Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các quốc gia thành viên cắt giảm lượng khí đốt sử dụng cho đến tháng 3.2023, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 có thể bị giảm hoặc cắt hoàn toàn.
Hoạt động bảo dưỡng Nord Stream 1 định kỳ dự kiến kết thúc vào ngày 21.7. Đơn vị điều hành mạng lưới khí đốt của Đức Gascade hy vọng lượng khí đốt chuyển sang sẽ quay lại mức trước lúc tiến hành bảo dưỡng (khoảng 698 GWh).
Trước ngày 11.7 – thời điểm bắt đầu bảo dưỡng, Nga đã cắt giảm 60% lượng khí đốt cung cấp qua Nord Stream 1 với lý do công ty Siemens Energy của Đức không trả một số thiết bị đúng hạn sau khi gửi chúng đến Canada sửa chữa. Các tuyến vận chuyển khác cũng bị cắt giảm từ sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.
Động thái trên khiến châu Âu khó dự trữ đủ khí đốt dùng trong mùa đông lạnh giá. Một đợt cắt giảm nữa sẽ tạo thêm áp lực lên nền kinh tế lục địa già.
Trước tình hình hiện tại, Ủy ban châu Âu đề xuất mục tiêu tự nguyện cho các thành viên EU: giảm 15% lượng khí đốt sử dụng từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau so với mức tiêu thụ trung bình cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2021.
Đề xuất có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp, nếu EU xác định có nguy cơ thiết hụt nghiêm trọng. Các thành viên chuẩn bị tiến hành thảo luận vào ngày 22.7 để thông qua ngày 26.7
Theo một quan chức EU: “Chúng tôi tin có thể xảy ra khả năng cắt hoàn toàn. Nếu chờ đợi thì khí đốt sẽ đắt đỏ hơn và chúng tôi để Nga nắm quyền kiểm soát”. Các nước trong khối đang cố đạt mục tiêu đến ngày 1.11 lấp đầy 80% kho dự trữ.
Nord Stream 1 đang thu hút sự chú ý lớn. Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ đường ống dự kiến hoạt động trở lại đúng thời hạn, nhưng ở mức thấp hơn công suất khoảng 160 triệu mét khối/ngày. Sau đó công ty dầu khí Nga Gazprom sẽ tăng lại công suất đến mức trước ngày 11.7.
Canada tuần qua tuyên bố đã trả thiết bị. Gazprom ngày 20.4 cho biết chưa nhận được giấy tờ để tái lắp đặt. Tổng thống Putin còn tuyên bố vẫn chưa rõ chất lượng thiết bị được trả lại có tốt không, nếu không Nord Stream 1 có khả năng bị ngắt trong tương lai.
EU đặt mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, nhưng khối cần thời gian tìm nguồn cung thay thế. Với Gazprom và chính phủ Nga, khí đốt cung cấp cho châu Âu là nguồn thu quan trọng.