Các nhà làm luật Mỹ thuộc đảng Cộng hòa hôm 12.4 đã chỉ trích chính quyền Biden sau khi gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc giới thiệu một chiếc máy tính xách tay (laptop) được trang bị chip Intel AI mới.
Thế giới số

Các nhà làm luật Mỹ tức giận khi Huawei trình làng laptop có chip Intel AI mới

Sơn Vân 13/04/2024 09:12

Các nhà làm luật Mỹ thuộc đảng Cộng hòa hôm 12.4 đã chỉ trích chính quyền Biden sau khi gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc giới thiệu một chiếc máy tính xách tay (laptop) được trang bị chip Intel AI mới.

Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) vào năm 2019 vì vi phạm lệnh trừng phạt liên quan đến Iran, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cản trở những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa các công ty ở Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt từ chính phủ trước khi giao hàng cho Huawei.

Một trong những giấy phép như vậy, được chính quyền Trump cấp, đã cho phép Intel vận chuyển bộ xử lý trung tâm (CPU) cho Huawei để sử dụng trong laptop kể từ năm 2020.

Nhiều người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền Biden thu hồi giấy phép đó, nhưng có người nhận biết rằng nó sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và không được gia hạn.

Hôm 11.4, Huawei ra mắt laptop hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của mình mang tên MateBook X Pro, được trang bị bộ vi xử lý mới Intel Core Ultra 9. Điều này khiến nhiều nhà làm luật Mỹ sốc và tức giận vì biết rằng Bộ Thương mại đã phê duyệt các lô hàng chip Intel mới cho Huawei.

Elise Stefanik (nghị sĩ đảng Cộng hòa) viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng chiếc laptop đó "cho thấy rõ ràng" Bộ Thương mại Mỹ đã bật đèn xanh với các lô hàng chip mới tới Huawei.

Elise Stefanik tuyên bố: “Không thể chấp nhận được việc chính quyền Biden đang tích cực làm việc để gây suy yếu an ninh quốc gia Mỹ bằng cách cho phép đối thủ chiến lược lớn nhất của chúng ta tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ”.

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Huawei và Intel không trả lời ngay lập tức khi hãng tin Reuters đề nghị bình luận về chủ đề này.

Michael McCaul, một nghị sĩ khác thuộc đảng Cộng hòa, nhắc lại nhận xét của Elise Stefanik trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters. Ông viết: “Những việc phê duyệt này phải dừng lại. Hai năm trước, tôi được thông báo rằng việc cấp phép cho Huawei sẽ bị dừng lại. Đến nay, có vẻ như chính sách này vẫn chưa thay đổi".

cac-nha-lam-luat-my-tuc-gian-khi-huawei-trinh-lang-laptop-co-chip-intel-ai-moi.jpg
Huawei MateBook X Pro được trang bị bộ vi xử lý Intel Core Ultra 9 khiến các nhà làm luật Mỹ thuộc đảng Cộng hòa tức giận - Ảnh: Internet

Theo một nguồn tin của Reuters quen thuộc với vấn đề này, chip Intel AI được vận chuyển theo giấy phép hiện có. Chúng không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế mới trên diện rộng với các lô hàng chip AI sang Trung Quốc, nguồn tin này và một người khác cho biết.

Giữa tháng 3, Reuter đưa tin Intel vẫn được bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden từ lâu đã chịu áp lực phải thu hồi giấy phép do chính quyền Trump cấp, cho phép Intel bán CPU tiên tiến cho Huawei để sử dụng trong laptop.

Áp lực đến từ đối thủ của Intel là AMD và những nghị sĩ Mỹ chống Trung Quốc đang tìm cách ngừng mọi hoạt động bán hàng cho các công ty ở cường quốc châu Á này. AMD lập luận rằng thật không công bằng khi hãng không nhận được giấy phép bán CPU tương tự cho Huawei.

Khả năng Intel giữ được giấy phép bán CPU trong khi AMD không thể có được quyền hạn tương tự, cho thấy tình trạng không đồng đều và không chắc chắn mà các công ty phải đối mặt khi Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Điều đó cho phép Huawei duy trì một thị phần nhỏ nhưng đang gia tăng trên thị trường laptop toàn cầu, còn AMD bị tước mất hàng trăm triệu USD doanh số bán hàng cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Emma Xu, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, nói: “Phần lớn CPU được sử dụng trong laptop Huawei vẫn là của Intel, nên bất kỳ hạn chế nào nữa từ Mỹ sẽ khiến việc sản xuất laptop của Huawei trở nên khá khó khăn”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington mô tả các hạn chế với Huawei là "bắt nạt kinh tế", đồng thời kêu gọi Mỹ "ngưng thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các công ty Trung Quốc".

Huawei, biểu tượng của cuộc chiến công nghệ kéo dài nhiều năm giữa Mỹ và Trung Quốc, đã bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019. Các nhà cung cấp Mỹ thường bị chính phủ ngăn cản bán bất cứ thứ gì cho những công ty nằm trong danh sách đen thương mại. Song vào cuối năm 2020, ngay trước khi ông Trump rời khỏi cương vị Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại đã cấp cho các công ty Mỹ, gồm cả Intel, quyền đặc biệt để bán một số mặt hàng cho Huawei.

Một nguồn tin cho biết AMD đã xin giấy phép bán CPU tương tự vào đầu năm 2021 sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi về đơn của mình.

Reuters chưa thể xác định lý do tại sao Intel được cấp giấy phép, còn AMD thì không. Thế nhưng, tác động đến doanh số laptop Huawei là ngay lập tức. Doanh số laptop Huawei chứa chip AMD giảm từ 47,1% vào năm 2020 xuống còn 9,3% trong nửa đầu năm 2023, theo bản trình bày nội bộ của AMD với dữ liệu lấy từ NPD và GfK.

Theo bài thuyết trình, thị phần laptop Huawei có chứa chip Intel đã tăng vọt trong khoảng thời gian này từ 52,9% lên 90,7%. Điều đó khiến hai công ty Mỹ có "chênh lệch doanh thu ước tính" lên tới 512 triệu USD vào đầu năm 2023.

Công ty Circana (được thành lập năm ngoái từ việc sáp nhập NPD và IRI) và GfK (hiện thuộc sở hữu của NIQ) từ chối bình luận về vấn đề này.

Theo Reuters, nỗ lực thu hồi giấy phép của Intel tưởng chừng có kết quả vào năm 2023 khi một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng chính sách cấp phép cho Huawei đang được xem xét và Bộ Thương mại Mỹ sẽ khắc phục sự không thống nhất về giấy phép. Song đến cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đã gác lại kế hoạch thu hồi giấy phép mà không đưa ra lý do, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch có thể được hồi sinh vào một thời điểm sau đó.

Reuters chưa biết lý do tại sao Bộ Thương mại Mỹ lại từ bỏ kế hoạch thu hồi giấy phép của Intel. Thế nhưng, hành động này diễn ra khi Mỹ đang nỗ lực thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc, gồm cả việc tái lập các cuộc đàm phán về quân đội, sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện trong không phận Mỹ mùa đông năm ngoái đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai siêu cường.

Các nguồn tin từ Reuters cho biết giấy phép của Intel dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và khó có thể được gia hạn. Trong khi đó, Huawei tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chip Intel cho laptop của mình.

Thị phần laptop Huawei đã tăng từ 2,2% năm 2018 lên 9,7% vào 2023 khi hãng này thay thế Dell trở thành nhà sản xuất laptop lớn thứ ba Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys.

Đầu tháng 3, AMD nhận tin xấu khác từ chính quyền Biden. Cụ thể hơn, các quan chức Mỹ đã thông báo với AMD rằng chip AI mà hãng này thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc vẫn quá mạnh để có thể bán mà không cần giấy phép.

Trước đó, AMD đã hy vọng được Bộ Thương mại Mỹ bật đèn xanh để bán chip AI cho khách hàng Trung Quốc vì nó được chỉnh sửa để có hiệu suất thấp hơn so với sản phẩm mà công ty bán ở các nước khác. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng AMD vẫn cần phải xin giấy phép từ Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ mới có thể bán chip AI cho Trung Quốc.

Nvidia, đối thủ của AMD, cũng liên tục hạ cấp các chip AI mạnh mẽ để bán cho Trung Quốc trong nỗ lực vượt qua những hạn chế ngày càng bị Mỹ siết chặt với chất bán dẫn.

Mỹ đang nỗ lực hạn chế Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến có thể phát triển các mô hình AI và các thiết bị sản xuất những chip đó vì lo ngại cường quốc châu Á sẽ giành được lợi thế quân sự.

Chính quyền Joe Biden đã công bố gói biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu hồi năm 2022 và tiếp tục thắt chặt chúng vào tháng 10.2023.

Hôm 29.3, chính quyền Biden đã sửa đổi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng mà họ từng thực hiện vào tháng 10.2023, khiến Trung Quốc khó tiếp cận hơn với chip AI tiên tiến, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và thậm chí cả laptop tích hợp những chip đó. Các quy định sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 4.4.

Theo bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bản cập nhật hạn chế này nhằm lấp đầy các lỗ hổng trong các biện pháp trước đó và ngăn chặn sự phát triển AI của Trung Quốc cho mục đích quân sự.

Trung Quốc phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sửa đổi của Mỹ được công bố hôm 29.3, đồng thời chỉ trích chính quyền Biden vì tùy tiện thay đổi các quy tắc và làm tổn hại đến quyền lợi của cả các công ty Trung Quốc lẫn Mỹ.

Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nói: “Nó không chỉ tạo thêm trở ngại cho các công ty Trung Quốc và Mỹ trong việc thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường, đồng thời đặt ra gánh nặng tuân thủ nặng nề hơn mà còn gây tổn hại cho ngành bán dẫn toàn cầu”.

Bài liên quan
Mỹ xem xét trừng phạt các công ty Trung Quốc thuộc mạng lưới chip bí mật của Huawei
Chính quyền Biden đang xem xét việc đưa một số công ty bán dẫn Trung Quốc liên quan đến Huawei vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) sau khi tập đoàn viễn thông này đạt được bước tiến công nghệ quan trọng vào năm ngoái, theo nguồn tin của trang Bloomberg.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà làm luật Mỹ tức giận khi Huawei trình làng laptop có chip Intel AI mới