo, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ GTVT rà soát, đề xuất điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, có 35 dự án đã giảm giá vé (giảm giá vé loại 4 từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng; giảm loại 5 từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng); tạm dừng không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu giá hoạt động trước năm 2014, không bổ sung dự án mới, nhưng có lộ trình tăng phí trong năm 2017.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các dự án BOT đang ngổn ngang sai phạm