Trong lúc cuộc tập trận quy mô lớn quanh Đài Loan đang diễn ra, giới chức quân sự Trung Quốc liên tục đưa ra thông điệp chiến thắng tới công chúng.
Đại tá Trương Quân Xã thuộc Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc phát biểu: “Hỏa lực của chúng tôi bao phủ toàn bộ Đài Loan, chúng tôi có thể tấn công bất cứ nơi nào chúng tôi muốn. Chúng tôi đã tiến rất gần và bao vây Đài Loan, chứng minh được năng lực ngăn lực lượng nước ngoài can thiệp”.
Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhằm mục đích tỏ rõ sự ủng hộ dành cho đảo tự trị. Tuy nhiên, một số người lo ngại động thái này có tác dụng ngược là trao cho Trung Quốc cơ hội chứng tỏ năng lực gây sức ép quân sự lên Đài Loan.
Giới phân tích nhận định Bắc Kinh muốn sử dụng cuộc tập trận làm xói mòn sự tự tin về khả năng “sống sót” của Đài Loan. Tập trận như một đợt phong tỏa hiệu quả các tuyến hàng không lẫn hàng hải vốn giúp đảo tự trị giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đồng thời làm dấy lên nghi vấn về khả năng lẫn mức độ sẵn sàng bảo vệ đảo tự trị của Mỹ.
Các chuyên gia quốc phòng không xem cuộc tập trận đang diễn ra như bước đi để phát động chiến tranh thống nhất Đài Loan như Trung Quốc lâu nay luôn nói đến, nhưng họ đều nhất trí rằng diễn biến mới nhất là bước ngoặt trong quan hệ hai bờ 73 năm qua cũng như trong cán cân quyền lực Mỹ - Trung.
Theo cựu quan chức Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Culver, quan hệ Mỹ - Trung đã bước sang “thời kỳ mới” khi Bắc Kinh tổ chức tập trận với nhiều yếu tố chưa từng có: lần đầu tiên bắn tên lửa bay qua Đài Loan, phong tỏa vài khu vực phục vụ diễn tập quân sự, điều lượng lớn máy bay di chuyển qua đường phân định trên eo biển Đài Loan.
“Chúng ta đang chứng kiến hiện trạng mới. Tập trận như vậy có thể trở thành tiêu chuẩn được Trung Quốc thực hiện thường xuyên”, cựu quan chức Culver dự báo.
Thiết lập hiện trạng mới
Trung Quốc phản ứng rất nhanh với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Quân đội nước này phong tỏa 6 khu vực quanh đảo tự trị có nhiều tuyến hàng không lẫn hàng hải đi qua để tập trận suốt 3 ngày. Trước đây Bắc Kinh chưa từng đụng đến các tuyến vận tải quan trọng như vậy.
“Đây là phô diễn lực lượng trước lúc phong tỏa. Phong tỏa toàn diện sẽ có đe dọa bắn rơi máy bay, tàu ngầm đặt ngư lôi và triển khai không quân cùng hải quân quanh Đài Loan. Cuộc tập trận như cơ hội để quân đội Trung Quốc chứng minh rằng họ đủ sức phối hợp không quân, hải quân, lực lượng tên lửa tạo thế phong tỏa toàn diện”, theo nhà phân tích Rick Fisher thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá quốc tế (IASC).
Tập trận khiến hàng chục chuyến bay dân sự bị hủy, không ít máy bay cùng tàu hàng phải đổi lộ trình. Giới phân tích tin rằng Trung Quốc chưa thể duy trì sức ép lớn như vậy trong thời gian dài, nhưng Bắc Kinh có thể thực hiện nhiều lần.
Chuyên gia Christopher Twomey thuộc Học viện Nghiên cứu sinh hải quân Mỹ lo ngại nếu Trung Quốc thực hiện thêm vài lần nữa, rủi ro khi di chuyển qua khu vực dễ nổ ra xung đột sẽ làm chi phí bảo hiểm tăng cao, dẫn đến chậm trễ và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Giới chức Đài Loan và phương Tây thì lại lo ngại Trung Quốc thực hiện hành động quân sự cùng một số động khác để thiết lập hiện trạng mới. Vài tháng gần đây giới chức quân sự Trung Quốc khi làm việc với các đối tác Mỹ đã nhấn mạnh eo biển Đài Loan không phải vùng biển quốc tế.
Trang The Financial Times dẫn lời một quan chức phương Tây: “Họ có thể dùng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi làm cớ cho nỗ lực thay đổi hiện trạng như đã từng làm với vùng biển quanh quần đảo Senkaku”. Khi Nhật quốc hữu hóa Senkaku năm 2012, Trung Quốc triển khai lượng lớn tàu tuần duyên cùng tàu quân sự tiếp cận quần đảo thách thức quyền kiểm soát của Tokyo.
Mỹ cần làm gì?
Từ trước khi bà Pelosi sang thăm Đài Loan, tại Trung Quốc đã có ý kiến đánh giá Mỹ đang dần từ bỏ chính sách tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và nay là Tổng thống Joe Biden tiến hành không ít thay đổi đáng chú ý, chẳng hạn như nới lỏng hạn chế trong việc cho quan chức Mỹ gặp gỡ quan chức Đài Loan. Mặc dù Nhà Trắng vẫn tiếp tục tuyên bố không ủng hộ Đài Loan độc lập, Tổng thống Biden từng cảnh báo Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công đảo tự trị.
Theo cựu đô đốc hải quân Mỹ Gary Roughead, những gì xảy ra tuần qua cho thấy sự cần thiết phải điều động thêm lực lượng Mỹ đến Thái Bình Dương.
Nhà phân tích Fisher cho rằng đã đến lúc Washington cung cấp lượng lớn khí tài để giúp Đài Loan tích lũy kho vũ khí trước khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa toàn diện, thúc đẩy hợp tác quân sự với Nhật và Đài Loan, thậm chí triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở gần hay ngay tại Đài Loan.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michèle Flournoy lưu ý rằng Mỹ cần răn đe ngăn Trung Quốc tấn công Đài Loan, muốn làm được Washington cần hợp tác chặt chẽ giúp Đài Loan cải thiện năng lực phòng vệ, biến đảo tự trị thành một “con nhím”.