Đột quỵ xảy ra tại mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai, nhưng không phải bệnh viện nào cũng có thể điều trị được đột qụy.

Cơ sở y tế như thế nào mới đủ điều kiện điều trị bệnh đột quỵ?

Hồ Quang | 07/05/2021, 19:11

Đột quỵ xảy ra tại mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai, nhưng không phải bệnh viện nào cũng có thể điều trị được đột qụy.

Đột quỵ đang là nỗi ám ảnh với rất nhiều người, và mối quan tâm của tất cả người bệnh, gia đình người bệnh là khi đột quỵ, cần điều trị ở đâu, làm sao để biết nơi nào có thể điều trị tốt nhất?

Phải có tối thiểu 5 chuyên khoa có liên quan

TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho rằng không phải tất cả bệnh viện đều có thể chữa được đột quỵ như nhau, kể cả ở các nước phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Mặc dù, bác sĩ sau khi học 6 năm trong ngành y đều có thể chẩn đoán ban đầu bệnh nhân có bị đột quỵ hay không. “Chẩn đoán được đột quỵ và có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân là 2 việc hoàn toàn khác nhau, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, bác sĩ Cường nói.

co-so-y-te-nhu-the-nao-moi-du-dieu-kien-dieu-tri-benh-dot-quy-hinh-anh(1).png
TS.BS Trần Chí Cường (phải)- Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cùng ê kíp thực hiện 1 ca can thiệp đột quỵ - Ảnh: N.T

Theo bác sĩ Cường, để chữa bệnh đột quỵ, điều đầu tiên là phải có yếu tố con người. Đây là yếu tố cần, bởi đội ngũ chuyên môn là điều kiện quan trọng trong tất cả các mô hình điều trị đột quỵ. Đối với một trung tâm, bệnh viện đột quỵ để đạt chuẩn trong điều trị cần phải có tối thiểu 5 chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh, ngoại thần kinh, can thiệp nội mạch.

“Khi bệnh nhân đột quỵ rơi vào ngưng tim ngưng thở, nếu không có bác sĩ cấp cứu kịp thời thì chỉ trong 4 phút bệnh nhân đã tử vong. Nếu có tất cả các thiết bị như CT scan, MRI... mà không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh để đọc phim 24/24 thì không thể chẩn đoán sớm nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ nội thần kinh giúp đánh giá, phân loại đột quỵ (nhồi máu não hay xuất huyết não), loại trừ đột quỵ, đánh giá thang điểm Glasgow, thang điểm NIHSS... Sau đó, tiêm thuốc tiêu sợi huyết rTPA nếu bệnh nhân đột quỵ trong “cửa sổ” giờ vàng 4,5 giờ. Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết lượng nhiều, vỡ túi phình, vỡ dị dạng, nhồi máu não diện rộng... khi đó bác sĩ ngoại thần kinh sẽ thực hiện việc mở sọ giải ép, dẫn lưu não thất lấy máu tụ, kẹp túi phình... Nếu không có bác sĩ ngoại thần kinh sẽ không giảm được nguy cơ tử vong khi bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật. Và cuối cùng, nếu không có bác sĩ can thiệp nội mạch sẽ không thể cứu được những trường hợp tắc nghẽn mạch máu lớn, nguy cơ tử vong cao từ 30% đến 90% (tắc động mạch thân nền) và ngược lại nếu có đội ngũ can thiệp nội mạch thần kinh, túc trực 24/24h, tối thiểu 5 bác sĩ có thể “đứng chính” làm cấp cứu trong đêm, sẽ giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do tắc nghẽn mạch máu lớn”, bác sĩ Cường giải thích.

Và có Ít nhất 15 bác sĩ chuyên khoa phụ trách về đột quỵ 24/24

Trong điều trị đột quỵ, phải theo quy trình, nếu bất kỳ một vị trí nào trong quy trình bị “hỏng” sẽ làm ảnh hưởng ngay đến kết quả cứu chữa bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ Cường cho biết để chạy tốt quy trình, các bác sĩ cần thống nhất về kiến thức chẩn đoán và điều trị.

Một bệnh viện đột quỵ phải có tối thiểu 15 bác sĩ chuyên khoa phụ trách về đột quỵ 24/24, chia làm 3 ê kíp, mỗi kíp 5 bác sĩ “trực tua ba”, mới có thể đáp ứng được tốt nhất nhu cầu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc “trực tua ba” kéo dài các bác sĩ thường không thể kham nổi.

Đây là điều kiện cần để xây dựng một đơn vị, trung tâm đột quỵ trong bệnh viện hoặc bệnh viện đột quỵ, lý tưởng nhất là lãnh đạo bệnh viện phải xây dựng được nguồn nhân lực 5 ê kíp, mỗi ê kíp có 5 chuyên khoa phát triển đồng đều, đạt chuẩn, phải xem vai trò của các chuyên khoa là như nhau, không có chuyên khoa nào quan trọng hơn chuyên khoa nào, phải phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, cùng đặt sinh mạng bệnh nhân là mục tiêu hàng đầu để phấn đấu giành lại sự sống cho họ, đôi khi cũng cần đến những sự hy sinh cá nhân về thời gian, gia đình, sức khỏe...

Song song với điều kiện cần là con người, đòi hỏi phải có điều kiện đủ về cơ sở vật chất. Vì nếu có tất cả 5 chuyên khoa nhưng về cơ sở vật chất không đáp ứng cũng không mang lại ý nghĩa.

Tối thiểu phải có 1 máy CT đa lát cắt, chụp được hình bơm thuốc tương phản cho bệnh nhân để chẩn đoán xuất huyết não hay nhồi máu não, 1 máy chụp mạch máu xóa nền DSA, 10 máy thở, monitor... Để an toàn hơn cho bệnh nhân, điều trị được những trường hợp khó, đến trễ sau giờ vàng... bệnh viện cần trang bị tối thiểu 1 máy MRI từ 1.5 Tesla trở lên, phần mềm RAPID để đánh giá vùng thiếu máu, nhồi máu xem xét mở rộng “cửa sổ” điều trị cho bệnh nhân... và đôi khi việc cúp điện hoặc “máy hư” đột ngột sẽ làm hỏng toàn bộ những nỗ lực cố gắng của bác sĩ trong cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân.

“Tóm lại, một mô hình trung tâm, bệnh viện đột quỵ đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, về nguồn nhân lực cũng như chi phí. Vì vậy không phải bệnh viện nào cũng có thể xây dựng một trung tâm điều trị đột quỵ hiệu quả, đạt chuẩn”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Cường còn một yếu tố rất quan trọng khác giúp điều trị thành công bệnh nhân đột quỵ chính là sự tuyên truyền rộng rãi của các cơ quan truyền thông giúp người dân nhận biết dấu hiệu của đột quỵ, thời gian vàng, phòng ngừa và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ...

Khi bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ, việc cộng đồng có kiến thức về đột quỵ góp phần giúp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện có trung tâm đột quỵ, hoặc bệnh viện đột quỵ nhanh hơn. Sự hiểu biết của cộng đồng lúc này là một yếu tố then chốt giúp điều trị thành công, giảm tai biến biến chứng cho người bệnh.

Điều đáng tiếc là đa số người dân khi có dấu hiệu tê yếu, miệng méo, nói khó... lại lờ là, chủ quan, cho rằng bệnh nhẹ, tự ở nhà theo dõi đến khi bệnh hôn mê, mất tri giác... mới đưa đến bệnh viện, điều đó đã làm mất đi thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.

“Bệnh nhân đột quỵ cần đến trung tâm, bệnh viện đột quỵ gần nhất chứ không phải cơ sở y tế gần nhất mà thiếu điều kiện để chữa đột quỵ. Vì cơ sở y tế gần nhất nếu không có cấp cứu đột quỵ nhưng lại mất thời gian sẽ càng làm tình trạng bệnh nặng hơn”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Để giải được bài toán “bệnh nhân đột quỵ được điều trị tốt nhất có thể”, chúng ta cần có sự phối hợp của toàn xã hội đặc biệt là trong ngành y tế giữa các bệnh viện với nhau, lý tưởng nhất là trong khoảng cách 2 giờ đi xe, chúng ta có một trung tâm cấp cứu can thiệp đột quỵ đạt chuẩn. Đây là mục tiêu mà mọi người đều mong muốn nhưng chúng ta cần phải có thời gian để đào tạo nguồn nhân lực cũng như cần đầu tư nhiều thiết bị máy móc rất tốn kém.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ sở y tế như thế nào mới đủ điều kiện điều trị bệnh đột quỵ?