Người nước ngoài muốn trở thành công dân Mỹ, ngoài tiếng Anh là đương nhiên thì còn hai môn phải thi rất khắt khe là lịch sử nước Mỹ và bản Hiến pháp của Mỹ. Còn ở nước ta những năm gần đây, Bộ GD-ĐT bỏ thi môn Lịch sử, là một vấn đề vô cùng nguy hiểm.

Đà Nẵng: CLB hưu trí Thái Phiên lo lắng giáo dục xem nhẹ khoa học xã hội

Lê Đình Dũng | 26/09/2018, 10:58

Người nước ngoài muốn trở thành công dân Mỹ, ngoài tiếng Anh là đương nhiên thì còn hai môn phải thi rất khắt khe là lịch sử nước Mỹ và bản Hiến pháp của Mỹ. Còn ở nước ta những năm gần đây, Bộ GD-ĐT bỏ thi môn Lịch sử, là một vấn đề vô cùng nguy hiểm.

Vô cùng nguy hiểm

Ông Lê Tự Cường, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Chủ nhiệm CLB Thái Phiên của các cán bộ hưu trí trung -cao cấp TP.Đà Nẵng đã giãi bày nhiều lo lắng đến Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 25.9 về vấn đề giáo dục hiện nay khiến "những người có hiểu biết, có lương tri, trách nhiệm với đất nước, dân tộc đều thấy rất lo lắng".

Theo ông Cường, Trung ương đánh giá đúng vai trò của giáo dục đối với vận mệnh đất nước nên đã ban hành một nghị quyết về giáo dục khá chu đáo. Tuy nhiên những năm gần đây, Bộ GD-ĐT triển khai nghị quyết này không đạt yêu cầu và còn rất nhiều vấn đề đang rất bức xúc. Vì vậy, ông Cường kiến nghị trong kỳ họp Quốc hội sắp đến, nếu Luật Giáo dục được đưa ra xem xét để thông qua thì các vị ĐBQH cần quan tâm tham gia ý kiến thật kỹ vào những vấn đề cụ thể của luật này.

Ông cho rằng hơn 40 năm qua từ ngày thống nhất đến nay vẫn chưa có bộ chương trình chuẩn giáo dục của quốc gia nhưng Bộ GD-ĐT lại đang biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn là sai quy trình về giáo dục.

Theo ông, bộ chương trình có thể gồm hai phần chung và riêng. Phần chung là phần khoa học tự nhiên mà trên toàn thế giới ai cũng học. Vấn đề bức xúc nằm ở phần riêng, tức phần xã hội (Văn, Sử, Địa, Đạo đức công dân…).

“Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT làm một điều mà tất cả những người có hiểu biết, có lương tri, trách nhiệm với đất nước, dân tộc đều thấy rất lo lắng. Đó là việc bỏ thi môn Lịch sử”.

“Nếu học sinh muốn thi sử cũng được, không thi sử cũng được thì xin thưa, không em nào học sử cả. Mà không học sử thì không thể biết mình là ai. Đó là một vấn đề vô cùng nguy hiểm”, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên Đà Nẵng nhấn mạnh.

Nhiều cử tri Đà Nẵng bức xúc về ngành giáo dục thời gian qua

Ông Cường cho rằng: “Qua tìm hiểu được biết ở Mỹ, học sinh có thể bỏ qua các môn tự nhiên, đang học lớp 5 nhưng trình độ môn Toán đủ khả năng học lớp 6 thì lên lớp 6 học. Nhưng riêng môn Sử thì phải học và thi tuần tự hết lớp 5 lên lớp 6, lớp 7, lớp 8 chứ không được bỏ bẵng. Người nước ngoài muốn trở thành công dân Mỹ, ngoài tiếng Anh là đương nhiên thì còn hai môn phải thi rất khắt khe là lịch sử nước Mỹ và bản Hiến pháp của Mỹ”.

“Học sinh ở Mỹ không được bỏ qua môn Sử, trong khi nước Mỹmới có 242 năm lịch sử. Chúng ta có hơn 4.000 năm lịch sử, thế mà lại cho bỏ qua môn Sử, khi nước ta là một nước nhỏ và luôn bị các thế lực nhăm nhe xâm chiếm. Một khi người dân không hiểu lịch sử của đất nước mình thì làm thế nào để bảo vệ đất nước?”.

“Đừng trách giới trẻ bây giờ nói rằng: "Tổ quốc là gì? Nơi nào tôi sống tốt, đó là Tổ quốc tôi!".Nguy hiểm vô cùng, thưa các vị ĐBQH”, ông Cường cảm thán.

SGK mà lại phục vụ một nhóm lợi ích thì ngành giáo dục sẽ đi đến đâu

Liên quan đến việc Bộ GD-ĐT liên tục thay đổi sách giáo khoa trong nhiều năm qua gây bức xúc xã hội, cử tri Lê Tự Cường nói: “Trước đây các em học xong sách giáo khoa năm nay thì giữ lại để dùng cho lớp đàn em sang năm. Một bộ sách có thể truyền lại 10 năm về sau. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cứ liên tục thay đổi mẫu sách giáo khoa, không rõ vì mục đích gì nhưng sự thực đã gây lãng phí cho xã hội rất lớn”.

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng lo lắng với cử tri về ngành giáo dục

Đồng cảm với lo lắng của các cử tri, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ, câu chuyện sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có phát biểu tỏ rõ quan điểm rất thương các cháu học sinh, rất thương những gia đình nghèo.

“Còn tôi cũng muốn nói thêm, chẳng hạn gia đình tôi ngày xưa đi học làm gì có tiền mà mua sách giáo khoa. Làm gì có tiền sắm riêng một bộ sách để dùng. Chúng ta ở đây chắc ai cũng nhớ lại cảm giác này. Các gia đình anh em, xóm giềng với nhau, nếu có con học học hết năm sẽ tặng nhau bộ sách cũ hoặc xin, trao đổi lẫn nhau”.

“Sách giáo khoa mà lại phục vụ một nhóm lợi ích thì ngành giáo dục sẽ đi đến đâu, đất nước sẽ đi về đâu?”, ông Trương Quang Nghĩa nhận định.

Cũng liên quan đến SGK, với tình trạng mỗi năm xã hội phải chi hơn 1.000 tỉ đồng cho SGK nhưng mỗi bộ chỉ dùng được một năm; còn ông Giám đốc NXB Giáo dục thì phân trần mỗi năm NXB này phải lỗ 40 tỉ đồng cho việc in sách, ông Lê Tự Cường cho rằng: “Ở Trung ương tôi không biết, nhưng ở ngay TP.Đà Nẵng này có người phụ trách công tác xuất bản giáo dục, nhìn đời sống của họ thì biết là lỗ hay lãi.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: CLB hưu trí Thái Phiên lo lắng giáo dục xem nhẹ khoa học xã hội