Cory Doctorow đã đặt ra thuật ngữ enshitification để mô tả sự xuống cấp của các nền tảng, gồm cả Facebook của Mark Zuckerberg.
Thế giới số

Chuyên gia nêu lý do các nền tảng công nghệ và mạng xã hội cuối cùng đều xuống cấp

Sơn Vân 04/03/2024 12:30

Cory Doctorow đã đặt ra thuật ngữ enshitification để mô tả sự xuống cấp của các nền tảng, gồm cả Facebook của Mark Zuckerberg.

Cory Doctorow (52 tuổi) là blogger, nhà báo và tác giả khoa học viễn tưởng người Canada gốc Anh khá nổi tiếng.

Ông đưa ra lý thuyết giải thích tại sao các nền tảng công nghệ và mạng xã hội dường như đã bị suy giảm chất lượng, giá trị và gọi đó là enshittification.

Cory Doctorow đã đặt ra thuật ngữ này như một phương tiện mô tả cảm giác ngày càng tăng rằng các nền tảng do các hãng công nghệ lớn vận hành đang xuống cấp đến mức không thể nhận ra. Điều này gây ra nhiều vấn đề khi có hàng tỉ người phụ thuộc vào chúng.

Các nền tảng có vai trò gần như không thể thiếu trong nền kinh tế kỹ thuật số ngày nay. Chúng mang người mua và người bán lại với nhau, giúp nhiều người ở cách xa nhau giao tiếp dễ dàng hàng ngày, làm thông tin được phổ biến rộng rãi…

Khi đó, với Cory Doctorow, bản thân các nền tảng không phải là vấn đề, do chúng đóng vai trò trung gian quan trọng giữa hai phía của thị trường.

Với Cory Doctorow, vấn đề là các nền tảng đang ở trạng thái dường như "quan trọng hơn cả hai phía thị trường mà chúng làm trung gian".

"Tại sao Uber lại quan trọng hơn tài xế và hành khách? Làm thế nào mà Amazon lại quan trọng hơn người bán và người mua? Tại sao Facebook, Twitter lại quan trọng hơn nhà xuất bản và độc giả?", Cory Doctorow nói với trang Insider.

Lý thuyết của ông về cách các nền tảng đạt được điều đó bao gồm một quá trình nhiều bước.

Bước đầu tiên, các nền tảng tỏ ra thân thiện với người dùng tiềm năng để thu hút họ. Hãy nghĩ về cách các công ty truyền thông xã hội ban đầu cung cấp đăng ký miễn phí, hoặc cách các công ty như Netflix thu hút người tiêu dùng bằng các gói đăng ký giá rẻ.

Bước thứ hai, các nền tảng này bắt đầu khóa chặt người dùng. Các công ty như Facebook đã chi rất nhiều tiền để thâu tóm và củng cố thị trường bằng cách mua lại đối thủ cạnh tranh như Instagram. Kết quả là họ dễ dàng hơn trong việc thu thêm tiền và dữ liệu từ người dùng.

Việc khóa chặt người dùng có thể gồm nhiều chiến lược, chẳng hạn:

Liên kết hệ thống: Tạo ra các kết nối mạnh mẽ giữa dịch vụ hoặc sản phẩm của mình với các hệ thống, thiết bị khác để làm cho việc chuyển đổi trở nên khó khăn.

Lợi ích độc quyền: Cung cấp các tính năng hoặc ưu đãi đặc biệt chỉ dành cho người dùng hiện tại, khiến họ khó lòng từ bỏ và chuyển sang các nền tảng khác.

Quy định và hạn chế: Thiết lập các quy tắc và hạn chế mà người dùng phải tuân thủ để sử dụng dịch vụ, tăng cường khả năng kiểm soát và giữ chân họ trong hệ sinh thái của nền tảng đó.

Cory Doctorow nói: “'Khi một công ty đã nắm giữ thị trường của mình và có được những khoản lợi nhuận vượt trội bổ sung thì rất khó khăn để kiểm soát công ty đó”.

Tiếp theo, các nền tảng bắt đầu "quay lưng" với người dùng. Ngay cả Apple cũng không tránh khỏi điều đó.

Theo Cory Doctorow, phản ứng dữ dội của các nhà phát triển gần đây với Apple về những thay đổi trong App Store, được thực hiện để tuân theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), là một ví dụ hoàn hảo cho giai đoạn enshitification.

Ủy ban châu Âu đã buộc Apple phải thay đổi cách phân phối ứng dụng trên iPhone sau khi ra phán quyết rằng App Store hoạt động như một gatekeeper (người gác cổng) không công bằng. Apple trước đây chỉ cho phép các nhà phát triển bán ứng dụng thông qua cửa hàng kỹ thuật số của mình và nhận về 30% hoa hồng.

Những thay đổi này nhằm mang lại lợi ích cho các nhà phát triển, nhưng nhiều người đã lên tiếng phản đối, thậm chí gọi chúng là "rác rưởi", vì Apple vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ cách thức phân phối ứng dụng bằng cách quyết định các cửa hàng kỹ thuật số nào của bên thứ ba được cung cấp cho người dùng ở EU.

Ngoài ra, Apple cũng sẽ áp dụng "phí công nghệ cốt lõi" mới, cụ thể là các nhà phát triển sẽ phải trả khoảng 50 cent euro/tài khoản người dùng mỗi khi số lượt cài đặt của ứng dụng của họ trong năm đầu tiên vượt qua con số 1 triệu.

“Điều này làm cho người ta kinh ngạc và thực sự những gì Apple đang nói là chúng tôi có 3.000 tỉ USD (vốn hóa thị trường) và bạn chỉ là 500 triệu người châu Âu, chịu khó đi. Chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến có tầm quan trọng trong thập kỷ tới tùy thuộc vào những gì Ủy ban và Liên minh châu Âu làm cũng như cách Apple phản ứng”, Cory Doctorow nhận xét.

Ông chưa đưa ra kết luận về việc các nền tảng có thể duy trì cách hoạt động này trong bao lâu.

Theo Cory Doctorow, luôn tồn tại rủi ro khi các hãng công nghệ tiếp tục nắm giữ quyền lực với thứ mà ông gọi là "chủ nghĩa tư bản tường thuật" - quan điểm cho rằng các chiến dịch xây dựng hình ảnh công chúng được thiết kế cẩn thận có thể giúp nền tảng đổi mới thương hiệu.

Việc Mark Zuckerberg đổi tên Facebook thành Meta Platforms có thể coi là một ví dụ như vậy. Việc đổi tên thương hiệu được thực hiện sau khi công ty phải đối mặt với sự giám sát gắt gao sau vụ bê bối Cambridge Analytica, dẫn đến Mark Zuckerberg phải xuất hiện lần đầu tiên tại Điện Capitol trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Khi việc đặt cược vào metaverse gặp khó khăn, Meta Platforms đang đặt AI lên hàng đầu. Vào năm 2023, khi Meta Platforms bắt đầu “năm hiệu quả”, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết AI sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của công ty.

chuyen-gia-neu-ly-do-cac-nen-tang-cong-nghe-va-mang-xa-hoi-cuoi-cung-deu-xuong-cap.jpg
Cory Doctorow đã đặt ra thuật ngữ enshitification để mô tả sự xuống cấp của nền tảng như Facebook của Mark Zuckerberg - Ảnh: Getty Images

Meta phải trả 725 triệu USD vì vụ bê bối Cambridge Analytica gây rò rỉ dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook

Cuối năm 2022, Meta Platforms đã đồng ý trả 725 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể cáo buộc Facebook cho phép các bên thứ ba, gồm cả Cambridge Analytica, truy cập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận dàn xếp được đề xuất sẽ giải quyết một vụ kiện kéo dài từ những tiết lộ vào năm 2018 rằng Facebook cho phép Cambridge Analytica truy cập dữ liệu 87 triệu người dùng.

Nhóm luật sư của các nguyên đơn gọi thỏa thuận được đề xuất là lớn nhất từng đạt được trong một vụ kiện tập thể về quyền riêng tư dữ liệu của Mỹ.

Meta Platforms đã không thừa nhận hành vi sai trái như một phần của thỏa thuận dàn xếp, điều này phải được sự chấp thuận của thẩm phán liên bang Mỹ ở thành phố San Francisco.

Cambridge Analytica (hiện không còn tồn tại) từng là một công ty tư nhân chuyên về khai thác dữ liệu, môi giới và phân tích dữ liệu với truyền thông chiến lược chuyên dụng cho quá trình bầu cử.

Cambridge Analytica đã làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ thành công của ông Donald Trump vào năm 2016 và có quyền truy cập vào thông tin cá nhân từ hàng chục triệu tài khoản Facebook cho mục đích lập hồ sơ cũng như nhắm mục tiêu cử tri mà không có sự đồng ý của họ.

Thông tin này đã được sử dụng để phát triển phần mềm hướng cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump.

Kho dữ liệu này gồm tuổi của người dùng Facebook, sở thích, fanpage họ thích, nhóm họ tham gia, vị trí địa lý, đảng phái chính trị, tôn giáo, các mối quan hệ, ảnh, tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ email.

Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu để nhắm mục tiêu các quảng cáo chính trị và nhận được hàng triệu USD từ chiến dịch vận động trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Vào tháng 6.2014, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan đã phát triển ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook. Khoảng 270.000 người đã cài đặt ứng dụng của Aleksandr Kogan trên tài khoản Facebook cá nhân.

Aleksandr Kogan đã cung cấp cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 50 triệu người dùng Facebook cho Cambridge Analytica. Cambridge Analytica sử dụng nó để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri.

Vụ bê bối dữ liệu người dùng được Christopher Wylie, cựu nhân viên Cambridge Analytica nghỉ việc từ năm 2014, phanh phui vào tháng 3.2018. Christopher Wylie tiết lộ Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu ít nhất 50 triệu người dùng Facebook.

Theo Christopher Wylie, Cambridge Analytica đã khai thác lỗ hổng của Facebook để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản và “xây dựng những mô hình cho phép khai thác tất cả những điều có thể biết về người dùng cũng như nhắm đúng tâm lý của họ”. Đó là cơ sở để Cambridge Analytica duy trì hoạt động.

Kể từ khi vụ bê bối Cambridge Analytica nổ ra, Facebook đã xóa quyền truy cập vào dữ liệu của mình khỏi hàng ngàn ứng dụng bị nghi ngờ lạm dụng, giới hạn lượng thông tin có sẵn cho các nhà phát triển và giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh các hạn chế về chia sẻ dữ liệu cá nhân.

Vụ bê bối Cambridge Analytica sau đó đã thúc đẩy các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về các hoạt động bảo mật, các vụ kiện và phiên điều trần cấp cao của Quốc hội, nơi Mark Zuckerberg bị các nhà làm luật chỉ trích.

Bài liên quan
Mark Zuckerberg nêu lý do nhiều hãng công nghệ sa thải nhân viên, nói về cuộc chiến Meta - Apple
Mark Zuckerberg đưa ra lý thuyết giải thích tại sao việc sa thải nhân viên công nghệ không dừng lại: Các công ty đang nhận ra rằng dù đau đớn nhưng việc trở nên “tinh gọn” hơn cũng có những lợi ích.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
9 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nêu lý do các nền tảng công nghệ và mạng xã hội cuối cùng đều xuống cấp