Theo đó, 1.237 tỉ đồng sẽ được trích từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 1.237 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế cho việc mua và tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Bộ Y tế có trách nhiệm thực hiện cơ chế mua vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch bệnh COVID-19 năm 2021, bao gồm: kế hoạch chi tiết về mua, sử dụng 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19; nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch; trách nhiệm đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin của từng cấp chính quyền, cấp ngân sách nhà nước, tổ chức cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả,...
Như Một Thế Giới đã đưa tin, sáng nay 1.4, Việt Nam đã đón nhận 811.200 liều vắc xin phòng COVID-19 tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, do COVAX tài trợ. Lô vắc xin về sân bay Nội Bài sáng nay cũng là lô vắc xin AstraZeneca thứ 2 về Việt Nam. Lô đầu tiên đã về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 24.2 với 117.600 liều do Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đặt mua từ nhà sản xuất AstraZeneca của Anh.
Tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 50.000 người được loại tiêm vắc xin này. Đó là những cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX Facility, 30 triệu liều do VNVC của Việt Nam đặt mua. Tuy nhiên, kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.