Hôm 18.2, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với đài CNBC rằng Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế áp với hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Trump trước đây, nhưng sẽ đánh giá cách thức tiến hành sau khi xem xét kỹ lưỡng.
“Hiện tại, chúng tôi đã giữ nguyên các mức thuế mà chính quyền Trump đã đưa ra... và sẽ đánh giá trong tương lai những gì chúng tôi nghĩ là phù hợp”, bà Janet Yellen nói và cho biết thêm rằng Mỹ mong đợi Trung Quốc tuân thủ các cam kết về thương mại.
Khi được hỏi liệu thuế quan có hiệu quả không, Yellen do dự, sau đó nói: "Chúng tôi sẽ xem xét điều đó".
Nhà Trắng tháng trước cho biết sẽ xem xét lại tất cả các biện pháp an ninh quốc gia mà cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra, bao gồm cả một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc.
Thỏa thuận đã xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại mà các chuyên gia Mỹ ước tính đã dẫn đến việc mất 245.000 việc làm của Mỹ, nhưng hầu hết các mức thuế vẫn được áp dụng cho cả hai bên.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung của Mỹ trong vòng 2 năm theo thỏa thuận tạm thời được Trump ký vào tháng 1.2020, nhưng đã giảm 42% so với mục tiêu năm ngoái.
Tổng thống Joe Biden hứa sẽ hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ nhưng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, cảnh báo trong tuần này rằng Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho những vi phạm nhân quyền của mình.
“Chúng tôi đang trong quá trình đánh giá xem cách tiếp cận của chúng tôi nên hướng tới Trung Quốc là gì, nhưng có một loạt vấn đề mà chúng tôi nhận thấy là các hành vi không công bằng”, bà Janet Yellen nói với CNBC, viện dẫn những lo ngại về hành vi của Trung Quốc với thương mại, chuyển giao công nghệ kiểu ép buộc và trợ cấp cho các ngành công nghệ cao.
Bà Janet Yellen nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ giải quyết và giữ cho Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong các lĩnh vực này”.
Bà Janet Yellen cho rằng cũng có những lĩnh vực mà hai nước cần hợp tác, chẳng hạn như làm việc để chấm dứt đại dịch COVID-19 và chống biến đổi khí hậu.
Trở lại chuyện trong nước, bà Janet Yellen nói việc tăng thuế sẽ là cần thiết để chi trả ít nhất một phần của gói đầu tư cơ sở hạ tầng, khí hậu và giáo dục lớn mà Tổng thống Joe Biden dự kiến giới thiệu cuối năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết các chi tiết vẫn đang được thảo luận về cơ sở hạ tầng và gói năng lượng sạch, nằm trên kế hoạch cứu trợ coronavirus trị giá 1,9 ngàn tỉ USD đang được Quốc hội xem xét. Nó sẽ bao gồm các khoản đầu tư vào năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu; đầu tư vào giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động Mỹ và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng, khí hậu, giáo dục có thể sẽ được đề xuất cuối năm nay, sẽ liên quan đến chi tiêu trong một số năm và “có lẽ việc tăng thuế để chi trả ít nhất một phần của nó có thể sẽ chậm dần theo thời gian", theo bà Janet Yellen.
Gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 ngàn tỉ USD của Tổng thống Biden nhằm đảm bảo rằng tăng trưởng đủ mạnh để trở lại toàn dụng lao động nhanh hơn so với ước tính cơ bản gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, dự kiến rằng dựa trên luật hiện hành thì phải mất đến năm 2024 mới đạt được mức việc làm trước đại dịch COVID-19.
Toàn dụng lao động là trạng thái của nền kinh tế mọi người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm. Nền kinh tế chỉ tồn tại thất nghiệp tự nhiên. Chỉ có những người không chấp nhận làm việc ở mức lương chung của thị trường mới không có việc làm.
Với kế hoạch gói kích thích kinh tế từ Biden và tiến bộ tốt về vắc xin để kết thúc đại dịch COVID-19, bà Janet Yellen nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể trở lại làm việc toàn phần vào năm tới”.
Janet Yellen đã hạ thấp nguy cơ lạm phát tiềm ẩn từ hàng ngàn tỉ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và gói kích thích mới, nói rằng lạm phát đã ở mức thấp trong một thập kỷ và Cục Dự trữ Liên bang có các công cụ để đối phó với nó.
Bà nói: “Nguy cơ lớn hơn là để lại sẹo và những người trong đại dịch này phải gánh chịu hậu quả suốt đời về cuộc sống và sinh kế của họ, nếu không có viện trợ”.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khởi đầu vào ngày 22.3.2018 khi Tổng thống Donald Trump thời đó tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỉ USD với hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Danh sách thuế quan trọng tập trung vào các sản phẩm được Trung Quốc đưa vào kế hoạch Made in China 2025 liên quan đến CNTT và robot.
Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 cho phép Tổng thống Mỹ có thẩm quyền đơn phương áp dụng tiền phạt hoặc các hình phạt khác với một đối tác thương mại được cho là không công bằng, gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ.
Vào tháng 4.2018, ông Trump đã áp đặt thuế quan với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, Canada và các nước trong Liên minh châu Âu.
Ngày 6.7.2018, ông Trump cho áp đặt thuế quan với hàng hóa trị giá 34 tỉ USD của Trung Quốc, dẫn đến việc Trung Quốc đáp trả bằng các mức thuế tương tự với các sản phẩm của Mỹ.
Chính quyền Trump cho biết thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Trong tháng 8.2017, ông Trump đã mở một cuộc điều tra chính thức về các vụ tấn công vào tài sản trí tuệ Mỹ và các đồng minh của mình, việc trộm cắp ước tính gây tốn kém cho Mỹ khoảng 600 tỉ USD một năm.
Kết quả là Mỹ tuyên bố luật pháp Trung Quốc làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ bằng cách buộc các công ty nước ngoài tham gia liên doanh với các công ty Trung Quốc, sau đó cho phép họ truy cập và sử dụng, cải tiến, sao chép hoặc đánh cắp công nghệ.
Ông Trump cũng coi kế hoạch công nghiệp kỹ thuật của Made in China 2025 là mối đe dọa với nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, nên kêu gọi Trung Quốc dừng toàn bộ kế hoạch. Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng họ đã tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và rằng Mỹ đã bỏ qua nỗ lực này, tố Mỹ ngó lơ các quy tắc của WTO và lời kêu gọi giảm thuế từ các ngành công nghiệp của mình.
Trung Quốc kiên quyết phản đối các tập quán thương mại này của Mỹ, tin rằng họ đại diện cho "chủ nghĩa đơn phương" và "chủ nghĩa bảo hộ”.