Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thay thế chip nước ngoài trong mạng cốt lõi của họ trước năm 2027.
Thế giới số

WSJ: Trung Quốc yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn nhất loại bỏ chip nước ngoài

Sơn Vân 12/04/2024 19:00

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thay thế chip nước ngoài trong mạng cốt lõi của họ trước năm 2027.

Theo Wall Street Journal, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành chỉ thị này vào đầu năm nay, có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip Mỹ như Intel và AMD. Sau thông tin này, cổ phiếu Intel và AMD đã giảm khoảng 2% trong giao dịch trước giờ mở cửa thị trường ở New York.

Cơ quan giám sát ngành đã ra lệnh cho ba nhà mạng di động nhà nước lớn nhất nước, gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, kiểm tra mạng của họ và đưa ra các mốc thời gian để thay thế các bộ xử lý không phải từ Trung Quốc. Đại diện của ba nhà khai thác không trả lời ngay lập tức khi được Bloomberg đề nghị bình luận.

Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch loại bỏ công nghệ Mỹ, một phần là để tránh các lệnh trừng phạt ngày càng nhiều từ chính quyền Biden. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các cơ quan và tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn ngừng sử dụng iPhone, thúc đẩy các công ty từ bỏ máy tính nước ngoài và yêu cầu những nhà sản xuất ô tô điện của họ dùng chip được thiết kế trong nước.

Nỗ lực rộng rãi, phối hợp này diễn ra nhanh chóng vào năm 2023 với sự trỗi dậy của các hãng công nghệ hàng đầu quốc gia như Huawei và SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc). Điều này làm tăng triển vọng về các lựa chọn thay thế trong nước ở toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ.

Chỉ thị viễn thông nêu trên tương tự động thái của các chính phủ phương Tây cấm sử dụng thiết bị mạng Huawei vì cho rằng đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

China Mobile, China Unicom và China Telecom nằm trong số những nhà cung cấp đám mây và trung tâm dữ liệu lớn nhất của đất nước, sử dụng chip từ công ty Mỹ.

trung-quoc-yeu-cau-cac-nha-mang-vien-thong-lon-nhat-loai-bo-chip-nuoc-ngoai.jpg
Việc Trung Quốc yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn nhất loại bỏ chip nước ngoài có thể ảnh hưởng Intel - Ảnh: Internet

Giữa tháng 3 vừa qua, trang Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu các hãng ô tô điện trong nước tăng cường chi tiêu cho các nhà sản xuất chip địa phương, gây bất lợi cho các công ty Mỹ.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã trực tiếp hướng dẫn các công ty tránh sử dụng chất bán dẫn nước ngoài nếu có thể. Chỉ thị này gây ra sự không chắc chắn với hoạt động kinh doanh của Nvidia và Texas Instruments (Mỹ), NXP Semiconductor (Hà Lan), Renesas Electronics (Nhật Bản) - các công ty nước ngoài đang cạnh tranh với đối thủ địa phương để cung cấp chip cho thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.

Trung Quốc ngày càng hỗ trợ nhiều hơn cho ngành công nghiệp chip nước này, vốn rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế và duy trì lợi thế địa chính trị.

Trung Quốc đã tán thành nỗ lực của các công ty lớn trong nước, chẳng hạn Huawei, thông qua trợ cấp và các chính sách có mục tiêu. Trung Quốc đang thành lập một quỹ trị giá hơn 27 tỉ USD để thúc đẩy đầu tư vào chip và tăng chi tiêu cho nghiên cứu trên toàn quốc lên hơn 51 tỉ USD.

Chỉ thị nêu trên là sự mở rộng của nỗ lực không ngừng nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc bằng cách khuyến khích tập trung vào ngành công nghiệp trong nước thay vì phụ thuộc vào Mỹ.

Nỗ lực đó đã ảnh hưởng đến doanh số iPhone của Apple, giảm khoảng 33% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, do sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone thay thế từ Huawei. Nó cũng làm tổn thương Tesla trong cuộc chiến giành thị phần với các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc vốn đang cạnh tranh về giá. Tuần trước, Tesla công bố lượng giao ô tô điện quý 1/2024 sụt giảm (lần đầu trong gần 4 năm). Cụ thể là giảm 8,5% xuống còn 386.810 xe.

Trong trường hợp gần đây, Trung Quốc cố gắng thay đổi chuyện phụ thuộc vào chip Mỹ của các nhà sản xuất ô tô trong nước bằng cách khuyến khích khả năng tự cung tự cấp.

Những chiếc ô tô điện ngày nay giống như máy tính gắn trên bánh xe, với chip từ các công ty Mỹ thường đóng vai trò then chốt trong việc phát triển những chiếc xe mới được sản xuất tại Trung Quốc.

Ví dụ, BYD (đối thủ của Tesla) vào tháng 3.2023 đã hợp tác với Nvidia (gã khổng lồ chip Mỹ) để sử dụng các thiết kế chip Orin chuyên dụng của mình trong các mẫu ô tô điện Dynasty và Ocean EV nhằm hỗ trợ mọi thứ, từ lái xe và đỗ xe tự động cho đến giải trí bên trong.

Vì vậy, bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD và Geely hướng chi tiêu vốn cho các nhà sản xuất chip địa phương, Bắc Kinh đang đặt ra một rào cản khác với các hãng công nghệ Mỹ đang tìm cách kinh doanh tại thị trường quan trọng với sự tăng trưởng của họ những năm gần đây.

Ví dụ, Apple đã tạo ra gần 20% doanh thu từ việc bán hàng tại Trung Quốc vào năm ngoái. Nvidia báo cáo doanh thu 10,3 tỉ USD từ Trung Quốc trong năm tài chính 2023, tăng từ mức 5,8 tỉ USD của năm 2022.

Các nhà sản xuất chip Mỹ đã có thời gian chuẩn bị cho cuộc sống không có Trung Quốc. Chẳng hạn, Nvidia đã thừa nhận trong hồ sơ rằng “vị thế cạnh tranh của họ đã bị tổn hại” sau khi Mỹ đưa ra các yêu cầu vào năm ngoái nhằm hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cuối tháng 3, truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc ban hành quy định cấm sử dụng chip Intel và AMD, cũng như hệ điều hành nước ngoài như Windows trong các máy tính cá nhân và máy chủ ở các cơ quan nhà nước.

Lý do chính thức cho lệnh cấm này là lo ngại về quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Chính phủ Trung Quốc cho rằng Intel và AMD có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm từ các máy tính chính phủ và sử dụng chúng cho mục đích gián điệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ đây chỉ là cái cớ để Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng các CPU trong nước.

Lệnh cấm áp dụng cho tất cả máy tính chính phủ, gồm cả máy tính sử dụng trong lĩnh vực quân sự.

Theo hãng tin Reuters, cuối tháng 12.2023, Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc đã ra ba danh sách riêng về CPU, hệ điều hành và cơ sở dữ liệu tập trung, yêu cầu các văn phòng thuộc chính phủ cần lựa chọn sản phẩm công nghệ "an toàn và đáng tin cậy". Việc thay thế sẽ diễn ra trong ba năm. Tất cả trong danh mục đều do nội địa sản xuất.

Tiêu chí hàng đầu đế đánh giá mẫu chip “an toàn và tin cậy” là mức độ thiết kế, quá trình phát triển và sản xuất hoàn thiện có thực hiện tại Trung Quốc hay không. Ngoài ra, các công ty phải gửi tài liệu và mã R&D (nghiên cứu & phát triển) hoàn chỉnh về sản phẩm của họ cho cơ quan chức năng xem xét.

Riêng với bộ xử lý, Trung Quốc phê duyệt 18 sản phẩm, đa số từ Huawei và Phytium. Trong khi đó, hệ điều hành được đề xuất chủ yếu là các bản được phát triển dựa trên nhân Linux mã nguồn mở.

Việc Trung Quốc ngăn sử dụng sản phẩm của công ty Mỹ trong chính phủ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa hai bên ngày càng căng thẳng. Thời gian qua, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, nhưng cường quốc châu Á cũng chi nhiều tiền và nhân lực để tự chủ công nghệ và bắt đầu đạt được những thành tựu đầu tiên.

Lao Zhang Cheng, người phụ trách mua 16 máy tính “hoàn toàn của Trung Quốc” cho một tổ chức thuộc Sở Giao thông thành phố Thiệu Hưng, cho biết các đồng nghiệp của ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm quen với hệ điều hành trong nước.

“Chúng tôi đang thay thế các máy tính cũ chạy chip nước ngoài. Những thiết bị cũ chạy Windows vẫn có thể được sử dụng, song chỉ trong một số trường hợp hãn hữu”, Lao Zhang Cheng nói.

Lin Qingyuan, chuyên gia chip tại nhóm nghiên cứu Bernstein, nói việc thay thế bộ vi xử lý máy chủ sẽ diễn ra nhanh hơn so với PC (máy tính cá nhân) vì hệ sinh thái phần mềm cần thay thế hạn chế hơn.

Theo giới chuyên gia, động thái của Trung Quốc sẽ khiến Intel, AMD và Microsoft giảm doanh số nghiêm trọng bởi đây là thị trường quan trọng của các công ty Mỹ này. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Intel năm 2023, đóng góp tới 27% doanh thu, còn với AMD là 15%. Microsoft không công bố doanh thu ở Trung Quốc, nhưng con số được cho là chiếm khoảng 1,5%.

Bài liên quan
Intel không bị Mỹ thu hồi giấy phép bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei, AMD bất bình
Reuter đưa tin Intel, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, vẫn được bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WSJ: Trung Quốc yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn nhất loại bỏ chip nước ngoài