Nhiều người Hàn Quốc chửi mắng và ném trứng vào quan chức nước này do bất mãn với kế hoạch lập trung tâm cách ly cho công dân về từ vùng dịch viêm phổi Vũ Hán. Dự tính dùng trung tâm giam giữ trên đảo Christmas cách ly của giới Úc cũng bị phản ứng.
Chuyến bay sơ tán đầu tiên chở theo 360 công dân Hàn Quốc vừa rời Vũ Hán vào tối 30.1. Sau khi về nước họ phải chịu cách ly trong vòng hai tuần.
Trong khi đó, nhiều người biểu tình ở hai thành phố Asan và Jincheon dùng máy kéo chặn lối vào những cơ sở được chọn làm trung tâm cách ly.
Bộ trưởng Nội vụ Chin Young bị ném trứng khi đến thương lượng tại Asan, may mắn được cảnh sát dùng dù che chắn. Ông cắt ngắn chuyến đi đến Jincheon do hứng chịu la ó, thậm chí bị chặn xe. Một người biểu tình hét lớn: “Nếu an toàn thì tại sao không đưa họ về nhà của các người đi?”
Hiện tại, không ít cư dân Asan và Jincheon đã gửi con đến nhà người thân ở nơi khác, bất chấp Tổng thống Moon Jae-in từng lên tiếng trấn an trước đó.
Tỏ ý thông cảm với lo ngại dịch bệnh lây lan, nhưng Bộ trưởng Chin quyết bảo vệ kế hoạch ban đầu vì chỉ những cơ sở được chọn đủ lớn để chứa số lượng trường hợp cách ly khổng lồ (chính quyền Seoul muốn tổ chức đến 4 chuyến bay sơ tán).
“Công dân Hàn tại Vũ Hán đang chịu đựng đau khổ. Chúng ta cần giúp đỡ họ càng sớm càng tốt”, theo Bộ trưởng Chin.
Hàn Quốc vào ngày 29.1 ghi nhận thêm ca nhiễm viêm phổi coronavirus. Đáng lo ngại là một trong hai ca mắc bệnh chưa hề đến Vũ Hán.
Không chỉ Hàn Quốc, Úc cũng gặp khó về chuyện cách ly. Một số quan chức y tế chỉ trích kế hoạch chuyển mục đích sử dụng trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép trên đảo Christmas, người thân của vài công dân đang mắc kẹt tại Vũ Hán thậm chí còn muốn từ chối trở về để rồi bị đưa ra đảo.
Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton cho biết: “Thực tế là họ cần được ở nơi nào đó trong tối đa 14 ngày. Tôi chẳng thể nào trưng dụng cả một bệnh viện tại Sydney, Melbourne hay Brisbane, cũng như không có cơ sở nào nhanh chóng đáp ứng cho hàng trăm người. Đảo Christmas được xây dựng cho kịch bản này”.
Trung tâm giam giữ nêu trên mở cửa lại vào năm ngoái, hiện đang có một gia đình người Tamil mà Úc muốn trục xuất đến Sri Lanka sinh sống.
Cẩm Bình (theo Reuters, ABC News)