Việc Bitcoin tăng giá mạnh gần đây đã làm dấy lên những cảnh báo mới từ truyền thông nhà nước Trung Quốc về rủi ro khi đầu tư vào tiền điện tử, vì sự quan tâm đến tài sản kỹ thuật số vẫn còn mạnh mẽ ở nước này bất chấp lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền điện tử.
Thế giới số

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo rủi ro về đầu tư vào tiền điện tử khi giá Bitcoin tăng vọt

Sơn Vân 04/03/2024 09:12

Việc Bitcoin tăng giá mạnh gần đây đã làm dấy lên những cảnh báo mới từ truyền thông nhà nước Trung Quốc về rủi ro khi đầu tư vào tiền điện tử, vì sự quan tâm đến tài sản kỹ thuật số vẫn còn mạnh mẽ ở nước này bất chấp lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền điện tử.

Tờ Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc hôm 3.3 cho biết giá Bitcoin phục hồi không thể “che giấu” những rủi ro tiềm ẩn của tài sản kỹ thuật số.

Economic Daily khẳng định những biến động mạnh mẽ về giá trị Bitcoin là điều bình thường và tiền điện tử vẫn chưa trở thành xu hướng chủ đạo, đồng thời sự giám sát pháp lý với thị trường này còn chặt chẽ. Theo Economic Daily, các nhà đầu tư nên duy trì tư duy “rõ ràng và lý trí”, tránh đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc có thể dẫn đến rủi ro không mong muốn.

Lời cảnh báo này đến sau khi giá Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất và có giá trị nhất thế giới, tăng gần 45% trong tháng 2, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11.2021.

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự ra mắt của các spot bitcoin exchange-traded fund (spot bitcoin ETF, hay quỹ giao dịch hoán đổi quyền sở hữu bitcoin giao ngay) ở Mỹ vào tháng 1, cũng như sự kiện halving (giảm một nửa) dự kiến diễn ra vào tháng 4. Đó là quá trình diễn ra 4 năm một lần, trong đó tốc độ token giảm một nửa, cùng với phần thưởng được trao cho người khai thác Bitcoin.

Sự kết hợp của các yếu tố đó đã đưa giá trị Bitcoin lên hơn 63.933 USD vào tuần trước. Dù giảm nhẹ kể từ đó và hiện có giá 62.973 USD, Bitcoin vẫn được giao dịch ở mức cao hơn 40% so với đầu năm 2024.

Giá Bitcoin tăng vọt đã thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ người dùng internet ở Trung Quốc, nơi cộng đồng những người đam mê tiền điện tử vẫn hoạt động bất chấp lập trường cứng rắn của chính phủ với tài sản kỹ thuật số.

Bitcoin đã trở thành xu hướng tìm kiếm vào tuần trước trên nhiều nền tảng trực tuyến Trung Quốc, gồm cả trang tiểu blog Weibo. Mức độ phổ biến của từ khóa Bitcoin đã tăng hơn 4 lần trên ứng dụng đa năng WeChat của tập đoàn Tencent. Mức độ phổ biến của Bitcoin trên WeChat từng tăng vọt 676% hôm 13.2, ngày tiền điện tử này đạt mốc 50.000 USD lần đầu tiên sau hơn hai năm.

Giá Bitcoin đã tăng vọt kể từ đầu tháng 2 sau khi duy trì ở mức dưới 30.000 USD trong phần lớn thời gian năm 2023, sau một đợt suy giảm của thị trường tiền điện tử hồi năm 2022.

truyen-thong-trung-quoc-canh-bao-rui-ro-ve-dau-tu-vao-tien-dien-tu-khi-gia-bitcoin-tang-vot.jpg
Giá Bitcoin lần đầu tiên đạt 63.000 USD hôm 28.2 kể từ tháng 11.2021 - Ảnh: Getty Images

Theo bản tin của Reuters vào tháng 1, sự quan tâm đến việc thực hiện các giao dịch Bitcoin bí mật cũng tăng lên ở Trung Quốc, khi thị trường chứng khoán nước này tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Giao dịch tiền điện tử thông qua một số sàn lớn vẫn diễn ra tích cực ở Trung Quốc. Các nhà giao dịch tiền điện tử ở nước này sử dụng một loạt giải pháp để vượt qua các hạn chế được áp dụng một cách lỏng lẻo.

Bất chấp cảnh báo trên trang web của mình, Binance cho phép người dùng Trung Quốc tạo tài khoản và giao dịch trên sàn thông qua một số cách giải quyết, theo các thử nghiệm do trang SCMP thực hiện.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử những năm qua.

Trung Quốc đang giải quyết các rủi ro rửa tiền liên quan đến tiền điện tử, dù ủng hộ tham vọng của Hồng Kông trở thành trung tâm lớn cho các tài sản ảo.

Trong bảng xếp hạng của công ty nghiên cứu Chainalysis về việc áp dụng tiền điện tử ở 20 quốc gia lớn, Trung Quốc chiếm vị trí số 11 vào năm 2023 sau khi xếp thứ 10 hồi 2022.

Xếp hạng của Trung Quốc về khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung đã giảm xuống vị trí thứ 10 vào năm 2023 sau khi xếp thứ hai hồi 2022. Dù vậy, Chainalysis cho biết quốc gia này đứng thứ 13 về khối lượng giao dịch tiền điện tử ngang hàng vào năm 2023, tăng từ vị trí thứ 144 hồi 2022.

Trước khi FTX sụp đổ vào năm 2022, các nhà giao dịch Trung Quốc chiếm 8% cơ sở người dùng của nền tảng này, theo hồ sơ phá sản của công ty Mỹ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục cố gắng ngăn cản người dân tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiền điện tử, khi các nhà chức trách viện dẫn rủi ro về dòng vốn và bất ổn tài chính.

Vào tháng 9.2021, 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc đã nâng cao lệnh cấm tiền điện tử bằng cách tuyên bố nhiều hoạt động liên quan đến loại tiền số này là bất hợp pháp.

Năm 2022, khi giá tiền điện tử sụt giảm sau cuộc khủng hoảng của nhiều công ty, Economic Daily đã cảnh báo rằng Bitcoin, mà tờ báo này gọi là “không gì khác ngoài một chuỗi mã kỹ thuật số”, có thể đi về giá trị ban đầu bằng 0.

Cùng năm đó, các nhà điều hành tại Blockchain-based Service Network (Mạng dịch vụ dựa trên Blockchain), sáng kiến do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn nhằm thúc đẩy việc áp dụng thương mại công nghệ blockchain, đã gọi tiền điện tử là “trò lừa đảo Ponzi lớn nhất lịch sử loài người”.

Mô hình Ponzi là một loại lừa đảo tài chính mà người quản lý hứa hẹn lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nhưng thực tế lại dựa vào tiền từ những nhà đầu tư mới để trả lợi nhuận cho những người đầu tiên tham gia, thay vì từ hoạt động đầu tư có giá trị thực sự.

Mô hình Ponzi thường có các đặc điểm chung như sau:

Hứa hẹn lợi nhuận cao: Người quản lý hứa hẹn cho nhà đầu tư lợi nhuận vượt xa những gì có thể được đạt được thông qua các cơ hội đầu tư thông thường.

Không có hoạt động đầu tư thực sự: Thực tế không có hoạt động hay dự án đầu tư có giá trị được thực hiện. Lợi nhuận được chi trả từ tiền mới nhận được từ những nhà đầu tư mới.

Trả lời nhuận từ vốn mới: Khi cần trả lời nhuận cho những nhà đầu tư hiện tại, người quản lý sử dụng tiền từ những người mới tham gia, tạo nên chuỗi lưu thông tiền.

Thường kèm theo sự lôi kéo bằng cách trả lợi nhuận: Để thu hút những nhà đầu tư mới, người quản lý thường trả lời nhuận cho những nhà đầu tư hiện tại, tạo ra cảm giác là hệ thống đầu tư đang hoạt động thành công.

Thường kết thúc bằng sự sụp đổ: Khi không còn đủ tiền mới để trả lời nhuận cho những nhà đầu tư cũ hoặc sự lôi kéo không thể được duy trì, mô hình sụp đổ và những người đầu tư sẽ mất tiền.

Tên gọi Ponzi xuất phát từ Charles Ponzi, một người Ý người đã trở nên nổi tiếng với loại hình lừa đảo này vào những năm 1920. Dù Charles Ponzi không phải là người sáng tạo ra mô hình nhưng tên ông đã trở thành biểu tượng của lừa đảo tài chính kiểu này.

Bài liên quan
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất 2022, Ethereum giảm lượng khí thải đáng kể
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất năm 2022 với tác động đến môi trường của nó đang gia tăng, theo một báo cáo từ nhà cung cấp dữ liệu thị trường Forex Suggest.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền thông Trung Quốc cảnh báo rủi ro về đầu tư vào tiền điện tử khi giá Bitcoin tăng vọt