ByteDance, chủ sở hữu TikTok đang phát triển ứng dụng giống Clubhouse cho Trung Quốc, vì sự thành công trên toàn cầu của dịch vụ trò chuyện âm thanh từ Mỹ đã truyền cảm hứng cho làn sóng bắt chước ở nước này.

Chủ sở hữu TikTok phát triển ứng dụng giống Clubhouse trong cơn sốt bắt chước ở Trung Quốc

Nhân Hoàng | 05/03/2021, 22:04

ByteDance, chủ sở hữu TikTok đang phát triển ứng dụng giống Clubhouse cho Trung Quốc, vì sự thành công trên toàn cầu của dịch vụ trò chuyện âm thanh từ Mỹ đã truyền cảm hứng cho làn sóng bắt chước ở nước này.

Ít nhất 10 ứng dụng tương tự Clubhouse đã được tung ra trong tháng qua, với đà tăng sau khi Clubhouse bị chặn ở Trung Quốc đầu tháng 2.2021. Clubhouse đã chứng kiến ​​sự gia tăng người dùng Trung Quốc tham gia thảo luận về các chủ đề nhạy cảm như trại giam Tân Cương, nền độc lập của Hồng Kông, căng thẳng với Đài Loan.

Các dịch vụ mới tương tự Clubhouse gồm cả việc Xiaomi làm lại ứng dụng Mi Talk của mình thành dịch vụ âm thanh chỉ dành cho những người được mời, nhắm mục tiêu đến các chuyên gia vào tuần trước. Các nhà lãnh đạo ngành cho biết nhiều ứng dụng tương tự Clubhouse đang được phát triển.

Hai nguồn tin tiết lộ các kế hoạch của ByteDance vẫn đang trong giai đoạn đầu.

Các cuộc thảo luận về TikTok và ByteDance trên Clubhouse đã thúc đẩy sự quan tâm đến thể loại này từ các nhà lãnh đạo ByteDance, bao gồm cả Giám đốc điều hành Trương Nhất Minh, một trong những nguồn tin cho biết.

ByteDance từ chối bình luận về thông tin trên.

chu-so-huu-tiktok-phat-trien-ung-dung-giong-clubhouse-1.jpg
Trung Quốc chặn Clubhouse đêm 8.2 vừa qua vì nhiều người dùng nước này bàn luận về chủ đề nhạy cảm như Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan

Sự thành công của Clubhouse, nơi có thể chứa tới 8.000 người trong mỗi phòng trò chuyện và chứng kiến ​​cuộc thảo luận của Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk và Giám đốc điều hành Robinhood - Vlad Tenev, đã tạo ra tiềm năng cho dịch vụ trò chuyện âm thanh.

Các ứng dụng tương tự Clubhouse ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ mang các đặc điểm của nước này để phù hợp với sự kiểm duyệt và giám sát từ chính phủ.

Một ví dụ như vậy là ứng dụng Zhiya của Lizhi được niêm yết trên Nasdaq, ra mắt vào năm 2018 với người dùng thường nói về trò chơi điện tử hoặc hát các ca khúc.

Zhiya yêu cầu đăng ký bằng tên thật, một đặc điểm mà Marco Lai (Giám đốc điều hành Lizhi) cho biết là chìa khóa quan trọng ở Trung Quốc. Ông nói các công ty phát trực tiếp âm thanh ở Trung Quốc thuê nhân viên lắng nghe các cuộc trò chuyện trong mọi phòng và triển khai các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để loại bỏ nội dung “không phù hợp”, chẳng hạn khiêu dâm hoặc các vấn đề nhạy cảm về chính trị.

Một phát ngôn viên của Lizhi cho biết Zhiya sử dụng con người cũng như các công cụ AI để điều chỉnh các cuộc trò chuyện công khai trên nền tảng này.

Zhiya đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc gỡ xuống một thời gian ngắn vào năm 2019, nhưng đã được khôi phục sau khi Lizhi thực hiện các biện pháp khắc phục.

Marco Lai nói rằng ngoài chính trị, có rất nhiều chỗ cho các ứng dụng trò chuyện âm thanh ở Trung Quốc.

Người lớn ở Trung Quốc không thích bày tỏ quan điểm của mình trước đám đông. Chúng tôi được dạy phải giữ thái độ khiêm tốn từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, một cách tiếp cận tốt ở Trung Quốc là giải trí, bạn mời mọi người đến vui chơi”, Marco Lai chia sẻ.

Một số công ty mới tham gia thị trường đã gặp nhiều khó khăn với ứng dụng nhái Clubhouse.

Nổi tiếng với nền tảng phát trực tiếp, Inke đã tung ra một ứng dụng tương tự Clubhouse là Duihuaba trong tháng này, tuyển dụng các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà phê bình thời trang và những người nổi tiếng khác để tổ chức các cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, Inke đã đột ngột rút ứng dụng Duihuaba chỉ 2 tuần sau khi ra mắt, nói rằng cần cải tiến thêm mà không đưa ra lời giải thích.

Vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được công bố rộng rãi, Clubhouse được thành lập bởi Paul Davison và Rohan Seth, ra mắt vào tháng 5.2020. Đó là nền tảng xã hội dựa trên âm thanh. Bạn có thể vào phòng (hoặc tạo phòng) và nghe hoặc tham gia thảo luận về các chủ đề về cách giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp của bạn, tương lai của nhân loại,…. Các phòng thường có diễn giả, các hội đồng và người kiểm duyệt. Cuộc trò chuyện diễn ra trong thời gian thực, có nghĩa là bạn có thể nghe thấy mọi người đưa ra ý kiến của họ về chủ đề đó và bạn cũng có thể xin phép đưa ra ý kiến của mình.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở cùng phòng với tất cả mọi người trên thế giới”, Natasha Scruggs, luật sư từ thành phố Kansas (bang Missouri, Mỹ), người đã sử dụng Clubhouse trong vài tuần, cho biết.

Clubhouse thể hiện mong muốn kết nối với nhau của mọi người vào thời điểm giãn cách xã hội và bị cô lập ở nhà.

Các cuộc trò chuyện không được ghi âm, điều này về mặt lý thuyết đảm bảo quyền riêng tư, song một số cuộc phỏng vấn những người nổi tiếng và những ai có sức ảnh hưởng được bí mật ghi âm và tải lên YouTube.

Những người chấp nhận lời mời ban đầu hầu hết là những nhà công nghệ và đầu tư ở Thung lũng Silicon (Mỹ), nhưng tính chất chỉ được mời của Clubhouse đã tạo ra sức hút khiến hàng loạt nhân vật nổi tiếng Mỹ tham gia, như diễn viên Oprah Winfrey, Ashton Kutcher, Jared Leto và Tiffany Haddish, rapper Drake, nhạc sĩ Azealia Banks.

Đầu tháng 2, CEO Tesla và Space X - Elon Musk đã xuất hiện để thảo luận mọi câu hỏi liên quan đến sao Hỏa. CEO Facebook - Mark Zuckerberg xuất hiện sau đó để nói về AR (tương tác thực tế ảo) và VR (thực tế ảo) trong công việc từ xa.

Sau khi Elon Musk đăng tweet rằng ông sẽ phát biểu trực tiếp trên ứng dụng, cổ phiếu Clubhouse đã tăng 117% vào ngày 1.2.

Bài liên quan
Nhiều người Trung Quốc bỏ tiền nhận lời mời dùng mạng xã hội Clubhouse của Mỹ để bàn về Tân Cương, Hồng Kông
Ứng dụng mạng xã hội dựa trên âm thanh Clubhouse đang thu hút rất nhiều người dùng mới từ Trung Quốc đại lục. Hiện ứng dụng của Mỹ vẫn chưa bị kiểm duyệt bởi các nhà chức trách Trung Quốc dù đã có các cuộc thảo luận sôi nổi về quyền, bản sắc dân tộc và các chủ đề nhạy cảm khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ sở hữu TikTok phát triển ứng dụng giống Clubhouse trong cơn sốt bắt chước ở Trung Quốc