Sau 2 đợt tăng trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, nhiều ngân hàng lại đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm trong tháng 11. Động thái này được nhiều nhà băng lý giải là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm.

Các ngân hàng lại bước vào ‘cuộc đua’ tăng lãi suất tiền gửi

24/11/2018, 10:05

Sau 2 đợt tăng trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, nhiều ngân hàng lại đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm trong tháng 11. Động thái này được nhiều nhà băng lý giải là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm.

Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng... bắt đầu - Ảnh minh họa: PD

SHB vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND lên tới 7,8%/năm với loại hình tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Cụ thể, đối với kỳ hạn từ 6-11 tháng, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại SHB với số tiền gửi dưới 2 tỉ đồng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 7,4%/năm; từ 2 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng và từ 5 tỉ đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất lần lượt là 7,5%/năm và 7,6%/năm.

Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng cho số tiền gửi dưới 2 tỉ đồng là 7,6%/năm; từ 2 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng là 7,7%/năm và từ 5 tỉ đồng trở lên là 7,8%/năm. So với biểu lãi suất trước đó, SHB đã điều chỉnh lãi suất tăng thêm lên tới 0,6%/năm.

VPBank cũng tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1% so với mức lãi suất huy động của tháng 10. Hiện tại, các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi tại nhà băng này dao động từ 5,1 - 7,3%/năm. Còn mức lãi suất cao nhất của VPBank tăng từ 7,2%/năm (trong tháng 10) lên 7,3%/năm, áp dụng đối với các khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên và có kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Tại OCB, biểu lãi suất huy động mới cũng tiếp tục được điều chỉnh nhích lên ở một số kỳ theo hướng tăng 0,1-0,2%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh lên 7%/năm, tăng 0,2%/năm so với tháng trước. Hiện tại, lãi suất tiền gửi cao nhất của ngân hàng là 7,7% áp cho kỳ hạn 36 tháng. Riêng với khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa mua bảo hiểm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng sẽ là 8,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức thông thường 7%/năm.

Không kém cạnh, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ. Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng này là 4,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5%/năm, còn 11 tháng là 6%/năm.

Tương tự, khách hàng gửi từ 500 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng tại VIB sẽ được hưởng lãi suất 8,4%/năm. Cùng số tiền trên nhưng nếu khách hàng gửi tại PVcomBank với kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất là 8,5%/năm. Tại TPBank, với số tiền 100 tỉ đồng trở lên, gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi 8%/năm và 24 tháng là 8,4%/năm.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND tại các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất 5,3 - 6,5%/năm được áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5 - 7,3%/năm.

Như vậy, sau 2 đợt tăng trong tháng 9 và tháng 10, lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại trong tháng 11 đang có đợt điều chỉnh tăng. Trong đó, một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn sẽ được nhiều nhà băng tăng mạnh lãi suất.

Động thái trên được nhiều ngân hàng lý giải là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB cho biết càng vào dịp cuối năm, thông thường không chỉ với doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân đều cần nguồn vốn vay từ ngân hàng để mua nhà, mua xe hay vay tiêu dùng… Do vậy, bước vào mùa cao điểm, các ngân hàng thường điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút lượng lớn tiền nhàn rỗi từ khách hàng nhằm phục vụ nhu cầu vốn tăng cao.

Ngoài ra, một số chuyên gia tài chính cũng cho rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi còn nhằm mục đích “đối phó” với nợ xấu. Theo số liệu thống kê từ các công ty chứng khoán, tính đến hết tháng 9.2018, ngoại trừ 2 ngân hàng đang tái cơ cấu là Sacombank và Eximbank có nợ xấu giảm, nợ xấu tại 16 ngân hàng đã niêm yết trên các sàn đều tăng mạnh. Mức nợ xầu đã tăng từ 20 - 40% so với cuối năm 2017.

Chưa kể, nhiều ngân hàng bước vào cuộc đua tăng lãi suất cũng nhằm đáp ứng quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn phải giảm từ mức 45% xuống còn 40% vào đầu năm 2019, theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các ngân hàng lại bước vào ‘cuộc đua’ tăng lãi suất tiền gửi