Đại sứ ít nhất 4 nước thành viên Liên minh châu Âu EU đã yêu cầu Uỷ ban châu Âu EC ra hướng dẫn rõ ràng hơn về cơ chế trả tiền khí đốt cho Nga khi Moscow chỉ nhận đồng rúp.
Như đã đưa tin, sáng 27.4, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ra thông báo chính thức cho biết sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lí do hai quốc gia này từ chối trả tiền khí đốt bằng đồng rúp theo yêu cầu mà chính quyền Nga đã đưa ra trước đó.
Ngay hôm đó, nguồn tin ngoại giao từ Brussels cho biết, Đại sứ ít nhất 4 nước thành viên Liên minh châu Âu EU đã yêu cầu Uỷ ban châu Âu EC ra hướng dẫn rõ ràng hơn về cơ chế trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp.
Ngày 22.4, EC ra một văn bản hướng dẫn không ràng buộc về pháp lý cho biết các công ty EU có thể vẫn thanh toán bằng đồng euro hay USD và sau đó tiền này được chuyển đổi sang đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU với Nga. Theo văn bản hướng dẫn của EC, các công ty có thể bổ sung vào các giao dịch tuyên bố họ coi mình đã hoàn tất các nghĩa vụ hợp đồng một khi đã thanh toán bằng ngoại tệ (không phải đồng rúp). Tuy nhiên, văn bản này vẫn khiến các nước hiểu theo cách khác nhau và hành động khác nhau miễn sao có khí đốt của Nga về nước.
Chẳng hạn Hungary chuyển tiền mua khí đốt bằng đồng euro vào tài khoản đồng euro của họ tại Ngân hàng Gazprom, ngân hàng này sẽ chuyển đổi thành đồng rúp và đồng rúp này sẽ được chuyển cho công ty Gazprom Export. Còn Slovakia xác nhận rằng Tập đoàn khí đốt Slovak Gas Works (SPP) sẽ thanh toán bằng đồng euro cho khí đốt cho Ngân hàng Quốc gia Nga. Sau đó, ngân hàng này sẽ chuyển đổi số tiền này từ euro thành rúp rồi chuyển giao cho Gazprom của Nga.
Trong tuyên bố đưa ra tại trụ sở của EU tại Brussels chiều 27.4 sau khi tâp đoàn Gazprom của Nga thông báo chính thức ngưng việc cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen chỉ trích đây là hành động khiêu khích từ phía Nga nhưng cũng đồng thời cho biết: "Trong ngày 27.4, các nước thành viên đã họp tại nhóm điều phối khí đốt. Ba Lan và Bulgaria đã cập nhật tình hình và hiện cả hai nước đều đang nhận khí đốt từ các nước EU láng giềng”.
Tuy nhiên, không rõ khối lượng khí đốt mà Ba Lan và Bulgaria được nhận là bao nhiêu, giá cả ra sao khi châu Âu hiện nay vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt từ Nga. Ước tính khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% lượng tiêu thụ tại châu Âu. Một số nước như Đức, Áo phụ thuộc lớn hơn và nhiều lần thừa nhận nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, kinh tế các nước này có thể rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết, khối này đang tiến hành nhiều biện pháp cùng lúc, trong đó có việc lập các nhóm điều phối khí đốt giữa các quốc gia trong cùng khu vực để trợ giúp lẫn nhau, nâng cao dự trữ tối đa để bảo đảm có đủ lượng dữ trữ khí đốt trong trung hạn, đẩy mạnh việc nhập khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) từ các nước như Mỹ, Na Uy, Qatar… đồng thời gia tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.