Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỉ USD vào 2025, nhanh nhất ở Đông Nam Á cùng với Philippines.

Google: Nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20%/năm từ 2023 đến 2025

Sơn Vân | 01/11/2023, 14:53

Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỉ USD vào 2025, nhanh nhất ở Đông Nam Á cùng với Philippines.

Nền kinh tế internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 11% trong năm 2023 so với cùng kỳ 2022, chậm lại so với mức tăng trưởng 20% ở năm ngoái, báo cáo thường niên của ngành cho biết hôm 1.11.

Do Google, Temasek Holdings (nhà đầu tư Singapore do chính phủ hậu thuẫn) và hãng tư vấn kinh doanh toàn cầu Bain & Company công bố, báo cáo cũng cho biết nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ đạt 295 tỉ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 330 tỉ USD. Đây là lần thứ hai ước tính được điều chỉnh giảm trong nghiên cứu hàng năm của ba công ty.

Danh mục lớn nhất là thương mại điện tử, dự kiến chỉ đạt 186 tỉ USD vào năm 2025, thay vì 211 tỉ USD mà các nhà nghiên cứu ước tính trước đó.

Người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang hạn chế chi tiêu để đối phó với lạm phát và lãi suất tăng cao, trong khi đó sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Những gã khổng lồ toàn cầu như Amazon và Alibaba cũng như các công ty trong khu vực như Grab Holdings Ltd, Sea Ltd và GoTo Group đang cạnh tranh để giành lấy một phần thị trường từ bán lẻ trực tuyến đến giao đồ ăn và gọi xe.

Ngay cả khi ngày càng có nhiều người ở Đông Nam Á lên mạng, phần lớn chi tiêu trong khu vực vẫn đến từ những người tiêu dùng tương đối giàu có hơn ở các thành phố lớn. Báo cáo cho biết 30% người dùng mang lại giá trị kinh tế cao hàng đầu chiếm hơn 70% giá trị giao dịch của nền kinh tế kỹ thuật số, báo hiệu các công ty internet đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng tiềm năng ở những vùng xa xôi hơn.

Dù vậy, Google, Temasek Holdings và Bain & Company cho biết trong một tuyên bố chung: “Các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang cho thấy quỹ đạo tăng trưởng tích cực, với du lịch và vận tải trên đà vượt mức trước đại dịch vào năm 2024”.

Florian Hoppe, Giám đốc Bain & Company tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết việc cắt giảm ước tính chủ yếu là do thay đổi mục tiêu dài hạn và sự ổn định sau đại dịch COVID-19.

Đông Nam Á có hơn 650.000 người, với dân số chủ yếu là trẻ, sử dụng smartphone rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển, khiến khu vực này trở thành một trong những thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới.

google-nen-kinh-te-ky-thuat-so-viet-nam-du-kien-tang-truong-20-nam-tu-2023-2025.jpg
Nền kinh tế internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 11% trong năm 2023 so với cùng kỳ 2022 - Ảnh: Internet

Theo báo cáo, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỉ USD vào năm 2025, nhanh nhất ở Đông Nam Á cùng với Philippines.

Báo cáo cho biết: “Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã QR”.

Xu hướng này dự kiến sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số", là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.

Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ban hành, việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai.

Xác định rõ các mục tiêu và định hướng này, ngành ngân hàng đã và đang tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Theo báo cáo từ Google, Temasek Holdings và Bain & Company,  nguồn tài trợ tư nhân cho các lĩnh vực liên quan đến kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á đã giảm xuống mức năm 2017 từ mức cao kỷ lục vào 2021. Thế nhưng, dự trữ tiền mặt cho đầu tư vẫn tăng bất chấp các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng.

Báo cáo cho biết: “Để thoát khỏi giai đoạn khan hiếm nguồn tài trợ này, các doanh nghiệp kỹ thuật số của Đông Nam Á cần phải chứng minh rằng các giao dịch chất lượng với lộ trình rút vốn rõ ràng luôn sẵn có. Sự suy giảm này phù hợp với sự thay đổi toàn cầu theo hướng chi phí vốn cao và các vấn đề liên quan đến vòng đời nguồn tài trợ”.

Việc huy động vốn tư nhân của các công ty ở Đông Nam Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, giảm đáng kể so với mức cao của đại dịch khi các nhà đầu tư trở nên kén chọn hơn và lãi suất vay tăng lên làm cho việc tài trợ bằng vốn trở nên đắt đỏ hơn. Theo báo cáo, số lượng thỏa thuận liên quan đến các hãng công nghệ trong khu vực Đông Nam Á đã giảm hơn một nửa xuống còn 564 trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư trong khu vực, nhiều hãng trong số họ đã bắt đầu rót vốn vào giữa thập kỷ trước, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc mang lại lợi nhuận trong một thị trường đầy thách thức với việc niêm yết công khai. Theo nghiên cứu, các quỹ ở Đông Nam Á bắt đầu hoạt động trong vòng 5 đến 7 năm qua chỉ mang lại lợi nhuận trung bình 4%, so với khoảng 50% ở Trung Quốc và 40% ở Mỹ.

Theo báo cáo, các nhà đầu tư mạo hiểm đã có sẵn 15,7 tỉ USD để thúc đẩy các giao dịch vào cuối năm 2022.

Fock Wai Hoong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Temasek Holdings, cho biết: “Thực chất là các công ty có thể nhanh chóng điều chỉnh để hướng đến lợi nhuận. Họ càng sớm thực hiện điều này, nguồn tài trợ càng nhanh sẽ trở lại".

Bài liên quan
Trận chiến giữa hãng công nghệ đình đám với ngân hàng truyền thống ở Đông Nam Á: GoTo, Grab sắp vào cuộc
Nhiều tập đoàn công nghệ tại Đông Nam Á đang đang cạnh tranh gay gắt với ngân hàng truyền thống ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google: Nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20%/năm từ 2023 đến 2025