Đa số dân chúng Thái Lan đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới do chính phủ quân sự nước này soạn thảo, theo đó tương lai Thái Lan sẽ được điều hành bởi một chính phủ dân cử nhưng chịu nhiều ảnh hưởng từ quân đội và các quan chức không phải do dân bầu.
Cụ thể, truyền thông Thái Lan cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 91% số phiếu của cuộc trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp mới nước này được kiểm xong và có đến 62% số phiếu ủng hộ văn kiện trên.
Trong khi đó, chỉ có khoảng 38% số phiếu được kiểm phản đối dự thảo hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo, ủy viên Ủy ban Bầu cử Somchai Srisutthiyakorn cho biết.
Ông Somchai ước tính rằng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là khoảng 70%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 57% trong cuộc trưng cầu năm 2007 và kết quả kiểm phiếu sẽ không thay đổi nhiều do số phiếu còn lại quá ít.
Dự kiến kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý lần này sẽ được công bố vào ngày 10.8 tới.
Theo hiến pháp tạm thời được các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 soạn thảo, chính phủ quân sự sẽ tiếp tục nắm quyền bất kể kết quả trưng cầu dân ý.
Cuộc trưng cầu dân ý lần này được xem là một "thuốc thử" đối với chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một vị tướng về hưu đã diệt nhiều phe nhóm bất đồng chính kiến kể từ sau khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.
Tuy nhiên, sự cứng rắn của chính quyền quân sự cũng loại bỏ đượcsự mất ổn định và kết thúc những vụ bạo lực đường phố thường xuyên xảy ra do những chia rẽ chính trị tồn tại nhiều năm qua ở Thái Lan.
Sự ổn định trong thời gian qua có thể là lý do chính thúc đẩy người dân quyết định "đồng ý" với dự thảo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo.
"Có quá nhiều sự lo lắng và quan ngại khi phần lớn người Thái nói đồng ý (với hiến pháp mới). Nhiều người Thái muốn chấm dứt tình trạng tham nhũng và sự trở lại của hòa bình và phát triển. Dù các chuyên gia như tôi có thể chỉ trích nhiều về bản hiến pháp này, nhưng thông điệp của chúng tôi không thể tới được với nhiều người dân", ông Gothom Areeya, một giáo sư tại Đại học Mahidol Thái Lan nói với hãng tin AP.
Ngoài chuyện thông qua hiến pháp, trưng cầu dân ý lần này cũng thêm một phần bổ sung là hỏi cử tri liệu họ có muốn Thượng viện được quyền bổ nhiệm thủ tướng hay không. Người dân Thái Lan thông qua điều này, nhưng "ít nhiệt tình hơn" so vớibản hiến pháp, với 58% người "đồng ý" và 42% nói "không", ông Somchai cho biết.
Dù không có nhiều báo cáo vi phạm nghiêm trọng trong suốt quá trình bỏ phiếu, nhưng nhiều nhà phê bình chỉ trích kết quả trưng cầu dân ý lần này bị sai lệch vì không nhóm bất đồng chính kiến nào được phép trình bày chỉ trích của mình.
Chính quyền Thái đã áp đặt hàng loạt hạn chế nghiêm trọng trong thời gian chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý như cấm các cuộc biểu tình chính trị, các chiến dịch thảo luận công khai về dự thảo hiến pháp.
Những người chỉ trích bản hiến pháp còn có nguy cơ bị bỏ tù tới 10 năm vềhành động của mình. Ngoài ra chính quyền dân sự còn hứa rằng sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2017 nếu hiến pháp mới được chấp nhận, dù ông Prayuth có hứa là sẽ tổ chức bầu cử mới kể cả khi hiến pháp mới không được thông qua.
Thiên Hà (theo ABC News)