Chính quyền Biden đã phủ nhận việc rút lại đề xuất của chính quyền Trump yêu cầu các trường đại học Mỹ tiết lộ quan hệ với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Chính quyền Biden phủ nhận cáo buộc ‘chống lưng’ cho Viện Khổng Tử

Hoàng Vũ | 13/02/2021, 12:11

Chính quyền Biden đã phủ nhận việc rút lại đề xuất của chính quyền Trump yêu cầu các trường đại học Mỹ tiết lộ quan hệ với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 11.2 đã khẳng định, đề xuất của chính quyền tiền nhiệm về quy định các cơ sở giáo dục và trường đại học của Mỹ phải tiết lộ mối quan hệ với Viện Khổng Tử, không bị Cơ quan Đăng ký Liên bang rút khỏi mà bị từ chối bởi quy trình của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB). Ông Price cũng lên tiếng bác bỏ các thông tin từ báo chí cho rằng chính quyền Biden đã “âm thầm” từ bỏ đề xuất.

“Chính quyền Trump chưa đệ trình dự thảo quy tắc lên Cơ quan Đăng ký Liên bang ngay từ đầu vì OMB chưa hoàn thành việc xem xét đề xuất. Khi nói đến các Viện Khổng Tử, chúng tôi vẫn tiếp tục có những lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động thông qua các viện này, vì chúng có thể ảnh hưởng tới tự do học thuật ở Mỹ”, ông nói.

Ông Price cho biết, vào ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, người được chỉ định làm Chánh văn phòng Nhà Trắng là Ron Klain đã đóng băng các quy trình pháp lý. Do đó, các đề xuất dự thảo không được thông qua trong quá trình xem xét của OMB đã bị từ chối và sẽ cần được gửi lại.

vien-khong-tu.png
Bên ngoài một Viện Khổng Tử của Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bác bỏ thông tin nói rằng, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden không còn coi Viện Khổng Tử là các phái bộ nước ngoài, đồng thời cam kết những lo ngại về các Viện Khổng Tử sẽ được xem xét khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cân nhắc phương án ứng phó hiệu quả nhất đối với các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ coi các Viện Khổng Tử là một phần trong phương pháp tiếp cận tổng thể của Washington trong cách phản ứng tốt nhất với hoạt động sử dụng thông tin của Trung Quốc cũng như các nỗ lực phá hoại và can thiệp vào các nền dân chủ”, Price cho hay.

Đề xuất quy định, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục tại Mỹ phải báo cáo về việc liệu họ có bất kỳ mối liên hệ nào với các Viện Khổng Tử hay không, đã được chính quyền Trump đệ trình lên Bộ An ninh Nội địa vào ngày 31.12 năm ngoái. Theo đó, Mỹ sẽ yêu cầu khoảng hơn 500 cơ sở giáo dục gồm nhiều trường đại học ở Mỹ tiết lộ mối quan hệ tài chính của họ với các Viện Khổng Tử, một tổ chức liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, chính quyền tiền nhiệm cũng tuyên bố coi Viện Khổng Tử là một “phái bộ nước ngoài” của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo cho biết Viện Khổng Tử là “một thực thể do Bắc Kinh kiểm soát nhằm thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền toàn cầu và gây ảnh hưởng xấu đối với các cơ sở giáo dục của Mỹ”. Sau khi cảnh báo những rủi ro liên quan tới các Viện Khổng Tử, ông Pompeo mong muốn tất cả Viện Khổng Tử đặt tại các cơ sở giáo dục ở Mỹ sẽ bị đóng cửa.

Được biết, Trung Quốc đã thành lập Viện Khổng Tử gần như trên khắp thế giới. Cơ sở đầu tiên được mở tại Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2004, tới nay đã có hơn 500 học viện và khoảng 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức giáo dục ở nước ngoài. Riêng tại Mỹ, có khoảng 75 Viện Khổng Tử đang hoạt động tại các trường đại học và khoảng 500 lớp học Khổng Tử từ cấp mẫu giáo tới trung học.

Viện Khổng Tử được ví như những cơ sở khác của nước ngoài, như Trung tâm Văn hóa Pháp, Học viện Quốc tế Tây Ban Nha, Hội đồng Anh... nhằm dạy cho sinh viên về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thông qua những lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp.

Mặc dù Bắc Kinh ra sức tuyên truyền mục tiêu của các Viện Khổng Tử là giảng dạy, đào tạo giáo viên tiếng Trung, tổ chức thi trình độ Hán ngữ, chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... nhằm đưa văn hóa Trung Hoa ra thế giới, nhưng có vẻ mục đích chính của nó không hoàn toàn như thế.

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản cũng đã lên tiếng cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ để can dự vào chính trường nước sở tại. Thụy Điển nhận định rằng Viện Khổng Tử là nơi để chính phủ Trung Quốc tuyên truyền chính trị, trong khi Canada coi việc thành lập Viện Khổng Tử là bước đầu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm nhập.

Nhiều nhà quan sát cho rằng các lớp học triển khai bởi Viện Khổng Tử chỉ đưa ra một cái nhìn có chọn lọc về cuộc sống của người Trung Quốc và cố tình tránh các chủ đề nhạy cảm như sự kiện Thiên An Môn hay các vấn đề về Tây Tạng, người thiểu số Duy Ngô Nhĩ...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden phủ nhận cáo buộc ‘chống lưng’ cho Viện Khổng Tử